1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Cây gậy" tài chính đáng sợ của Mỹ

(Dân trí) - Các biện pháp trừng phạt tài chính đang được Mỹ tận dụng triệt để và biến thành công cụ đắc lực hỗ trợ cho chính sách đối ngoại. Điều này đã làm dấy nên mối lo ngại sâu sắc trong hệ thống tài chính quốc tế.

Cách đây hơn hai tuần, Tổng thống Mỹ Bush cảnh báo Sudan rằng nếu chính phủ nước này không nhanh chóng áp dụng các biện pháp nhằm chấm dứt bạo lực tại Darfur, Bộ Tài chính Mỹ sẽ cấm các công ty Mỹ làm ăn với Sudan. Cùng thời gian này, Bộ trưởng Tài chính Palestin cũng có mặt tại Washington để tìm cách vận động Mỹ dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa tài chính đối với nước này sau khi phong trào Hamas lên nắm quyền.

Những diễn biến này cho thấy vấn đề tài chính ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mỹ và trên thực tế, nó đã trở thành công cụ quan trọng để Mỹ gây sức ép buộc các nước phải tuân theo cây gậy chỉ huy của họ. Để mở rộng ảnh hưởng trong chính sách đối ngoại tổng thể của Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan trước đây rất ít tham gia vào các hành động trừng phạt về ngoại giao, đã thực hiện một bước điều chỉnh rất lớn.

Sau vụ khủng bố ngày 11/9, Quốc hội Mỹ đã thông qua đề xuất thành lập Văn phòng tình báo về tài chính và khủng bố, nằm trong Bộ Tài chính Mỹ. Cơ quan này được trao quyền lực rất rộng rãi, chẳng hạn có quyền phong tỏa tài khoản của các cá nhân và tổ chức bị quy kết là ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, và họ đã sử dụng hào phóng cây gậy trừng phạt. Bộ Tài chính Mỹ còn có một cơ quan nữa, Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC), cũng có nhiệm vụ theo dõi các cá nhân và tổ chức, kể cả các nước mà Mỹ cho là bảo trợ khủng bố, phổ biến vũ khí. 

Cái mới không phải là bản thân các biện pháp trừng phạt tài chính, bởi thực tế Mỹ đã sử dụng công cụ này từ lâu, mà là cách thức áp dụng chúng. Tháng trước, chỉ bằng một lời phát biểu bâng quơ, Bộ Tài chính Mỹ đã làm cho nhiều nước và tổ chức kinh tế phải lo ngại. Nói chuyện với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Stuart Levey đã đề cập đến những biện pháp trừng phạt một số tổ chức của Iran có tên trong danh sách bị theo dõi của Mỹ. Ông nói: “Những ai có ý định làm ăn với các đối tượng đang bị giám sát thì cần phải lưu ý: Nếu họ tiếp tục mối quan hệ như vậy, đến lượt họ rồi cũng có thể trở thành đối tượng tiếp theo".

 

Lời phát biểu trên đây đã gióng lên một hồi chuông báo động tại tất cả các tổ chức tài chính trên khắp thế giới. Không ít người lo sợ tiếp tục làm ăn với Iran thì có thể trở thành mục tiêu sắp tới của Mỹ. Vài tháng qua, các quan chức Bộ Tài chính Mỹ đã gặp gỡ hơn 40 cơ quan tài chính ở khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông để gây sức ép buộc họ phải cắt đứt quan hệ với các ngân hàng Iran. Hành động này đã làm cho nhiều nước bất bình, nhưng thực tế họ chẳng làm gì khác được.

 

Không giống như các biện pháp trừng phạt của LHQ, hành động của Bộ Tài chính Mỹ có vẻ như chỉ nhằm vào và ảnh hưởng trực tiếp tới các công ty của nước này. Thế nhưng sức mạnh của đồng đôla tác động rất rộng. Chẳng hạn, vào đầu tháng 4, Na Uy tuyên bố sẽ nối lại viện trợ cho chính quyền Palestine sau khi chính phủ liên hiệp giữa Hamas và Fatah thành lập. Nhưng Mỹ chưa muốn nên khoản tiền này vẫn nằm trong tài khoản của chính phủ Na Uy, vì họ không thể tìm được ngân hàng nào sẵn sàng giúp họ chuyển tiền tới Palestine.  

 

Trên thực tế, việc sử dụng sức mạnh tài chính đã khiến Mỹ gây ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với biện pháp ngoại giao. Năm ngoái, Ngoại trưởng Condoleezza Rice đã phải mất 6 tháng để thuyết phục Hội đồng Bảo an LHQ ban hành các biện pháp trừng phạt Iran. Kết quả đạt được cũng chỉ là một nghị quyết thông qua hồi tháng 12/2006, đã bị Nga làm giảm nhẹ về mức độ và nghị quyết này thực tế cũng chẳng có tác động gì lớn đối với Tehran. Tuy nhiên, sau khi Bộ Tài chính áp đặt lệnh trừng phạt hai ngân hàng Iran là Sepah và Saderat, một số ngân hàng lớn nhất ở châu Âu và châu Á đã nhanh chóng cắt đứt quan hệ với hai “nạn nhân” này và tác động về kinh tế của lệnh trừng phạt đối với Iran chắc không phải nhỏ.

 

Trong trường hợp khác, ngân hàng Banco Delta Asia (BDA) của Macau. Bộ Tài chính Mỹ quyết định không cho ngân hàng này giao dịch với hệ thống tài chính của Mỹ, lấy cớ họ giúp CHDCND Triều Tiên “rửa tiền”. Nhưng khi phía Mỹ mới thông báo các hành động dự định thi hành thì đã có hàng chuỗi phản ứng. Chính quyền Macau đã tự nguyện hành động, phong toả 25 triệu USD của CHDCND Triều Tiên gửi tại đây, vì lo ngại nếu không hành động đối với ngân hàng BDA, Mỹ có thể điều tra cả những chuyện khác. Người ta cho rằng quyết định này là một trong những lý do buộc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán 6 bên hồi đầu năm nay.

 

Matt Levitt, phó trợ lý Bộ Tài chính Mỹ phụ trách về tình báo Mỹ, nói: “Trong đa số các trường hợp thì tiền lên tiếng đều có tác dụng. Nếu áp đặt các biện pháp ngoại giao chống Iran hay CHDCND Triều Tiên thì có thể sẽ không đạt kết quả. Nhưng nếu đánh vào hầu bao của các cá nhân cụ thể, sẽ có tác dụng ngay lập tức”. Đồng USD quả thật có sức mạnh và thật đáng sợ khi nó được sử dụng nhằm đạt được các mục tiêu trong chính sách đối ngoại ngày càng đơn phương của Mỹ.

 

Ngọc Nhàn

Theo Chicago Tribune