1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyện ít biết về cuộc thi sắc đẹp duy nhất tại Ảrập Xê-út

(Dân trí) - Sukaina al-Zayer trông không giống một ứng cử viên sáng giá của cuộc thi nữ hoàng sắc đẹp. Cô mặc chiếc áo choàng đen phủ kín người và đội khăm trùm đầu, vì thế không ai biết nhan sắc của al-Zayer thế nào. Cô cũng thừa nhận mình hơi béo.

Chuyện ít biết về cuộc thi sắc đẹp duy nhất tại Ảrập Xê-út  - 1
Người sáng lập cuộc thi Hoa hậu nhân cách đẹp nhất, bà Khadra al-Mubarak.

Nhưng trong cuộc thi sắc đẹp duy nhất tại Ảrập Xê-út, các thành viên ban giám khảo không quan tâm tới một gương mặt hay ngoại hình hoàn hảo. Người mà họ tìm kiếm tại cuộc thi Hoa hậu nhân cách đẹp nhất (Miss Beautiful Morals) là thí sinh chứng tỏ được sự hiếu kính đối với cha mẹ.

"Ý tưởng của cuộc thi là đánh giá cam kết của các thí sinh đối với các giá trị đạo đức của đạo Hồi… Đó là một cuộc thi khác biệt với những cuộc thi sắc đẹp khác vốn chỉ quan tâm tới hình thể và vẻ bề ngoài của phụ nữ", người sáng lập cuộc thi Khadra al-Mubarak nói.

"Người chiến thắng không nhất thiết phải xinh đẹp. Chúng tôi quan tâm tới vẻ đẹp của tâm hồn và nhân cách của các thí sinh".

Vì thế, sau khi cuộc thi khởi động vào thứ 7 này, gần 200 thí sinh sẽ có 10 tuần để tham gia các lớp học và trả lời các câu hỏi với những chủ đề như "Khám phá sức mạnh nội tâm", "Lý do thành công của các nhà lãnh đạo" và "Mẹ, thiên đường ở dưới chân mẹ" - một câu châm ngôn của nhà tiên tri Muhammad nhấn mạnh sự kính trọng đối với cha mẹ là một trong những giáo lý quan trọng nhất của đức tin.

Các ứng cử viên cũng sẽ có một ngày ở bên các bà mẹ để ban giám khảo quan sát và đánh giá xem họ đối xử với mẹ thế nào. Do cuộc thi không được phát trên truyền hình và nam giới không tham gia tổ chức, các thí sinh có thể cởi bỏ bịt mặt và áo choàng mà họ luôn phải mặc ở nơi công cộng.

Hoa hậu nhân cách đẹp nhất là ví dụ mới nhất cho thấy người đạo Hồi bảo thủ đang cạnh tranh với các cuộc thi mang phong cách Tây để phát đi thông điệp của họ trong lúc sự ảnh hưởng của nước ngoài đang tấn công mạnh mẽ thế giới Ảrập thông qua internet và truyền hình vệ tinh.

Hồi tháng này, một kênh âm nhạc đạo Hồi do một doanh nhân Ai Cập mới thành lập đã phát sóng một cuộc thi kiểu "American Idol" dành cho các ca sĩ theo đạo. Vài giáo sĩ Hồi giáo đã trở thành các ngôi sao talk-show, học tập phong cách truyền hình của Nữ hoàng talk-show Mỹ Oprah Winfrey, đối lập với các giáo sĩ nghiêm khắc thường xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Năm nay là năm thứ 2 cuộc thi Hoa hậu nhân cách đẹp nhất được tổ chức. Số lượng thí sinh tham gia đã tăng gần gấp 3 so với 75 thí sinh của năm 2008. Độ tuổi tham dự từ 15-25. Tên người chiến thắng và 2 á hậu sẽ được công bố vào tháng 7. Hoa hậu sẽ nhận được tiền thưởng là 2.600USD và các phần quà khác. Hai Á hậu sẽ nhận được phần thưởng 1.300USD mỗi người.

Hoa hậu lên ngôi năm ngoái, cô Zahra al-Shurafa, cho hay cuộc thi khuyến khích các phụ nữ trẻ và các thanh thiếu niên tham gia để chứng tỏ tình cảm đối với cha mẹ.

"Tôi nói với các thí sinh trong cuộc thi năm nay rằng chiến thắng không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là phải vâng lời cha mẹ", al-Shurafa, 21 tuổi, một sinh viên ngành tiếng Anh, nói.

Có rất ít các cuộc thi sắc đẹp trong phần lớn thế giới Ảrập. Li-băng là quốc gia tự do nhất trong khu vực, nơi các thí sinh xuất hiện trên truyền hình trong những bộ bikini và trang phục dạ hội lộng lẫy, trả lời các câu hỏi nhằm chứng tỏ sự tự tin và hiểu biết chung.

Ảrập Xê-út không có một cuộc thi nào tương tự như thế cho tới khi cuộc thi Hoa hậu nhân cách đẹp nhất được tổ chức đầu tiên vào năm ngoái. Ở đây chỉ phổ biến các cuộc thi sắc đẹp dành cho dê, cừu, lạc đà và các động vật khác nhằm khuyến khích nhân giống vật nuôi.

Cuộc thi năm nay sẽ khởi động vào thứ 7 này tại thành phố Safwa tập trung chủ yếu Hồi giáo dòng Shiite và hầu hết các thí sinh tham gia theo dòng Shiite. Nhưng cuộc thi mở rộng với tất cả mọi người và năm nay, 15 thí sinh Hồi giáo dòng Sunni cũng tham gia. "Đây là một điều tuyệt vời", người sáng lập cuộc thi Khadra al-Mubarak nói.

Lâu nay quan hệ giữa hai giáo phái Sunni và Shiite tại Ảrập Xê-út vẫn căng thẳng. Những người cứng rắn dòng Sunni coi người Shiite là không theo đạo, còn người Shiite thường xuyên phàn nàn về sự phân biệt đối xử và phân hoá giàu nghèo.

Al-Zayer, một sinh viên ngành quản lý quốc tế 24 tuổi, cho hay cô đăng ký tham dự vì cô là "bản sao" của mẹ. "Tôi tự hào vì sự hiếu kính dành cho cha mẹ mình".

Khi được hỏi cô nghĩ thư thế nào về các cuộc thi sắc đẹp của Li-băng, Al-Zayer đáp: "Đó là sự khác biệt về văn hoá. Tại Ảrập Xê-út, những cuộc thi như thế là không thể chấp nhận được".

Awsaf al-Mislim, một thí sinh khác, nói nếu không giành vương miện, cô sẽ giành một thứ khác quan trọng hơn. "Tôi tự hào vì được thi đấu với các thí sinh khác để chứng tỏ sự hiếu kính với cha mẹ".

An Bình
Theo AP