1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Câu chuyện sau hồ sơ tuyệt mật cáo buộc ông Trump có quan hệ ngầm với Nga?

(Dân trí) - Hồ sơ đời tư của ông Donald Trump ban đầu chỉ nhằm phục vụ cuộc vận động tranh cử tổng thống, nhưng giờ đây lại thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận khi tin tình báo cáo buộc có sự “dàn xếp” giữa ông và phía Nga


Ông Trump giận dữ chỉ trích thông tin tình báo cáo buộc giữa ông và Nga có sự dàn xếp thông tin. (Ảnh: Reuters)

Ông Trump giận dữ chỉ trích thông tin tình báo cáo buộc giữa ông và Nga có sự dàn xếp thông tin. (Ảnh: Reuters)

Hồ sơ này được truyền thông Mỹ tiết lộ hôm 10/1 vừa qua cho rằng đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump có liên hệ với chính quyền Nga. Cũng theo hồ sơ này, Điện Kremlin nắm các thông tin “nhạy cảm” về đời tư của Tổng thống đắc cử Mỹ. Ông Trump đã ngay lập tức lên án số tài liệu này, cho rằng đây là hồ sơ “bẩn” không đúng sự thật.

Tại Mỹ, có một số công ty được thành lập hoạt động trong lĩnh vực điều tra và tìm kiếm thông tin. Những người làm việc trong các công ty này chủ yếu là các cựu nhà báo và nhân viên an ninh, chuyên tìm kiếm, thu thập thông tin về các chính trị gia. Những công ty này không biết chính xác ai là người thuê họ mà nhận yêu cầu từ một công ty luật, đóng vai trò đại diện cho khách hàng.

Một đối thủ trong đảng Cộng hòa đã yêu cầu tiến hành điều tra các thông tin về ông Donald Trump khi đang diễn ra cuộc đua giành quyền trở thành ứng cử viên chính thức đại diện đảng ra tranh cử tổng thống. Công ty điều tra này sau đó đã thuê một cựu nhân viên phản gián ở châu Âu, người có kinh nghiệm trong các vấn đề với Nga, tiến hành điều tra.

Khi việc điều tra thu thập thông tin mới bắt đầu thì “khách hàng” thuộc đảng Cộng hòa kia đã bị loại. Thay vào đó, một “khách hàng” khác thuộc đảng Dân chủ đã yêu cầu có được các thông tin về ông Trump. Việc điều tra này thường được những người có tiềm lực tài chính chi trả.

Đến tháng 7/2016, người điều tra đã thu thập được một lượng tài liệu đáng kể về ông Trump, dựa trên những nguồn của Nga. Người này đã gửi các báo cáo cho “khách hàng” và biết rằng người đó sẽ phải chịu trách nhiệm về nội dung của những thông tin có sức ảnh hưởng lớn nếu được xác nhận này.

Người này sau đó đã gửi bộ hồ sơ thông tin cho Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), cho rằng cơ quan này mới có đúng chức năng điều tra. Vài tháng sau đó, FBI vẫn không đưa ra thêm thông tin gì về hồ sơ này. Trong thời gian này, FBI đang bận rộn với vụ bê bối thư điện tử của ứng cử viên đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Người điều tra trước đó cho rằng có sự che đậy trong quá trình điều tra của FBI khi cơ quan này liên tục từ chối đưa ra bình luận về vụ việc.

Tới giữa tháng 11/2016, những tài liệu về ông Trump đã quay trở về Washington nhưng bằng một con đường khác. Tại một sự kiện quốc tế trong tháng 11, Thượng nghị sĩ John McCain tình cờ biết đến một cựu nhân viên ngoại giao phương Tây, người đã từng xem bộ hồ sơ về ông Trump. Ông McCain đã cử một nhân viên mật tiếp cận nguồn tin này và tìm hiểu thêm thông tin.

Sau một quá trình tìm hiểu thông tin, nhân viên mật này đã cung cấp cho ông John McCain những tài liệu về ông Donald Trump, và nói rằng rất khó, thậm chí là không thể kiểm chứng tính chính xác của các thông tin này nếu không mở một cuộc điều tra đúng nghĩa.

Tuy nhiên đến tháng 12/2016, ông McCain vẫn cung cấp số tài liệu này cho FBI. Hôm 11/1 vừa qua, chính ông McCain đã thừa nhận làm điều này “sau khi kiểm tra nội dung của bộ hồ sơ nhưng không thể đánh giá được tính xác thực”.

Hiện vẫn chưa rõ vì sao FBI lại đưa những thông tin về đời tư của ông Trump vào báo cáo liên quan tới cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ. Có ý kiến cho rằng động thái này nhằm chứng minh FBI không có tình che giấu hay phớt lờ việc điều tra các thông tin về ông Trump.

Nhật Minh

Theo The Guardian