1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Canh bạc nguy hiểm của Thổ Nhĩ Kỳ

Các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ ở phương Tây đang có cảm giác ngày càng nôn nao về một vị Tổng thống “ương ngạnh” Recep Tayyip Erdogan.

Về đối nội, ông trở nên độc đoán và muốn thay đổi hiến pháp để tạo cho mình nhiều quyền lực hơn. Về đối ngoại, ông đã thờ ơ với việc các chiến binh thánh chiến đi qua đất nước mình để tham chiến ở Syria. Kể từ khi các chiến binh thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố thành lập nhà nước tại một số khu vực ở Iraq và Syria, và Mỹ tập hợp một liên minh để "làm suy yếu và cuối cùng là tiêu diệt" IS, ông Erdogan đã từ chối không cho các đồng minh NATO sử dụng các căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Canh bạc nguy hiểm của Thổ Nhĩ Kỳ - 1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

 

Có lẽ ông lo sợ rằng các phần tử thánh chiến sẽ nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ. Hoặc có lẽ ông nghĩ rằng chúng là những con tốt có ích trong canh bạc địa chính trị bạo lực ở Trung Đông. Sự ảo tưởng này đã bị thổi bay vào ngày 20/6 vừa qua, khi một vụ đánh bom tự sát giết chết 32 người ở Suruç, một thị trấn của Thổ Nhĩ Kỳ giáp biên giới với Syria. Chỉ trong vài ngày, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ cho phép Mỹ sử dụng căn cứ tại Incirlik, và dùng máy bay chiến đấu riêng của mình đánh bom IS. Hiện cũng đang có cuộc đàm phán về việc tạo ra một vùng đệm ở Syria nhằm cắt đứt các tuyến đường tiếp tế cuối cùng của IS.

Nhiều người hy vọng ông Erdogan cuối cùng đã nhận ra mối đe dọa IS mặc dù cho đến nay ông chỉ khiến cho các cuộc chiến tranh trong khu vực trở nên tăm tối hơn. Lực lượng không quân của Thổ Nhĩ Kỳ hầu như đã đánh bom người Kurd, những người được cho là những chiến binh chiến đấu kiên cường nhất chống lại IS. Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn trở thành lực lượng đối lập và đã tiến hành một số cuộc nổi dậy ở Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ, đã phản ứng bằng cách phá vỡ một lệnh ngừng bắn kéo dài 2 năm và giết chết nhiều cảnh sát và binh lính, để trả đũa việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đánh bom Suruç, trong đó có một trung tâm văn hóa của người Kurd. Tuy nhiên, ông Erdogan cũng đang thiếu thận trọng. Bằng việc cố tình khuấy động những người theo chủ nghĩa dân tộc, tình cảm chống người Kurd, ông đang gây nguy hiểm về khả năng thành lập một khu định cư lâu dài theo đề nghị của người Kurd và làm suy yếu cuộc chiến chống IS.

Canh bạc nguy hiểm của Thổ Nhĩ Kỳ - 2

Cảnh sát Thổ NHĩ Kỳ tăng cường an ninh sau vụ đánh bom tự sát khiến 32 người thiệt mạng.

 

Tại sao IS tồn tại?

Bị tấn công bởi Mỹ và các nước đồng minh, IS bây giờ gần như bị đẩy lui nhưng chưa bị đánh bại hoàn toàn. Có lẽ lý do IS vẫn tồn tại là vì việc đánh bại chúng không phải là ưu tiên của bất kỳ một ai. Mục tiêu của Mỹ là để hạn chế cam kết quân sự tại Trung Đông. Đối với Saudi Arabia và các chế độ quân chủ vùng Vịnh, các mối đe dọa lớn là Iran. Nhiệm vụ chính của Iran là ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Assad. Mối quan tâm đầu tiên của ông Assad là bao vây các tổ chức phiến quân khác. Và mục đích của những phiến quân không thuộc IS là lật đổ ông Assad.

Cuộc chiến khó khăn nhất chống lại IS trong năm qua đã diễn ra ở Iraq, bởi lực lượng dân quân người Shia và lực lượng dân quân người Kurd Peshmerga; và, ở Syria, bởi lực lượng người Kurd thuộc Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG), một nhánh của PKK. Sự dũng cảm của người Kurd ở Syria đã được thể hiện trong việc bảo vệ thị trấn Kobane, với sự hỗ trợ trực tiếp của lực lượng không quân Mỹ. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã bảo vệ cho thường dân di tản khỏi Kobane, nhưng Ankara theo dõi cuộc chiến với sự thờ ơ khi các chiến binh người Kurd tuyệt vọng chống trả IS; Thổ Nhĩ Kỳ chỉ miễn cưỡng cho phép người Kurd ở Iraq hỗ trợ họ.

Canh bạc nguy hiểm của Thổ Nhĩ Kỳ - 3

Bạo động đã nổ ra sa vụ đánh bom tự sát khiến 32 người thiệt mạng. Trong ảnh: Những người biểu tình bị bắt giữ tại Ankara.

 

Với đội quân hùng mạnh nhất trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ có thể góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống IS. Nhưng nước này lại có những ưu tiên khác. Lúc đầu, ông Erdogan muốn thực hiện nhiệm vụ mang tính cá nhân của mình nhằm loại bỏ ông Assad; sau đó, ông ta lo lắng về việc ngăn chặn người Kurd khi họ giành được nhiều thắng lợi hơn trên chiến trường. Khi người Kurd bị IS đánh đuổi khỏi thị trấn biên giới Tel Abyad, Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo họ không được vượt qua sông Euphrates và liên kết với một nhóm người Kurd ở phía tây. "Khu vực phi IS" ở Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc giục có vẻ giống như một khu vực không có người Kurd.

Nhiều người nghi ngờ việc ông Erdogan sử dụng cuộc khủng hoảng để có được lợi thế chính trị của mình ở trong nước. Khi đảng Công lý và Phát triển (AK) của ông lần đầu tiên lên nắm quyền vào năm 2002, ông Erdogan là một nhà cải cách và muốn tìm kiếm một thỏa thuận với người Kurd. Nhưng trong cuộc bầu cử hồi tháng 6 vừa qua, đảng AK đã mất đa số phần lớn do sự vươn lên mạnh mẽ của Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP), một đảng đối lập có liên hệ mạnh mẽ với người Kurd.

Vì vậy, ông Erdogan đang chơi con bài chống người Kurd. Ông đã từ bỏ một "lộ trình" để đàm phán hòa bình giữa AK và PKK. Ông nói rằng các cuộc đàm phán hòa bình là "không thể", và muốn tước quyền miễn trừ của các nghị sĩ thuộc đảng HDP nghị sĩ. Bằng việc ném bom các căn cứ PKK ở Iraq, ông Erdogan có thể đang tìm cách làm giảm sự ủng hộ đối với HDP trước khi kêu gọi cuộc bầu cử mới vào mùa thu này để đạt được số phiếu bầu mà ông cần để thay đổi hiến pháp.

Nếu đúng như vậy, toan tính của ông Erdogan nguy cơ đặt Thổ Nhĩ Kỳ trên giàn thiêu của Trung Đông. Đảng AK nên lờ đi kế hoạch này của tổng thống, tiến tới hình thành một liên minh với những người chủ trương ôn hòa và nối lại đàm phán hòa bình với lực lượng người Kurd. PKK phải khôi phục thỏa thuận ngừng bắn: hơn ba thập kỷ xung đột chỉ gây ra đau khổ. Nếu những khẩu súng của Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd cùng chĩa về IS, chứ không phải là vào nhau, sẽ là tốt hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông và cả thế giới.

Theo Công Thuận/Economist

baotintuc.vn

Canh bạc nguy hiểm của Thổ Nhĩ Kỳ - 4