1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chân dung tân Giáo hoàng Francis

(Dân trí) – Trên các đường phố tại Buenos Aires, Argentina, những câu chuyện về vị hồng y vừa trở thành Giáo hoàng đầu tiên người Nam Mỹ thường có những chi tiết rất đời thường, giản dị và gần gũi.

Giáo hoàng Francis là người khiêm nhường và giản dị

Giáo hoàng Francis là người khiêm nhường và giản dị

Không ít người cho biết họ đã trò chuyện với hồng y Jorge Bergoglio trong lúc ông đang phải chen lấn cùng những người khác trên xe buýt để tới nơi làm việc. Thỉnh thoảng họ chia sẻ những câu chuyện về công việc của nhà thờ, những lúc khác chủ đề có thể chỉ đơn giản như vị hồng y sẽ nấu gì cho bữa tối trong căn hộ đơn sơ của mình.

Cũng có lần những người được hãng tin AP phỏng vấn cho biết tân Giáo hoàng cũng nói về tình cảm mình dành cho điệu nhảy Tango, một vũ điệu mà ngài rất đam mê từ hồi trẻ dù đã có một bên phổi bị cắt bỏ vì nhiễm trùng. 

Trên ban công của nhà thờ St. Peter's Basilica tối qua, trong bộ áo choàng trắng, tân Giáo hoàng Francis đã xuất hiện vẫn với một vẻ giản dị và khiêm nhường thường thấy. Ông cúi đầu chào đám đông và xin mọi người chúc phúc cho mình. “Xin chào các anh chị em”, Giáo hoàng Francis nói trước khi đề cập tới nguồn gốc Mỹ Latinh của mình.

Trong buổi tối qua, rất đông các tín đồ có mặt tại quảng trường thánh St. Peter đã vẫy những lá cờ Argentina màu xanh-trắng để chào đón tân Giáo hoàng. Nhưng có nguồn tin cho rằng chính ông đã nhờ những người tùy tùng kêu gọi người Argentina đừng mua vé máy bay tới Rome để ăn mừng mà hãy dành tiền đó làm từ thiện.

Đôi nét về tiểu sử của tân Giáo hoàng Francis
 
Hồng y Jorge Mario Bergoglio, vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo sinh tại Buenos Aires, Argentina, năm 1936. Ngài là con một di dân đến từ Italia và thân phụ Ngài là công nhân đường sắt.

 

Đức Giáo Hoàng Francis học khoa học xã hội tại Santiago, Chile, và vào năm 1960 tốt nghiệp ngành triết tại trường đại học Công giáo Buenos Aires.

 

Ngài thụ phong linh mục năm 1969, và thuộc dòng Tên. Trước khi làm hồng y vào năm 2001, Ngài là Tổng giám mục của Buenos Aires từ năm 1998.

“Ông ấy thực sự là tiếng nói cho những người thấp cổ bé họng và dễ tổn thương”, Kim Daniels, giám đốc của nhóm ủng hộ nhà thờ Catholic Voices USA tại Mỹ khẳng định. “Đó chính là thông điệp”.

Với việc lấy tên hiệu là Francis, trùng tên với vị thánh bảo hộ St. Francis of Assisi của người Italia, ông đã tự tạo cho mình sự liên hệ với vị thánh của thế kỷ 13, người đã kêu gọi tái thiết tinh thần giản dị của nhà thờ và cống hiến cả cuộc đời mình cho các chuyến đi truyền đạo. 

Hồng y Jorge Bergoglio, con trai trong một gia đình trung lưu người Italia di cư sang Argentina, cũng từng suýt trở thành Giáo hoàng trong cuộc mật nghị năm 2005. Khi đó ông được cho là người có số phiếu cao thứ hai sau nhiều vòng bỏ phiếu trước khi bị hồng y Joseph Ratzinger vượt lên để trở thành Giáo hoàng Benedict XVI.

Không giống như nhiều ứng viên trong cuộc bầu Giáo hoàng khác, hồng y Bergoglio chưa từng giữ vị trí cấp cao nào tại Vatican. Điều này có thể khiến ông gặp khó khăn trong việc cải cách cơ quan lãnh đạo các Nhà thờ Thiên chúa giáo thế giới. 

Nhưng có vẻ như mật nghị đã bị thuyết phục bởi lòng trắc ẩn của ông trước các vấn đề như nghèo đói, hay tác động của toàn cầu hóa cũng như sự trung thành của ông với các điều răn của nhà thờ truyền thống.

Hình ảnh chung nhất của hồng y Bergoglio chính là xu hướng khắc khổ. Tại khu vực nơi ông cai quản, câu khẩu hiệu chung được truyền xuống các tín đồ đó là “Miserando Atque Eligendo”, có nghĩa là “giản dị như có chọn lọc”.

Ngay cả sau khi trở thành người đứng đầu nhà thờ Argentina năm 2001, ông chưa bao giờ sống trong một tòa nhà tráng lệ của nhà thờ, nơi Giáo hoàng John Paul II từng ở khi tới thăm Argentina. Thay vào đó, ông chọn một căn hộ nhỏ trong một chung cư không mấy tiện nghi, nơi ông vẫn cần phải có một cái lò sưởi nhỏ để phòng lúc hệ thống sưởi của tòa nhà bị cắt mỗi dịp cuối tuần. 

Suốt nhiều năm vị tổng giám mục Argentina vẫn sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và tự nấu nướng. Ông cũng cáo buộc những lãnh đạo nhà thờ đạo đức giả vì lãng quên sự thật rằng Chúa Jesu từng tắm chung với người mang bệnh hủi và ngồi ăn cùng gái điếm.

Trong bài thuyết giảng tại Argentina hồi năm ngoái, Bergoglio nói: “Chúa Jesus dạy chúng ta một cách khác: hãy đi ra ngoài. Ra ngoài và chia sẻ. Hãy đi ra và tiếp xúc với những người anh em. Đi ra và đặt câu hỏi”. 

Theo nhà viết tiểu sử Sergio Rubin, Bergoglio cũng chưa từng cho phép giới truyền thông tiến hành phỏng vấn. Thay vào đó chỉ có những bài nói chuyện từ bục giảng và hiếm khi ông tranh luận với những người chỉ trích mình, ngay cả khi ông biết những cáo buộc nhắm vào mình là sai trái. 

Trong suốt thời gian làm hồng y, ông còn nỗ lực khôi phục danh tiếng của một nhà thờ đã bị nhiều con chiên từ bỏ khi không dám công khai chống lại chế độ độc tài trước đây của Argentina. Tân Giáo hoàng cũng đã cố gắng khôi phục những ảnh hưởng truyền thống về chính trị của nhà thờ đối với xã hội. 

Dù vậy Bergoglio luôn cảm thấy thoái mái nhất khi ít bị người khác chú ý. “Đó là một điều rất đáng tò mò. Khi các giám mục họp mặt, ông luôn muốn ngồi ở hàng ghế sau. Sự khiêm nhường này có thể được thấy rất rõ tại Rome”, ông Rubin nói tiếp.

Trước khi trở thành tổng giám mục Argentina năm 1998, Bergoglio từng là một nhà hóa học. Ông còn giảng dạy về văn học, tâm lý học, triết học và thần học. Năm 2001 ông trở thành hồng y khi kinh tế Argentina sụp đổ và đã trở nên nổi tiếng với tuyên bố chính chủ nghĩa tư bản vô độ đã biến hàng triệu người Argentina trở nên nghèo đói.

“Liệu Bergoglio là người tiến bộ hay thậm chí là một nhà thần học tự do? Không. Ông ấy là mục sư của Thế giới thứ ba”, Rubin khẳng định. “Ông ấy có chỉ trích Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và sự mất tự do không? Có. Ông ấy có dành nhiều thời gian trong các khu ổ chuột không? Câu trả lời cũng là có”.

Thanh Tùng
Theo AP