1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuẩn đô đốc Mỹ kể chuyện đối mặt Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông

(Dân trí) - Chuẩn đô đốc Marcus Hitchcook, chỉ huy của nhóm tàu tấn công của Mỹ do tàu sân bay USS John C. Stennis dẫn đầu, chia sẻ với hãng tin Bloomberg rằng, chiến hạm của ông tham gia giám sát gần như 24/7 với lực lượng Hải quân Trung Quốc...

Chuẩn Đô đốc Hải quân Mỹ Marcus Hitchcook (Ảnh: Bloomberg)
Chuẩn Đô đốc Hải quân Mỹ Marcus Hitchcook (Ảnh: Bloomberg)

Đứng trên boong tàu USS John C. Stennis, một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân với chiều dài bằng 3 sân bóng đá tiêu chuẩn khi đi qua Biển Đông, một trong những tuyến hàng hải bị tranh chấp căng thẳng nhất thế giới, Chuẩn đô đốc Hitchcock đã nói về lực lượng Hải quân Trung Quốc.

“Chúng tôi (Hải quân Mỹ và Trung Quốc) không gặp bất cứ vấn đề gì, thay vào đó hai bên tương tác rất chuyên nghiệp”, Chuẩn đô đốc Hitchcock cho biết hôm 1/5 trên boong tàu John C. Stennis, trong tiếng gầm rú liên tục của máy bay chiến đấu lúc cất và hạ cánh. “Đại dương là một môi trường chung mang tính kết nối, do vậy lực lượng hải quân của các nước cũng luôn kết nối với nhau”.

Được hộ tống bởi 3 tàu khu trục và một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường, đội tàu tấn công do tàu sân bay John C. Stennis dẫn đầu không cần thiết phải áp sát các khu vực mà Trung Quốc đang đòi hỏi chủ quyền vô lý để phát đi bất kỳ thông điệp nào, vì so với Trung Quốc, đội tàu của Mỹ vượt trội hơn hẳn về mọi mặt. Trung Quốc hiện chỉ có một tàu sân bay là Liaoning, được chế tạo lại từ thân tàu mua của Ukraine và mới được đưa vào hoạt động từ năm 2012.

Trong quá trình hoạt động, Hải quân hai nước đã thiết lập một mã hiệu để đối phó với những va chạm ngoài ý muốn trên biển, đồng thời cùng nhau tuân thủ nghiêm ngặt theo mã hiệu đó, ông Hitchcock nhấn mạnh. Mã hiệu này “đang vận hành rất hiệu quả”.

Mặc dù vậy, Đô đốc Hitchcock không dành lời khen cho lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Trung Quốc sử dụng lực lượng hải cảnh ngày một nhiều như một lực lượng hải quân trên thực tế (de facto) trên Biển Đông nhằm phục vụ cho mục đích khẳng định chủ quyền vô lý của nước này trong khu vực.

Các nhà phân tích an ninh đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột từ hoạt động của lực lượng này. Tháng 3/2016, một tàu cá của Trung Quốc đã đi vào lãnh hải của Indonesia và bị tàu tuần tra Indonesia xua đuổi, ngay lập tức các tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện và ngăn chặn tàu tuần tra Indonesia. Sau vụ việc này, Indonesia đã quyết định điều các máy bay chiến đấu F-16 tới khu vực trên.

Đô đốc Hitchcock là một trong số các sĩ quan hải quân cấp cao của Mỹ hối thúc lực lượng hải cảnh Trung Quốc phát triển một mã hiệu tương tự như Hải quân hai nước từng làm trong quá trình hoạt động trên biển. “Đây là cách hợp lý nhất để hai bên chúng ta hiểu biết lẫn nhau và trao đổi thông tin, ý định cho nhau”, Đô đốc Hitchcock cho biết. “Một khi hai bên đã hiểu nhau và có thể trao đổi ý định cho nhau, tôi nghĩ chúng ta sẽ đưa ra những quyết định hợp lý và hành động có trách nhiệm hơn”.

Ông Hitchcock khẳng định sự hiện diện ngày càng tăng của quân đội Mỹ tại Đông Nam Á không làm cho tình hình tại khu vực này trở nên phức tạp hơn. Năm ngoái, Mỹ bắt đầu đưa tàu chiến tới gần các khu vực bãi đá mà Trung Quốc đang cải tạo bất hợp pháp, để triển khai các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải.

“Đây là hoạt động triển khai quân sự thường xuyên và có kế hoạch của Mỹ. Chúng tôi phải đảm bảo hoạt động giao thương trên tuyến hàng hải này không bị cản trở”, Đô đốc Hitchcock nhận định.

Tuy nhiên Đô đốc Hitchcock cũng khẳng định: “Hành động của Mỹ là để thách thức các yêu sách chủ quyền quá mức của bất kỳ quốc gia nào. Chúng tôi (Mỹ) không phải là bên có đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, chúng tôi chỉ hi vọng có các giải pháp ngoại giao và hòa bình để giải quyết mọi tranh chấp về chủ quyền trong khu vực”.

Sự hiện diện của nhóm tàu tấn công do tàu sân bay USS John C. Stennis dẫn đầu, cùng chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tới châu Á, diễn ra cùng thời điểm với chuyến thăm phi lý của Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc - Tướng Phan Trường Long (Fan Changlong), người giữ trọng trách quan trọng thứ hai trong quân đội Trung Quốc sau Chủ tịch Tập Cận Bình, tới Đá Chữ Thập trên Biển Đông. Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm giữ bất hợp pháp và ngang nhiên bồi đắp thành đảo nhân tạo.

Trong một diễn biến khác, ngày 25/4, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết Bắc Kinh quan ngại trước thông tin cho rằng 6 máy bay của Lực lượng không quân Mỹ đã bay vào không phận quốc tế trong phạm vi gần bãi cạn Scarborough hôm 19/4.

“Quân đội Trung Quốc sẽ thực thi tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đe dọa!

Thành Đạt

Theo Bloomberg