1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chiến sự tại Syria: Cục diện mới và những hệ lụy

(Dân trí) - Syria đang ngày càng nóng hơn với việc vũ khí được ồ ạt đổ vào nước này từ các ngả. Một cục diện chiến tranh mới đang được hình thành, nhưng báo hiệu mang lại nhiều hệ lụy hơn là lợi ích.

Các thế lực trong, ngoài khu vực đều đang đẩy mạnh vũ trang vào Syria.

Các thế lực trong, ngoài khu vực đều đang đẩy mạnh vũ trang vào Syria.

Những diễn biến mới nhất trên thực địa ở Syria cho thấy cuộc chiến hơn 2 năm qua ở nước này đang đứng trước bước ngoặt mới. Từ chỗ chỉ là cuộc xung đột giữa các phe phái trong nước, nay đã trở thành cuộc chiến có sự can dự rõ ràng và công khai của các thế lực bên ngoài.

Điểm mốc đánh dấu sự thay đổi này liên quan chặt chẽ tới những diễn biến đang tạo lợi thế rõ rệt cho lực lượng thân Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong các cuộc tấn công tổng lực, quân đội chính phủ đã liên tiếp đánh bại các tay súng nổi dậy ở nhiều mặt trận, trong đó có hai chiến trường trọng điểm là thành phố Aleppo ở phía Bắc và quận Qusayr ở biên giới phía Tây. Trong khi đó, phe đối lập ngày càng bị cô lập do vừa bị chặn nguồn tiếp viện từ Lebanon ở phía Tây, vừa mất “hậu phương” vững chắc ở phía Bắc khi quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ rơi vào bất ổn.

Trước những diễn biến bất đó, phương Tây và các nước Ả-rập không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm cách chấm dứt “thế cân bằng có lợi cho ông Assad”, theo tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Các nước này không muốn công sức bấy lâu nhằm lật đổ Tổng thống Assad sẽ bị đổ sông, đổ biển.  

Các bên đẩy mạnh vũ trang 

Chính vì vậy, tại cuộc họp “Nhóm những người bạn của Syria” ở Qatar sau đó, có tới 9 trên 11 ngoại trưởng các nước tham gia đã quyết định “cung cấp khẩn cấp trang thiết bị cần thiết cho phe nổi dậy để chống lại các cuộc tấn công của chế độ”. Quyết định cũng ghi rõ các nước được quyền viện trợ thiết bị “theo cách riêng của mình”.

Trên tình thần đó, để dọn đường hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Syria, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã tung chiêu bài cáo buộc chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học, vốn được coi là “giới hạn đỏ” đối với Washington. Ngoài ra, Mỹ còn điều tàu sân bay hạt nhân Eisenhower tới Địa Trung Hải, đồng thời chính thức “gài” các tên lửa tối tân Patriot và  máy bay chiến đấu F-16 ở lại Jordan, quốc gia láng giềng của Syria về phía Nam.

Quyết định này đã đưa Mỹ dấn sâu thêm một bước vào cuộc xung đột Syria và đánh dấu bước ngoặt mới trong chính sách can dự của Nhà Trắng vào chiến trường này.

Theo chân Mỹ, một số đồng minh châu Âu và Ả-rập cũng nhanh tay vũ trang cho lực lượng đối lập, thông qua việc cung cấp nhiều loại vũ khí sát thương hiện đại như tên lửa phòng không và chống tăng. Tích cực nhất trong số này phải kể đến Anh, Pháp, Ả-rập Xê-út, Qatar, Jordani và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ai Cập, nước trước đây đóng vai trò trung gian hòa giải ở khu vực, cũng vào hùa với phương Tây khi đột ngột tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Damascus.

Trước tình hình xấu đi nhanh chóng sau các hành động can dự của Mỹ và các nước đồng minh, Nga tuyên bố không loại trừ khả năng chuyển vũ khí mới cho chính quyền Syria, ám chỉ hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-300 đã ký hợp đồng bán cho Damascus từ năm 2010. Ngoài ra, Mátxcơva cũng lên án bất kỳ nỗ lực nào nhằm thiết lập vùng cấm bay ở Syria từ Jordani ở phía Nam, hay Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc.

Trong khi đó, Iran và phong trào Hezbollah ở Lebanon cũng công khai “điều binh” hỗ trợ quân đội Syria. Theo các thông tin ở khu vực, Iran đã phái 4.000 lính đặc nhiệm tới Syria tham chiến, còn Hezbollah giúp quân đội Syria giải phóng Qusayr.

Với sự can dự sâu hơn về mặt quân sự của nhiều nước liên quan, chiến trường Syria đã hình thành cục diện mới với một bên là chính phủ nhận được sự hậu thuẫn của Iran, Iraq, lực lượng Hezbollah ở Lebannon và Nga; còn bên kía là phe đối lập với sự giúp sức của Mỹ, châu Âu, Israel và một số nước khác trong khu vực. 

Và những hệ lụy được báo trước

Cục diện mới đang hình thành ở Syria cho thấy triển vọng giải quyết xung đột bằng giải pháp ngoại giao và chính trị ngày càng mờ nhạt, đe dọa đẩy khu vực “chảo lửa” lún sâu hơn vào vòng xoáy xung đột sắc tộc và bè phái quy mô lớn.

Bởi theo những diễn biến mới nhất, người ta không khó để nhận thấy phương Tây và một số nước Ả-rập đang vô tình đẩy các nước trong “trục ma quỷ” (gồm Syria, Iran và Hezbollah) xích lại gần nhau hơn. Từ đó tạo thành vòng cung Shiite siết chặt các chính phủ Sunni trong khu vực và quốc gia Do Thái Israel, đồng minh thân cận nhất của Washington ở Trung Đông.

Thứ hai, việc phương Tây cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập ô hợp cũng đang đặt ra những thách thức lớn cần suy nghĩ. Mặc dù Mỹ nói rằng chỉ cung cấp vũ khí cho những “chiến binh chơi đẹp” như Quân đội Syria Tự do (FSA), nhưng làm cách nào để biết ai là chiến binh chơi đẹp thì không ai dám chắc.

Theo một số nguồn tin trong khu vực, trong một số trường hợp, FSA đã lập tức “sang tay” số vũ khí nhận được cho al-Qaeda và các tổ chức cực đoan khác. Thậm chí, Mặt trận al-Nursa còn tước đoat vũ khí trang bị cho FSA để bổ sung tiềm lực quân sự cho mình. Al-Nursa chưa bao giờ từ bỏ tham vọng “thôn tính” Syria để hình thành nhà nước Hồi giáo cực đoan.

Trong một cảnh báo gửi tới phương Tây, đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói: “Các ngài đang trang bị vũ khí cho lực lượng mà sau này họ sẽ dùng chính vũ khí này để tấn công các lợi ích của phương Tây”. Cũng theo nhà lãnh đạo Nga, việc lật đổ Tổng thống Assad vào thời điểm này sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực nguy hiểm vì lực lượng lấp đầy khoảng trống đó không phải ai khác ngoài các tổ chức khủng bố đang ngày càng trở nên hiếu chiến.  

Một số nhà phân tích khu vực thì cảnh báo, ngay cả khi một chính phủ mới được hình thành ở Syria theo ý đồ của Mỹ và phương Tây, cũng không có gì đảm bảo chính phủ mới sẽ tốt hơn và “biết nghe lời” hơn chính phủ hiện tại.  Washington đã từng có bài học xương máu về vấn đề này sau khi rút quân khỏi Iraq.

Xin trích lại câu nói của một chính trị gia Lebannon nổi tiếng để thay cho lời kết: "Syria đang trở thành một sân khấu mở cho bất kể ai muốn chiến tranh". Trên sân khấu đó đang diễn ra cuộc tranh chấp địa chính trị lớn nhất giữa các cường quốc thế giới kể từ sau Chiến tranh Lạnh và không có cuộc khủng hoảng nào trong khu vực có thể sánh bằng cuộc chiến tại Syria hiện nay trên cả phương diện tác động lẫn hậu quả mà có có thể để lại đối với biến động địa chính trị khu vực và quốc tế.

Đức Vũ