1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hiệp định an ninh Mỹ - Iraq

Chủ quyền và sự nghi ngại

(Dân trí) - Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Tổng thống Bush đang nỗ lực để ký được thỏa thuận chiến lược với chính phủ Iraq nhằm duy trì quân đội Mỹ tại nước này sau khi thời hạn quy định trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ kết thúc vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, thỏa thuận này đang đối mặt với sự phản đối của một số đảng trong liên minh cầm quyền tại Iraq cũng cái nhìn nghi ngại từ nước láng giềng Iran.

 

Khúc mắc lớn

 

Cản trở lớn nhất hiện nay là điều kiện hoạt động của quân đội Mỹ đồn trú trong các căn cứ quân sự của họ trên lãnh thổ Iraq. Về mặt chính thức, cả hai phía đã nhất trí không xây dựng các căn cứ quân sự thường trực mà thay vào đó là các căn cứ tạm thời. Tuy nhiên, một số quan chức Iraq cho biết, thời gian tồn tại của các cơ sở này sẽ không vượt quá 10 năm và số lượng các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq sẽ chỉ nằm trong con số từ 4 đến 10.

 

Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Iraq luôn phàn nàn về sự mập mờ của người Mỹ trong vấn đề này. Hiện tại, một số căn cứ nói trên đã được xây dựng, chẳng hạn như ở Baghdad, Arbil , khu vực miền Bắc của người Kurd, hay Nassyriah của người Shiite... Mặc dù vậy, phát ngôn viên của Thủ tướng Nouri al-Maliki, ông Ali Dabbagh cũng thừa nhận rằng phía chính phủ Baghdad “không thể tiếp cận được vào các căn cứ này cũng như không biết người Mỹ đang trang bị những loại vũ khí nào trong các căn cứ này”.

 

Một bất đồng khác là vấn đề tự do hành động của các binh sĩ Mỹ tại Iraq. Phía Mỹ đã nêu ra vấn đề tự do hành động của binh sĩ Mỹ, cả ở bên trong lãnh thổ Iraq cũng như ở các khu vực cửa khẩu biên giới của nước này. Baghdad đang cố gắng duy trì quyền kiểm soát đối với các hoạt động quân sự mà quân đội Mỹ tiến hành trong tương lai. Tuy nhiên, dường như ít có khả năng người Mỹ nhượng bộ trước đòi hỏi này.

 

Bên cạnh đó, người Mỹ còn yêu cầu được tiếp tục kiểm soát nhiều nhà tù và cả không phận của Iraq. Mặt khác, sau 5 năm bị chiếm đóng, thái độ chống Mỹ hiện đang ngày càng gia tăng ở Iraq. Thái độ chống Mỹ càng tăng lên sau khi các công ty bảo vệ an ninh tư nhân của Mỹ không hề bị trừng phạt do những hành động tàn bạo đối với dân thường Iraq. Trên thực tế, các công ty này hiện đang đóng vai trò quan trọng đối với Washington, nhất là khi chính quyền Mỹ muốn trao cho họ quy chế giống như quy chế của các đơn vị quân đội chính quy. 

 

Những toan tính khác nhau

 

Trong khuôn khổ các cuộc thương lượng về sự hiện diện lâu dài của Mỹ tại Iraq, Iraq luôn từ chối để quân đội Mỹ tự do hành động. Trong khi người Iraq muốn làm chủ tại đất nước mình thì người Mỹ lại muốn tiếp tục có mặt tại Iraq để tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố. Người Iraq và người Mỹ có những mục tiêu khác xa nhau trong các cuộc thương lượng nhằm tiến tới ký một thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược, được dự kiến sớm nhất là trước ngày 31/7 và muộn nhất vào cuối năm nay. Tuy nhiên, 5 năm sau khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh và dựng lên một chính phủ thân phương Tây ở Baghdad, chính phủ Iraq đang muốn nhân các cuộc thương lượng này để khẳng định chủ quyền của mình.   

 

Trong bối cảnh đó, việc hai bên đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 7 tới như dự kiến dường như đã nằm ngoài tầm tay. Trong trường hợp các cuộc thương lượng với người Mỹ về vấn đề này rơi vào bế tắc, Baghdad cho biết sẵn sàng tìm kiếm "các giải pháp khác". Chính phủ Iraq hiện đang dọa đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để yêu cầu kéo dài hoạt động của lực lượng đa quốc gia, sẽ hết hạn vào ngày 31/12 tới.

 

Một nhà ngoại giao châu Âu tiết lộ rằng chính phủ của Thủ tướng Maliki hiện đang dự định đưa vấn đề này ra trước Hội đồng Bảo an LHQ. Trước một chính phủ Mỹ sắp được thay thế, Baghdad đang muốn trì hoãn các cuộc thương lượng để đợi người kế nhiệm Tổng thống George Bush. Thậm chí, hồi đầu tuần trước, lần đầu tiên, một qua chức cấp cao của Mỹ đã thừa nhận rằng việc ký kết thỏa thuận này có thể sẽ thuộc về ông chủ mới của Nhà Trắng.   

 

Cho tới nay, phần lớn các quan chức Iraq đang tỏ ra ủng hộ các cuộc thương lượng. Tuy nhiên không phải vấn đề kéo dài sự có mặt của quân đội Mỹ đang gây ra các cuộc tranh cãi, càng không phải tầm quan trọng của việc triển khai này, mà chính là các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia đang làm người Iraq bối rối.

 

Tình trạng chia rẽ trong nội bộ Iraq vẫn đang diễn ra và chính phủ Iraq đang phải chịu nhiều sức ép. Các đảng của người Shiite trong liên minh cầm quyền ở Baghdad, cũng như ban lãnh đạo đảng Sadr chống đối, đã lên tiếng chỉ trích thỏa thuận này. Theo một chuyên gia nghiên cứu thì "nền tảng cũ của chủ nghĩa dân tộc Iraq đang trỗi dậy trong các cuộc thương lượng nói trên".

 

Thêm vào đó, một điều chắc chắn là chính quyền tại Baghdad không thể không biết rằng nước láng giềng Iran đang hết sức lo ngại. Trong chuyến thăm Iran mới đây, ông Maliki đã đảm bảo rằng đất nước ông sẽ không trở thành căn cứ phục vụ cho các hoạt động làm phương hại đến an ninh quốc gia của Iran. Nhưng liệu ông Maliki và Chính phủ Iraq có đủ bản lĩnh và sự khôn khéo để thực hiện đường lối “ngoại giao đi dây”, cân bằng giữa việc phải dựa vào Mỹ để đối phó với lực lượng nổi dậy và không tự biến mình thành bàn đạp cho một cuộc phiêu lưu quân sự mới của Washington.

 

Kiến Văn

Tổng hợp