1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia Mỹ nhận định về "mối nguy Triều Tiên"

(Dân trí) - Hai học giả người Mỹ cho rằng nguy cơ lớn nhất trên bán đảo Triều Tiên không phải là một cuộc chiến tranh bất ngờ, mà mối nguy hiểm lớn nhất là khi Mỹ để Triều Tiên tự tin rằng đã sở hữu sức mạnh hạt nhân cần thiết để có thể tự do hành động.

Duyệt binh tại Bình Nhưỡng (Ảnh:

Duyệt binh tại Bình Nhưỡng (Ảnh: AFP)

Giả định xa thực tế

Trong những năm 1990, một số chuyên gia Mỹ đã đưa ra ước tính tổn thất của một cuộc chiến tranh giả định giữa Mỹ và đồng minh với Triều Tiên có thể lên đến cả nghìn tỷ USD và cướp đi cả triệu sinh mạng. Điều đáng nói là các học giả và quan chức Mỹ dường như muốn để giả định tổn thất lớn đó che mờ mọi nhận định khác về Bình Nhưỡng. Lý luận họ thường đưa ra là bất kể hành động nào nhằm vào Triều Tiên đều dẫn đến chết chóc thảm họa và hủy diệt.

Tuy nhiên, hai nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu An ninh mới (CNAS) của Mỹ là Van Jackson và Hannah Suh đã công bố báo cáo phân tính dựa trên thông tin được theo dõi suốt nhiều năm cho thấy giả định nói trên là không chính xác. Một phần của báo cáo được đăng trên tạp chí National Interest, có trụ sở tại Mỹ.

National Interest dẫn phân tích của nhóm Jackson và Suh cho rằng trước đây, có nhiều học giả đã cố chứng minh Triều Tiên sẵn sàng hy sinh tất cả để mong giành chiến thắng một khi xung đột nổ ra. Lý luận phổ biến là hành động tấn công quân sự “rất có thể làm nổ ra chiến tranh gây hủy diệt Hàn Quốc”. Lý luận khác thì cho rằng thậm chí một cuộc tấn công “hết sức hạn chế” thì vẫn “có nguy cơ trở thành xung đột quân sự lớn và có thể gây hậu quả hủy diệt cho cả hai bên Mỹ, Triều Tiên và hơn thế…”.

Trong khi đó, một lý luận khác cho rằng Mỹ và Hàn Quốc chẳng thể làm gì vì hỏa lực của Triều Tiên đã nhằm thẳng vào Seoul để ngăn chặn bất kể hành động quân sự nào. Lý luận này tạo cảm giác rằng mọi cuộc tấn công vào Bình Nhưỡng đều có thể gây ra một viễn cảnh tệ nhất có thể hình dung. Có học giả còn cho rằng, sử dụng sức mạnh để tấn công Triều Tiên có thể còn tệ hơn là để cho nước này tự do phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Các nhà nghiên cứu Jackson và Suh phân tích rằng không chỉ các học giả mà cả các đời chính quyền Mỹ cũng là nạn nhân của lý luận dựa trên sự sợ hãi mà không căn cứ vào phân tích thực tế và tư duy logic. Dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush, quan điểm chủ đạo là “bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào chống Triều Tiên đều khiến Bình Nhưỡng có thể phản công và gây ra sự hủy diệt ghê gớm cho Seoul.” Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã kể trong hồi ký của mình về lá thư chính quyền Obama yêu cầu Hàn Quốc không trả đũa vụ Triều Tiên pháo kích đảo Yeonpyeong hồi tháng 11/2010.

Thay đổi chiến lược

Theo Jackson và Suh, các hành động của liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo chống Bình Nhưỡng sẽ không đương nhiên gây ra thảm họa hạt nhân hoặc hủy diệt thành phố Seoul. Dường như nỗi e sợ rủi ro cùng suy nghĩ cho rằng Triều Tiên muốn có chiến tranh đã làm tê liệt chính sách liên minh và kế hoạch quân sự chủ động của Mỹ trong vấn đề bán đảo Triều Tiên. 

Jackson và Suh khẳng định bất kể là Triều Tiên hăm dọa thế nào thì nước này vẫn sẽ cố tìm cách tránh các hành động có thể nổ ra chiến tranh. Mục đích chủ yếu của Bình Nhưỡng cũng như cách hành xử lâu nay đã tiết lộ nước này chỉ muốn duy trì chế độ chính trị của mình mà thôi.

Hai nhà nghiên cứu tiếp tục lưu ý rằng sự thực đó được đúc rút từ nhiều năm quan sát hành vi của Triều Tiên. Kể cả trong những thời điểm được gọi là “chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai” vào cuối những năm 1960 thì nước này vẫn không bao giờ để cho các cuộc tấn công quân sự nhỏ lẻ leo thang. Khi Bình Nhưỡng đe dọa các tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc gửi bóng bay tuyên truyền sang lãnh thổ của mình, nước này đã nổ súng bắn vào bóng nhưng không phải những người thả bóng. 

Trong hàng loạt va chạm với hải quân Hàn Quốc ở biển Hoàng Hải, Triều Tiên cũng không bao giờ để tình hình leo thang quá mức xung đột cục bộ. Bình Nhưỡng đã có vô vàn cơ hội để leo thang xung đột thành khủng hoảng thực sự nhưng lần nào cũng chọn kiềm chế, ưu tiên là không có hành động có thể gây nguy hiểm cho chế độ.

Lý thuyết trò chơi

National Interest dẫn nghiên cứu của Jackson và Suh nhận định rằng sự phiêu lưu quân sự của Triều Tiên rất nghiêm trọng khi nước này tin là càng tăng cường năng lực tên lửa và vũ khí hạt nhân thì càng đảm bảo tránh bị tấn công. Với “con tin” là Hàn Quốc và Nhật Bản, Bình Nhưỡng tính rằng có thể duy trì xung đột nhỏ mà không sợ leo thang thành chiến tranh tổng lực.

Sai lầm trong chính sách và kế hoạch quân sự của Washington là đã giả định rằng một cuộc tấn công ngăn chặn hoặc trả đũa có thể biến thành chiến tranh tổng lực và thay đổi chế độ, hoàn toàn đúng như Bình Nhưỡng tính toán. Hai nhà nghiên cứu khuyến nghị rằng bất kể mục tiêu của Triều Tiên là gì, Mỹ nên lên kế hoạch và hoạch định chính sách theo hướng Bình Nhưỡng tìm cách giữ cho va chạm quân sự trong tầm kiểm soát.

Nguy cơ lớn nhất trên bán đảo Triều Tiên không phải là một cuộc chiến tranh bất ngờ hoặc sự leo thang quân sự của Bình Nhưỡng. Nguy cơ lớn đó chính là để Bình Nhưỡng tin rằng đã có được sức mạnh cần thiết để có thể tự do hành động.

Hoài My
Theo National Interest

Mọi thông tin,ý kiến đóng góp cho chuyên mục Thế giới, quý độc giả có thể gửi đến ban Quốc tế báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email thegioi@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!