1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chernobyl gần 25 năm qua, thời gian như ngừng lại

(Dân trí) - Máy Geiger màu vàng trên tay, người dẫn đường thông báo mức độ phóng xạ ở đây cao hơn bình thường 35 lần. Chào mừng đến Chernobyl, khu vực năm 1986 đã xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử nhưng giờ đang thu hút hàng nghìn khách thăm quan.

 

Chernobyl gần 25 năm qua, thời gian như ngừng lại  - 1

Thành phố trẻ Pripyat...
 
Chernobyl gần 25 năm qua, thời gian như ngừng lại  - 2
... và thành phố hoang vắng Pripyat sau thảm họa với nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phía xa xa (ảnh chụp năm 1955)

Gần 25 năm sau khi lò phản ứng tại một nhà máy thời kỳ Liên Xô cũ phát nổ, khu vực nhiễm phóng xạ quanh Chernobyl đang thu hút rất đông những du khách tò mò khắp nơi trên thế giới. Từ những chuyên gia về hạt nhân đến những người du lịch bình thường đều sẵn sàng trả 160USSD một ngày để thăm khu vực này. Được tạp chí Mỹ Forbes liệt vào danh sách “những điểm thăm quan độc nhất trên thế giới”, năm ngoái, Chernobyl thu hút khoảng 7.500 khách.

Trong một chuyến thăm gần đây, một chiếc xe bus nhỏ thậm chí đã chở du khách vào hẳn khu vực này, nơi cấm những ai không được phép đặc biệt. Ở lối vào, mỗi người đều phải ký vào bản cam kết tôn trọng các quy tắc nhằm phòng ngừa nhiễm xạ, gồm không ăn hay uống ở bên ngoài, không động vào bất kỳ vật gì và không ngồi trên đất hoặc thậm chí không đặt đồ dùng cá nhân lên đất.
 
Chernobyl gần 25 năm qua, thời gian như ngừng lại  - 3

Khách du lịch qua máy kiểm tra phóng xạ khi rời khu vực cấm 30km quanh Chernobyl

Du khách ký vào bản cam kết với một chút căng thẳng. Nhà tâm lý học trẻ tuổi người Bỉ Davinia Schoutteten thừa nhận “có một chút sợ hãi” với chất phóng xạ và cho biết cô sẽ vứt bỏ chiếc giày đã đi dưới chân sau khi ra khỏi đây. Dù vậy, cô vẫn cùng với các du khách khác tiến vào phía có chiếc lò phản ứng nổi tiếng, giờ được phủ một lớp vỏ bê tông kiên cố. Máy đo mức độ phóng xạ chỉ 3,9 microsievert, so với mức bình thường là 0,12 microsievert.

Sau khi chụp ảnh lò phóng xạ, du khách tiến vào thành phố hoang tàn Pripyat, được xây dựng chỉ cách nhà máy hạt nhân này 3km, nơi ở cho các công nhân viên và gia đình của họ. Từ đây, 50.000 cư dân đã được sơ tán một ngày sau khi xảy ra thảm họa.

Trong thành phố, thời gian như ngừng lại. Những dấu tích thời Liên Xô cũ vẫn hiển hiện trên các tòa nhà gần công viên gỉ sắt. Những cuốn sách và đồ chơi nằm lăn lóc trong những căn hộ. Hàng trăm mặt nạ phòng hơi độc vứt vương vãi dưới sàn nhà ăn của một trường học.

Tại lối vào của một lớp học, lịch học cho tuần tới – gồm những môn tập đọc, toán, môn tiếng Nga, khoa học tự nhiên – được viết trên bảng đen và viết bằng mực đỏ trên các tờ giấy, vẫn được dán trên tường.
 
Chernobyl gần 25 năm qua, thời gian như ngừng lại  - 4
Thời gian như ngừng lại ở Pripyat...
 
Chernobyl gần 25 năm qua, thời gian như ngừng lại  - 5

... dấu ấn thảm kịch có ở mọi nơi

“Một cảnh thật buồn. Tôi không thể giúp gì nhưng cảm thấy rất buồn”, Bobby Harrington, một phụ nữ trẻ đến từ Australia nói. “Mọi thứ rất đẹp và nên thơ, nhưng tấm thảm kịch hiển hiện nơi đây khiến tôi không thoải mái khi ghi lại bằng hình ảnh. Đã có những con người rất trẻ từng sống ở nơi đây. Điều này khiến tôi không thoải mái trong chuyến thăm”.

Cũng có những du khách cảm thấy không tiếc khi đã đến Chernobyl và việc nơi đây đang biến thành điểm thu hút khách thăm quan. “Tôi luôn muốn đến nơi này, kể từ khi xảy ra thảm họa. Đây là một phần rất quan trọng trong lịch sử của chúng ta”, Karl Backman, một nhạc sĩ Thụy Điển nói. “Tôi không nghĩ đó là hành động gì kỳ quái. Đó chỉ là lịch sử”.

Thảm họa Chernobyl xảy ra ngày 26/4/1986, vào lúc 1 giờ 23 phút sáng, khi một trong những lò phản ứng hạt nhân của Chernobyl phát nổ, gây ô nhiễm một loạt quốc gia thành viên trong Liên bang Xô viết là Ukraine, Nga, Belarus và thậm chí bụi phóng xạ lan đến cả nhiều phần khác của châu Âu.

Hàng nghìn người từ Ukraine, Nga và Belarus đã chết do tham gia các nỗ lực dũng cảm nhằm hạn chế bụi phóng xạ sau thảm họa này. Số thiệt mạng do thảm họa Chernobyl vẫn còn bị tranh cãi: Liên Hợp Quốc năm 2005 đưa ra con số là 4.000, trong khi các tổ chức phi chính phủ cho rằng con số thực sự có thể lên đến hàng chục nghìn hoặc thậm chí hàng trăm nghìn người.

Chỉ riêng ở Ukraine, 2,3 triệu người đã được chính thức xác định bị ảnh hưởng của thảm họa này, kể cả tỷ lệ bị bệnh ung thư cao.

Hà Khoa
Sưu tầm