Chuyện “nóng”, chuyện “nguội” của cộng đồng người Việt tại Nga

(Dân trí) - Nhiều vấn đề của bà con cộng đồng người VN tại Nga được đưa ra trong cuộc gặp gỡ chiều 4.10 tại phòng họp của Đại sứ quán VN ở Mátxcơva, giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn với cán bộ đại sứ quán và đại diện các Hiệp hội VN tại Nga.

Chuyện “nóng”, chuyện “nguội” của cộng đồng người Việt tại Nga - 1
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn (ngoài cùng bên trái) trao đổi với các đại diện cộng đồng người Việt
 
Nóng “xưởng may đen” và  “du lịch”

 

Song song với thông báo về tình hình chung của các cộng đồng người VN trên thế giới, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cũng nêu rõ một số ưu khuyết điểm của người Việt tại Nga trong thời gian gần đây. Nổi cộm nhất là vấn đề tồn tại các “xưởng may đen” (bất hợp pháp). Đây là chuyện không còn của riêng ta và đã  khiến Nhà nước VN cũng như bà con người Việt tại Nga bức xúc, mà phía Nhà nước Nga cũng rất lưu tâm. Vấn đề phải giải quyết như thế nào cho ổn thỏa là một câu hỏi chờ đợi lời giải đáp cụ thể của các ban, ngành liên quan trong và ngoài nước.

 

Nhiều ý kiến của đại diện các hiệp hội như: Hội người VN, Hội người Việt định cư, Hội Doanh nghiệp cùng các cá nhân khác nêu thẳng vào thực tế vấn đề, đồng thời đưa ra những đề xuất mà theo chúng tôi là khá hữu ích.  

 

Quả thật, sự xuất hiện và tồn tại dai dẳng của các “xưởng may đen” nhiều năm qua, rồi khi bị chính quyền phát hiện, bắt giữ và bị truyền thông Nga chỉ trích là một thực tế đau lòng. Báo chí trong nước cũng đã phê phán rất nhiều, nhưng rốt cục tình hình vẫn chưa thấy có biến chuyển tích cực. Thậm chí các xưởng may bất hợp pháp này còn mọc thêm nhiều hơn (chỉ tính riêng tại địa bàn Mátxcơva và vùng ngoại ô đã có hàng trăm xưởng các loại “đen, trắng” với số công nhân có lẽ đã lên tới hàng ngàn người). Nguyên nhân, theo chúng tôi, chủ yếu là do các biện pháp trừng phạt chưa đủ sức răn đe, nên các chủ xưởng vẫn tỏ ra “nhờn luật” cũng như “bỏ quên” lương tâm chỉ vì mục đích lợi nhuận.

 

Tuy nhiên những chuyện “nóng” đó rõ ràng chỉ là một vài “mảng tối”, song phía các cơ quan chức năng  Nga xem ra trong chừng mực nào đó vẫn còn phiến diện trong chuyện đưa tin phản ánh thực trạng của người VN tại Nga. Cụ thể là những mảng sáng ít được họ thông tin trên truyền thông, mà thường xoáy vào “mảng tối”. Điều này đã đem tới cách nhìn nhận thiếu minh bạch với đông đảo độc giả và khán thính giả Nga, khiến cho hình ảnh người VN hiện nay tại Nga thường bị nhìn nhận có phần thiên lệch một chiều.

 

(Ngoài ra, chúng tôi cũng hiểu rằng sở dĩ vẫn tồn tại những “mảng tối” đó trong một số người VN tại Nga cũng có một phần lỗi không nhỏ từ một bộ phận giới chức trách Nga – những người đã bị chi phối bởi đồng tiền. Và để tiếp tay cho tệ nạn này là một số nhà “dịch vụ” từ phía người VN.  Chúng tôi muốn góp thêm một tiếng nói cảnh báo để các giới chức VN tại Nga lưu tâm hơn nữa, nhằm tìm ra những biện pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề này).

 
Chuyện “nóng”, chuyện “nguội” của cộng đồng người Việt tại Nga - 2
Bà Phạm Thị Ngọc Bích, Tham tán Công sứ phát biểu
 

Một điều cần nói nữa - đó là sự tồn tại bất hợp pháp của không ít người VN tại Nga năm này qua năm khác, mà nguyên nhân theo chúng tôi, chính là do khâu quản lí còn lỏng lẻo. Người VN đi du lịch rồi ở lại Nga làm ăn chứ không chịu về nước khi hết hạn visa, vậy có một câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của ngành du lịch ở đâu?...

 

Thông tin và chuyện ăn ở

 

Ngoài chuyện nóng bỏng nhất là các xưởng may “đen”, cuộc họp cũng đề cập đến những chủ đề ít nóng hơn (có thể coi như “nguội” ) xem ra cũng khá tế nhị khác xoay quanh chuyện ăn ở, làm việc, sinh hoạt, học tập của bà con VN tại Nga.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đưa ra gợi ý cần có một tờ báo đích thực của người Việt tại Nga. Thực ra, tại Nga bao năm qua đã có một số tờ báo của các cá nhân bỏ tiền túi ra làm, mà chúng tôi cho là chỉ thuộc loại “lá cải” bán rải rác ở các chợ. Thực chất đó chỉ là những bản “photocoppy” lại bài vở từ các báo mạng điện tử khác và mục đích của họ là quảng cáo kinh doanh thì đúng nghĩa hơn. Báo mạng điện tử của bà con VN tại Nga cũng có vài tờ nhưng cũng  rưa rứa tình trạng đó, tuy có vẻ thông thoáng hơn bởi chú trọng hơn về tin tức. Thi thoảng có một số nhà văn, nhà thơ, nhà báo đang làm việc tại Nga cũng  góp phần viết bài.
 
Chuyện “nóng”, chuyện “nguội” của cộng đồng người Việt tại Nga - 3
 
Chuyện “nóng”, chuyện “nguội” của cộng đồng người Việt tại Nga - 4
Các đại diện cộng đồng và  hiệp hội người Việt định cư tại Nga đóng góp ý kiến 

 

Nhưng theo chúng tôi, để có một tờ báo đúng nghĩa xuất hiện và tồn tại được thì phải hội đủ nhiều yếu tố, từ nguồn kinh tế, đội ngũ biên tập, phóng viên…Ai sẽ là người đứng ra làm việc đó? tư nhân hay các hiệp hội của cộng đồng hoặc là từ phía nhà nước ta? (hiện gợi ý củaThứ trưởng Sơn vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ, chưa có câu trả lời).

 

Nhìn chung cộng đồng người Việt tại Nga là lực lượng khá đông đảo và ôn hòa. Đa số chuyên tâm vào làm ăn kinh tế từ những thập niên 90 trở lại đây. (Các hiện tượng bất ổn hầu như không có, nhưng các tiêu cực về sinh hoạt thì đúng là không phải ít). Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng bà con luôn có ý thức đùm bọc lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Mỗi khi trong nước xảy ra những sự cố như thiên tai, hỏa hoạn, kêu gọi từ thiện …bà con đều nhiệt tình hưởng ứng đóng góp. Nhất là ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt, các nạn nhân chất độc da cam…

 

Tuy nhiên, thực tế mà nói thì cuộc sống và làm ăn sinh hoạt của bà con VN tại Nga vẫn còn có nhiều khó khăn khác, mà chúng tôi nghĩ cần được sự quan tâm hơn từ cả phía hai nhà nước VN và Nga để giúp cải thiện. Ý kiến chung được các đại diện tham gia cuộc họp cùng nhấn mạnh là cần làm sao để bảo vệ quyền được ăn ở, đi lại, làm việc hợp pháp cho bà con  ta ở Nga như ở các nước châu Âu, Mỹ…khác.

 

Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva)