1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chiến thuật "ngáng chân" của Mỹ ở Syria

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ đã chiến thắng Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, nhưng việc rút quân khỏi nước này chưa phải là điều mà Washington tính đến lúc này.


Lính Mỹ trong một chiến dịch quân sự truy quét tàn quân IS ở Syria

Lính Mỹ trong một chiến dịch quân sự truy quét tàn quân IS ở Syria

Trong bài phát biểu tại trường ĐH Stanford (Mỹ) về chiến lược của Mỹ ở Syria, Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố rõ ràng rằng Washington sẽ duy trì hiện diện quân sự vô thời hạn tại Syria. Ông Rex Tillerson còn khẳng định chính quyền Tổng thống Donald Trump không thể lặp lại sai lầm năm 2011 khi rút quân khỏi Iraq.

Xét những diễn biến trên chiến trường Syria, IS đã bị Mỹ và Nga đánh bại hoàn toàn và chỉ còn là những đám tàn quân. Đầu tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra chỉ thị cho các lực lượng Nga tại Syria bắt đầu rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này. Quân đội Mỹ cũng đã “đứng chân” ở Syria 7 năm rồi, vậy thì sao Washington vẫn chưa muốn “rút chân” khỏi quốc gia này?

Vấn đề chính là ở con số hơn 80% diện tích lãnh thổ Syria hiện đã được quân Chính phủ Syria kiểm soát dưới sự hỗ trợ của Nga. Kể từ ngày 30-9-2015, theo yêu cầu trợ giúp của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Nga chính thức tiến hành chiến dịch không kích tại Syria. Đặt chân tới Syria sau Mỹ nhưng chính nước Nga lại trở thành yếu tố quyết định trên chiến trường, giúp quân Chính phủ Syria đánh bại IS.

Kiểm soát phần lớn đất nước đã giúp ông Bashar al-Assad duy trì chiếc ghế quyền lực ở Syria và đây là điều mà Washington không muốn. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng tuyên bố công khai rằng mục tiêu của Washington không phải là dùng vũ lực để thay đổi chế độ tại Syria hay can thiệp dài hạn vào tình hình quốc gia này, nhưng lập trường của Washington là “một Syria độc lập, thống nhất và ổn định cần sự ra đi của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad”.

Duy trì tiếp khoảng 2.000 lính bộ binh tại Syria và triển khai các máy bay chiến đấu tuần tra khu vực miền Đông nước này với lý do “nhằm truy lùng những phần tử còn sót lại của IS” chính là cách để Mỹ gây sức ép với chính quyền của ông Bashar al-Assad, đồng thời “ngáng” không để Nga thỏa sức mở rộng ảnh hưởng tại quốc gia có vai trò quan trọng ở Trung Đông này.

Điều đó giải thích tại sao ngay sau khi tuyên bố đánh bại IS, liên quân do Mỹ đứng đầu đã ngay lập tức triển khai kế hoạch phối hợp với các nhóm vũ trang Syria do Washington hậu thuẫn thành lập một lực lượng an ninh biên giới đóng tại miền Bắc Syria với quân số khoảng 30.000 người. Lực lượng này sẽ hoạt động dọc các khu vực biên giới giáp với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq cũng như bên trong Syria.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng quyết định cung cấp vũ khí trị giá 393 triệu USD cho các đối tác của Mỹ ở Syria. Dự kiến ngay trong năm 2018, Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục chuyển vũ khí tới Syria, trong đó có hàng nghìn vũ khí chống tăng, tên lửa tầm nhiệt và bệ phóng tên lửa.

Bàn về các động thái trên của Mỹ, chuyên gia Sergei Palmasov thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng thông qua kế hoạch trên, Mỹ gửi một thông điệp tới Nga rằng Washington đang muốn tăng cường sự hiện diện cũng như thể hiện ảnh hưởng của mình trong khu vực. Còn nhà phân tích Yuri Mavashev, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại có trụ sở tại Matxcơva (Nga), thì nhận xét, ý định của Mỹ là để đảm bảo rằng Washington đang kiểm soát các khu vực chiến lược quan trọng tại Syria.

Không phải ngăn không cho IS tái hiện mà “ngáng chân” Nga mới là mục tiêu chính trong tính toán của Mỹ trên “bàn cờ” Syria hậu IS.

Theo Hoàng Sơn

An ninh thủ đô