1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Mỹ: Kết quả không như kỳ vọng

Quan hệ Mỹ - Trung là một trong những mối quan hệ sâu rộng, phức tạp và quan trọng bậc nhất trong quan hệ quốc tế đương đại. Hai nước có nhiều lợi ích chung to lớn nhưng cũng có không ít bất đồng sâu sắc.

Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Mỹ: Kết quả không như kỳ vọng - 1

Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Cả hai đang nỗ lực hết sức để thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, đồng thời tìm cách tránh đối đầu và những tính toán sai lầm có thể dẫn tới những hậu quả không mong muốn.

Chính vì vậy, chuyến thăm Mỹ từ ngày 22 - 28/9 vừa qua của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất được dư luận quan tâm. Ông Tập Cận Bình đã được đón tiếp long trọng với 21 phát đại bác chào mừng và những nghi lễ cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia, nhưng kết quả đạt được qua chuyến thăm lại không tương xứng và không như kỳ vọng.

Khởi đầu khôn ngoan

Điểm dừng chân đầu tiên của ông Tập Cận Bình trong chuyến công du nước Mỹ vừa qua là Seattle - đại bản doanh của nhiều tập đoàn lớn như Microsoft, Boeing..., chứ không phải Thủ đô Washington DC. Sở dĩ Seattle được chọn vì đây là thành phố có nhiều hợp tác với Trung Quốc và với các đối tác thương mại hàng đầu, Trung Quốc sẽ dễ dàng đạt được các thỏa thuận hợp tác thương mại.

Điều này, nhất là việc Trung Quốc đặt mua tới 300 máy bay Boeing, có sức nặng rất lớn đối với Washington, là cách khôn khéo giúp ông Tập Cận Bình tránh được hoặc giảm bớt các sức ép khi phải đối đầu trực diện với những chỉ trích từ chính quyền và Quốc hội Mỹ tại Washington DC. Kết quả đạt được tại Seattle cũng gửi đi thông điệp đầy ẩn ý đối với các ứng cử viên đảng Cộng hòa, giới kinh doanh và những người ủng hộ quan hệ Mỹ - Trung trong nội bộ nước Mỹ trước bầu cử.

Không có cam kết thực chất

Chuyến đi được chuẩn bị hết sức chu đáo với đoàn đại biểu hùng hậu lên tới 1.000 người. Tận mắt chứng kiến tại Washington DC mới thấy hết sự công phu trong công tác chuẩn bị của cả hai phía. Trung Quốc đã huy động hàng ngàn người ủng hộ, mặc áo đỏ, vẫy cờ hoa để hô vang các khẩu hiệu, để thị uy và "phản biểu tình" tại nhiều địa điểm ông Tập đi qua.

Điều này cũng có những mặt trái. Nhiều người Mỹ tỏ ra khó chịu khi thấy tình trạng này diễn ra ở Washington DC, ảnh hưởng tới cuộc sống và đi lại của họ. Chuyến thăm cũng bị ảnh hưởng đáng kể vì trùng với thời điểm Giáo hoàng Francis thăm Mỹ và Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner bất ngờ tuyên bố từ chức vào tháng 10 tới đây.

Vấn đề được dư luận Mỹ quan tâm nhất là an ninh mạng nhưng chỉ đạt được thỏa thuận rằng "hai bên nhất trí sẽ không thực hiện hoặc cố tình ủng hộ hành vi ăn cắp sở hữu trí tuệ qua mạng". Nếu đọc kỹ, câu văn này còn ngầm nhắm vào cả Mỹ, chứ không chỉ có một mình Trung Quốc.

Đúng là chính quyền Mỹ đã gây sức ép rất mạnh lên phía Trung Quốc, nhưng so với những lời đe dọa trừng phạt trước đó thì kết quả mang lại thật chẳng đáng là bao. Trung Quốc không đưa ra thêm bất kỳ cam kết nào mới và thực chất. Dư luận Mỹ cho rằng với kiểu cam kết này thì sẽ chẳng có tiến triển gì. Trung Quốc từ trước đến nay vẫn phủ nhận việc tham gia vào hoạt động gián điệp mạng và bao che, ủng hộ các công ty Trung Quốc dùng thủ đoạn này.

Vấn đề Biển Đông và an ninh, an toàn và tự do hàng hải được dư luận quốc tế rất quan tâm. Nhiều người kỳ vọng Mỹ sẽ nêu đậm và gây sức ép mạnh với Trung Quốc về vấn đề này, đặc biệt là việc Trung Quốc bồi đắp xây dựng đảo phi pháp ở Trường Sa. Nhưng kết quả là hai bên chỉ nhắc lại lập trường của mình về Biển Đông. Thậm chí có học giả còn coi đây là "cuộc nói chuyện giữa những người điếc về Biển Đông".

Trong bản tóm tắt nội dung chuyến thăm do Văn phòng báo chí Nhà trắng phát ra, không có bất kỳ từ nào đề cập Biển Đông. Trong họp báo chung, hai nhà lãnh đạo cũng chỉ nhắc lại quan điểm riêng của mình. Điểm đáng chú ý duy nhất là việc ông Tập Cận Bình công khai cam kết sẽ không "quân sự hóa" ở Biển Đông.

Giới học giả Mỹ cho rằng đây là cách sử dụng ngôn ngữ mới của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, trực diện hơn, nhưng không rõ khái niệm "quân sự hóa" này là như thế nào? Có phải là "quân sự hóa theo kiểu Trung Quốc" hay không? Đã có không ít lần Trung Quốc nói mà không làm, mà gần đây nhất là tuyên bố ngừng xây dựng ở Biển Đông, nhưng thực tế không phải vậy.

Vấn đề được giới doanh nghiệp và Chính phủ Mỹ kỳ vọng nhất là Hiệp định đầu tư song phương (BIT), đã không đạt được trong chuyến thăm. Hai nước đã trải qua nhiều vòng đàm phán về BIT và Hiệp định này sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để bảo hộ các doanh nghiệp, đầu tư của Mỹ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đưa ra danh mục loại trừ gồm nhiều lĩnh vực mà Mỹ rất muốn đưa vào BIT. BIT còn không được đề cập tới trong bản tóm tắt, mà chỉ được đề cập bằng những từ rất ngoại giao như "đã nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ"…

Về quan hệ giữa quân đội hai nước, ngoại trừ thỏa thuận ngăn chặn nguy cơ xảy ra va chạm trên không và việc Trung Quốc cam kết sẽ xem xét các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm định hướng cho các hoạt động của lực lượng hải cảnh Trung Quốc ở trên biển, hai bên không đạt được thỏa thuận nào đáng kể.

Đáng nói là, ngay trước chuyến thăm, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo rằng một máy bay trinh sát của Mỹ đã bị một máy bay chiến đấu của Trung Quốc ngăn chặn trên bầu trời biển Hoàng Hải. Quan hệ giữa quân đội hai nước, tuy vẫn duy trì được các cuộc tiếp xúc cấp cao, nhưng không có tiến triển thực chất, không giúp tăng cường được lòng tin chiến lược giữa hai bên…

Nội bộ Mỹ bị chia rẽ

Đối với Trung Quốc, chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình đã thành công ở hai điểm. Một là đã góp phần đưa quan hệ Mỹ - Trung đi vào quỹ đạo phát triển ổn định theo hướng mà Trung Quốc mong muốn. Hai là, Trung Quốc tránh được hầu hết các vấn đề cấn cá và không phải đưa ra cam kết gì cụ thể.

Với Mỹ, bên cạnh các hợp đồng hợp tác kinh doanh béo bở và thỏa thuận về biến đổi khí hậu, Trung Quốc cũng không ép được Mỹ xây dựng một mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới mà ở đó hai nước ở thế cân bằng hơn.

Qua chuyến thăm, nội bộ Mỹ bộc lộ ngày càng rõ hơn sự chia rẽ sâu sắc về cách ứng xử với Trung Quốc. Trong khi nhiều người Mỹ tỏ vui mừng trước các cơ hội kinh doanh có được trong quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là giới doanh nghiệp, một số địa phương có nhiều mối quan hệ với Trung Quốc, nhìn chung qua tiếp xúc trực tiếp với giới học giả và dư luận Mỹ thấy rõ sự nghi ngờ về sự chân thành của Trung Quốc trong các cam kết quốc tế.

Đa số ý kiến đều cho rằng cần phải chờ xem Trung Quốc thực hiện như thế nào để có thể đưa ra kết luận chính xác. Nhưng rõ ràng sự nghi kỵ và thiếu lòng tin chiến lược trong nội bộ Mỹ đối với Trung Quốc là rất lớn. Điều này sẽ tác động mạnh không chỉ tới quan hệ Mỹ - Trung mà còn cả với hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Theo Hải Dương (từ Washington DC)

Thế giới và Việt Nam

Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Mỹ: Kết quả không như kỳ vọng - 2