1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chính quyền của ông Obama chuẩn bị gì cho tổng thống kế nhiệm?

(Dân trí) - Mặc dù hai ứng viên tổng thống đại diện cho 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ vẫn chưa chính thức lộ diện nhưng tại Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama và các cộng sự đã triển khai các công việc từ vài tháng nay để chuẩn bị cho quá trình chuyển giao quyền lực, tạo điều kiện thuận lợi cho tổng thống mới của nước Mỹ khi nhận nhiệm sở.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ảnh: European Pressphoto Agency)
Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ảnh: European Pressphoto Agency)

Tổng thống Obama thường xuyên nói rằng ông không tin tỷ phú bất động sản Donald Trump sẽ kế nhiệm ông trở thành người đứng đầu Nhà Trắng. Nhưng trên thực tế, ông Obama lại chỉ đạo cho nhân viên của mình chuẩn bị kỹ lưỡng mọi việc để đảm bảo bất kỳ ai trở thành Tổng thống mới của nước Mỹ, dù là ứng viên của đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ, cũng có thể hiểu rõ cách thức vận hành của bộ máy chính phủ liên bang ngay cả trước khi cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 tới.

Quá trình chuyển giao quyền lực phản ánh một khía cạnh quan trọng trong một nền dân chủ đang hoạt động, đặc biệt khi hai vị tổng thống, một người sắp rời và một người sắp vào nhiệm sở, có tư tưởng đối lập nhau. Chính điều đó đã thúc đẩy tổng thống Mỹ phải tìm cách để đảm bảo rằng các nhân viên trong bộ máy chính quyền của ông có thể xây dựng một bản kế hoạch chi tiết cho tổng thống kế nhiệm, các quan chức chính phủ Mỹ nhận định.

Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, vì một bộ máy chính quyền có tới 4.000 vị trí cần bổ nhiệm trong hàng trăm cơ quan và tổ chức, mỗi đơn vị này sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD trong ngân sách của liên bang. Các công văn giấy tờ hàng ngày, nếu không được xử lý chuẩn mực, sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người dân Mỹ. Ngoài ra, những tài liệu chi tiết về việc triển khai quân đội tại nước ngoài cũng cần phải có sự tiếp nối giữa các đời tổng thống, mặc dù tổng thống mới trước đó có thể từng tuyên bố sẽ thay đổi phương thức làm việc nếu trở thành ông chủ Nhà Trắng.

Max Stier, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Tổ chức Đối tác dịch vụ công, một tổ chức trung lập phi lợi nhuận hoạt động ngoài phạm vi của chính phủ liên bang với mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển giao quyền lực hiệu quả, nhận định: “Đó là một quá trình vô cùng thách thức và phức tạp, đồng thời phải mất nhiều thời gian để có thể hoàn thành nó”.

Chính những lo ngại này đã thúc đẩy Tổng thống Obama nhanh chóng bắt tay vào việc lên kế hoạch thật kỹ lưỡng cho quá trình chuyển giao quyền lực trước khi ứng viên đại diện cho mỗi đảng xuất hiện trong cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống. Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough đã tập trung các thư ký nội các và các nhân viên cấp cao của Nhà Trắng hồi đầu tháng 3, giao nhiệm vụ lập kế hoạch chuyển giao quyền lực dựa trên những kinh nghiệm của họ về cách thức vận hành các cơ quan trong bộ máy chính quyền trong hơn 8 năm qua.

Trong quá trình lên kế hoạch, các quan chức đương nhiệm tại Nhà Trắng sẽ tổ chức các cuộc tham vấn với những nhân viên từng làm việc trong chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush, những người từng được các cố vấn thân cận của Tổng thống Obama khen ngợi là đã chuẩn bị một bản kế hoạch hiệu quả cho quá trình chuyển giao tại Mỹ năm 2008 và 2009.

Giám đốc phụ trách ngân sách Nhà Trắng Shaun Donovan đã chỉ đạo các cơ quan trong bộ máy liên bang bắt đầu biên soạn các thông tin kỹ thuật từ hồi tháng 4 để hướng dẫn chính quyền kế nhiệm xây dựng kế hoạch ngân sách. Những bản báo cáo này dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9, tức là 2 tháng trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra.

Các quan chức Nhà Trắng cũng bắt đầu chuyển các báo cáo điện tử tới Cơ quan quản lý văn khố quốc gia để lưu trữ. Đây là công việc có quy mô lớn và mang tính pháp lý mà chính quyền Tổng thống Obama đã khởi động sớm hơn so với các tổng thống tiền nhiệm.

Tuần trước, Tổng thống Obama đã thành lập hai hội đồng cấp cao để thể chế hóa quá trình chuyển giao quyền lực. Đây là yêu cầu bắt buộc của Quốc hội Mỹ sau nhiều năm chứng kiến sự lỏng lẻo trong việc chỉ đạo quá trình chuyển giao quyền lực. Trong đó, Hội đồng phối hợp quá trình chuyển giao Nhà Trắng do ông McDonough đứng đầu với sự phối hợp của các cơ quan trong Nhà Trắng gồm Hội đồng an ninh quốc gia, Phòng quản lý và ngân quỹ và Hội đồng kinh tế quốc gia. Hội đồng thứ hai được Tổng thống Obama thành lập là Hội đồng lãnh đạo quá trình chuyển giao. Chức năng của hội đồng này để bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan khác nhau của chính quyền liên bang trong việc xây dựng kế hoạch chuyển giao quyền lực.

Theo lời một quan chức Nhà Trắng, hai hội đồng này sẽ bắt đầu tổ chức các cuộc họp trong những tuần tới để chính thức thảo luận quá trình chuyển giao trong bối cảnh hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chuẩn bị bước vào giai đoạn cuối cùng để chọn ra ứng viên tổng thống đại diện cho mỗi đảng.


Ông Donald Trump (đảng Cộng hòa) và bà Hillary Clinton (đảng Dân chủ) hiện là hai ứng viên nặng ký trong cuộc đua vào Nhà Trắng (Ảnh: Reuters)

Ông Donald Trump (đảng Cộng hòa) và bà Hillary Clinton (đảng Dân chủ) hiện là hai ứng viên nặng ký trong cuộc đua vào Nhà Trắng (Ảnh: Reuters)

Donald Trump, hiện là ứng viên tổng thống chiếm ưu thế nhất của đảng Cộng hòa, hôm 9/5 đã bổ nhiệm Thống đốc bang New Jersey Chris Christie là người đứng đầu nhóm chuyển giao của ông. Ông Trump cho biết việc bổ nhiệm trên, cùng với các hoạt động quan trọng khác, nhằm mục đích chuẩn bị cho chiến dịch đánh bại ứng viên tổng thống tiềm năng của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, hoặc bất kỳ ứng viên nào của đảng này.

Trong khi đó, bà Clinton chưa đưa ra lựa chọn nào cho vị trí điều hành quá trình chuyển giao vì bà vẫn phải tiếp tục đấu với một ứng viên tổng thống khác của đảng Dân chủ là nghị sĩ Bernie Sanders. Ông Sanders cũng chưa công bố bất kỳ kế hoạch nào cho quá trình chuyển giao của mình.

Sau khi đại hội bầu ra ứng viên tổng thống đại diện của mỗi đảng kết thúc, hai đại diện của hai đảng sẽ bắt đầu tham dự cuộc họp với các quan chức chính quyền đương nhiệm để bắt đầu quá trình chuyển giao theo từng bước. Mục đích của việc làm này nhằm đảm bảo rằng sẽ không có vấn đề nào bị bỏ sót khi tổng thống mới đặt chân tới Nhà Trắng sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới.

Ban đầu, các ứng viên tổng thống sẽ được chỉ dẫn về các thông tin tình báo mật. Nhà Trắng tuần trước nói rằng quá trình tiếp xúc với các thông tin tình báo sẽ bắt đầu khi đại hội của hai đảng kết thúc. Như vậy, theo đúng quy trình này, Tổng thống Obama sẽ phải cho phép các chuyên gia tình báo tiết lộ các bí mật quốc gia với ông Trump, một người mà ông Obama luôn tỏ ra nghi ngờ về kiến thức đối ngoại cũng như những phán xét cá nhân.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia James Clapper đã đưa ra quyết định cuối cùng về những nội dung sẽ được công bố trong các cuộc họp chia sẻ thông tin tình báo. James Clapper đã chia sẻ với báo giới tuần trước rằng cơ quan tình báo của ông đã xây dựng một bản kế hoạch để chỉ dẫn tường tận cho cả hai ứng viên tổng thống khi họ được chọn làm đại diện cho hai đảng ra tranh cử và sau khi tổng thống mới của nước Mỹ chính thức lộ diện.

“Chúng tôi đã thành lập một nhóm để phụ trách việc này, đồng thời bổ nhiệm luôn trưởng nhóm. Trưởng nhóm sẽ không phải là người được bổ nhiệm chính trị (người được bổ nhiệm làm công việc chính trị dù không phải là chính trị gia)”, ông Clapper nói. “Thông thường chúng tôi sẽ sắp xếp công việc dựa trên lịch trình của các ứng viên và nơi ở của họ. Chúng tôi thường đáp ứng các nhu cầu của họ thông qua hệ thống an ninh địa phương”, ông Clapper cho biết thêm.

Mặc dù vậy, những người chủ trương xây dựng quá trình chuyển giao đạt hiệu quả cho rằng trước khi các cuộc họp chia sẻ thông tin tình báo diễn ra, các ứng viên và nhóm vận động tranh cử của họ phải đối thoại với các cơ quan trong chính quyền liên bang để quá trình chuyển giao được diễn ra suôn sẻ. Trong các cuộc đối thoại này, các bên sẽ cùng nhất trí về một số thông tin cơ bản, như nơi làm việc của nhóm thực hiện công tác chuyển giao hay việc trang bị cơ sở vật chất cho văn phòng thực hiện công tác chuyển giao.

Theo ông Stier, người từng tham gia tổ chức một cuộc họp hồi tháng 4 giữa các quan chức phụ trách chiến dịch tranh cử ở hai đảng Dân chủ và Cộng hòa nhằm tìm ra cách thức để tổ chức thành công cuộc chuyển giao quyền lực sắp tới, tất cả các công việc liên quan tới hai ứng viên tổng thống và hai nhóm vận động tranh cử sẽ do một nhóm riêng phụ trách. Sau đó, khi cuộc tổng tuyển cử tháng 11 kết thúc và tổng thống mới của nước Mỹ chính thức bước vào Nhà Trắng, sẽ có một nhóm khác phụ trách những công việc này.

Thành Đạt

Tổng hợp