1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Chưa qua cơn ác mộng

Trung Đông năm 2016 tiếp tục là một bức tranh u ám bất chấp một số điểm sáng le lói không đủ để xua đi những mối lo ngại đang ngày càng gia tăng ở vùng tâm chấn của bạo lực và xung đột này.

Cuộc nội chiến dai dẳng ở Syria tiếp tục là một bài toán hóc búa chưa có lời giải sau gần 6 năm và nguy cơ còn có thể kéo dài lâu hơn nữa.

Thắng lợi mang tính quyết định của quân đội Chính phủ Syria ở thành phố chiến lược Aleppo vào dịp gần cuối năm tuy mang lại hy vọng làm biến chuyển cục diện bế tắc ở Syria, nhưng cũng chưa có gì bảo đảm chắc chắn.

Đường tới hòa bình, ổn định của quốc gia này sẽ còn không ít chông gai bởi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tuy đã suy yếu, vẫn là mối đe dọa tiềm tàng, tình trạng chia rẽ sâu sắc cùng sự can dự đầy toan tính của các thế lực bên ngoài.

Chưa qua cơn ác mộng - 1

Các tay súng IS tại khu vực biên giới giữa Syria và Iraq. (Ảnh: theguardian.com)

Trải qua nhiều năm, cuộc khủng hoảng Syria cùng cuộc chiến chống IS dường như đã làm phân tán phần nhiều sự quan tâm của thế giới đối với các vấn đề cũng không kém phần nóng bỏng khác của khu vực. Một trong số đó là tiến trình hòa bình Palestine - Israel đang giậm chân tại chỗ và giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại vẫn xa vời.

Đặc biệt, năm 2016 nổi lên cuộc đối đầu giữa hai “ông lớn” ở khu vực là Iran và Arập Xêút. Ngay những ngày đầu tiên của năm 2016, hai nước đã bùng phát mâu thuẫn sau khi Riyadh hành quyết 47 người, trong đó có một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite.

Căng thẳng giữa Iran và Arập Xêút, hai cường quốc luôn ngấm ngầm tranh giành vai trò ở khu vực, không phải là câu chuyện quá mới, nhưng sự việc này càng đổ thêm dầu vào ngọn lửa mâu thuẫn vốn âm ỉ từ lâu giữa hai cộng đồng Hồi giáo Sunnivà người Hồi giáo Shiite mà Arập Xêút và Iran lần lượt là đại diện.

Con sóng ngầm căng thẳng giữa Arập Xêút và Iran tuy khó có thể bùng phát thành xung đột nhưng việc không thể tìm được tiếng nói chung của hai “ông lớn” này được cho là ảnh hưởng không nhỏ tới nỗ lực giải quyết các vấn đề nổi lên ở khu vực.

Có thể nói rằng Trung Đông vẫn chưa qua cơn ác mộng của quá khứ đã phải đối mặt với những thách thức khó lường trong tương lai. Phong trào Mùa xuân Arập khởi phát tại khu vực cách đây 6 năm đã thực sự đặt ra những thách thức an ninh đối với toàn khu vực. Đó là sự sụp đổ hoặc suy yếu của các thể chế nhà nước, kéo theo các cuộc chiến đẫm máu, mâu thuẫn sắc tộc leo thang, những cuộc khủng hoảng nhân đạo, di cư và sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố. Tất cả đã tạo ra diện mạo của khu vực trong bối cảnh hiện giờ còn rối ren và phức tạp hơn cả trước và trong thời kỳ phong trào Mùa xuân Arập diễn ra.

Bên cạnh những yếu tố bất ổn đang hiện hữu đó là những nguy cơ tiềm ẩn từ cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước trong khu vực và cả những nước bên ngoài, càng đẩy khu vực chìm sâu vào hỗn loạn.

Nhìn vào bức tranh khu vực hiện giờ, ngay cả những người lạc quan cũng khó có thể tin rằng sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ của các nước ở khu vực Trung Đông sẽ mang lại kết quả như mong muốn. Trung Đông trải qua quãng thời gian khó thì đây cũng là những năm tháng chật vật đối với những quốc gia can dự vào các vấn đề của khu vực, mà nổi lên là cuộc khủng hoảng ở Syria.

Sau rất nhiều nỗ lực tìm cách hợp tác để giải quyết vấn đề Syria, hai nước đi đầu trong nỗ lực này là Mỹ và Nga vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cuối cùng đã phải tuyên bố rằng cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về cuộc xung đột tại Syria đã đi vào “ngõ cụt”.

Những tiến triển trong cuộc chiến chống IS năm 2016 có thể coi là điểm cộng hiếm hoi trong nỗ lực giải quyết những vấn đề nóng bỏng của khu vực của các nước bên ngoài suốt những năm qua.

Tiêu diệt IS hiện nay được cho là một trong những mấu chốt để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria cũng như hóa giải thách thức an ninh cho toàn khu vực. Sự nổi lên của IS được cho là một trong những nhân tố khiến cho cuộc khủng hoảng Syria càng leo thang phức tạp vượt ngoài tầm kiểm soát như hiện nay. Không chỉ bởi tham vọng bành trướng lãnh thổ của IS mà nó còn kéo theo sự can dự của hàng loạt quốc gia bên ngoài khu vực vào cuộc chiến. Bài học ở Iraq, Libya, Afghanistan về hậu quả của các hoạt động can dự từ bên ngoài vẫn còn nguyên giá trị.

An ninh và khủng bố mặc dù là thách thức nổi cộm, nhưng ở khu vực chồng chất một loạt vấn đề nóng bỏng như Trung Đông rất cần có một giải pháp tổng thể, bao gồm chính sách ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Bởi cùng với bất ổn về an ninh, nghèo đói luôn là mối đe dọa song hành đối với sự ổn định của khu vực này.

Sự bất ổn ở “lò lửa” Trung Đông trong suốt thời gian qua đã vượt ra khỏi phạm vi khu vực mà ảnh hưởng đến toàn cầu. Mối đe dọa rõ nhất đó là tổ chức khủng bố IS trong khi đang mất đi sức mạnh và vùng lãnh thổ chiếm được ở Iraq, Syria đã điên cuồng nhắm tới nhiều mục tiêu tấn công ở khắp nơi trên thế giới.

Các vụ khủng bố với quy mô lớn, nhỏ khác nhau ở Mỹ hay châu Âu có liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới IS thời gian qua đã khiến các nước phương Tây nhận diện được hiểm họa từ kẻ thù có thể biến những thất bại trên chiến trường thành những nỗi kinh hoàng. Thời gian qua, IS đã chuyển hướng hoạt động bằng cách tổ chức hoặc truyền cảm hứng cho các cuộc tấn công khủng bố trên thế giới.

Và dòng người di cư đổ về châu Âu từ các quốc gia chiến tranh ở Trung Đông kéo theo gánh nặng an ninh kinh tế, xã hội lên các nước ở lục địa già đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh.

Trung Đông rõ ràng đã và đang là điểm xuất phát của nhiều mối đe dọa khác nhau và không một quốc gia nào có thể bị loại trừ khỏi nguy cơ này, nên hơn lúc nào hết rất cần có sự nỗ lực phối hợp và chung tay hành động của các nước khu vực và cộng đồng quốc tế.

Theo Mỹ Hạnh

Quân đội nhân dân