1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Canh bạc đầy rủi ro trên Biển Đông

Nhà phân tích Christopher Len từ Viện Nghiên cứu Năng lượng, thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, khai thác dầu và khí đốt gần các quần đảo tranh chấp trên Biển Đông là một canh bạc nhiều rủi ro cho các công ty năng lượng quốc tế...

... Do những căng thẳng trong khu vực và số liệu ước tính trữ lượng dầu và khí đốt chưa được xác nhận.

Đáy biển và bãi đá ngầm dưới các đảo tranh chấp ở Biển Đông thường được mô tả có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào. Tuy nhiên, ông Christopher Len cho biết, các nghiên cứu dự báo về trữ lượng nguồn tài nguyên trong khu vực này không chính xác.

Theo ông Len, về cơ bản những số liệu ước tính trữ lượng dầu và khí đốt ở Biển Đông chỉ là phỏng đoán. Trong khi đó, không bên nào có thể tiến hành thăm dò khu vực này do những căng thẳng đang diễn ra.

canh bac day rui ro

 

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc

Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng nhận định, cuộc chiến tranh chấp dầu mỏ và khí đốt có thể sẽ không đi tới đâu.

Vùng tranh chấp không thể là một Arập Xê-út mới vì EIA ước tính chỉ có khoảng 11 tỉ thùng dầu và 190 nghìn tỉ feet khối khí tự nhiên ở Biển Đông, trong khi hiện nay, 100 nghìn tỉ feet khối khí đốt chỉ đủ cung cấp cho nhu cầu khí đốt toàn cầu trong khoảng 1 năm. Mặt khác, trữ lượng dầu khí ước tính ở Biển Đông vẫn ít hơn 5% trữ lượng dầu mỏ và khí đốt đã được xác nhận trên thế giới.

Theo chuyên gia kinh tế EIA Alexander Metelitsa, dường như không có nhiều dầu và khí đốt gần quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (đều thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng Trung Quốc và một số nước trong khu vực cũng có yêu sách chủ quyền).

Ông cũng cho rằng, chi phí phát triển các nguồn tài nguyên có thể có trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ rất cao, đặc biệt là với mức giá dầu thấp như hiện nay.

Cũng theo EIA, nguồn tin công nghiệp cho thấy có ít hơn 100 nghìn tỉ feet khối khí đốt tự nhiên gần quần đảo Trường Sa và gần như không có dầu mỏ. Trữ lượng khí thiên nhiên tại quần đảo Hoàng Sa thậm chí còn thấp hơn và không có dầu mỏ.

Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ ước tính có khoảng 1/5 nguồn tài nguyên chưa được phát hiện có thể đang nằm trong khu vực tranh chấp.

Ấy vậy mà, phía Trung Quốc lại đặt rất nhiều kỳ vọng vào tiềm năng dầu khí ở Biển Đông với những số liệu ước tính cao hơn nhiều. Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) ước tính khu vực này có trữ lượng khoảng 125 tỉ thùng dầu và 500 nghìn tỉ feet khối khí đốt trong khu vực chưa được phát hiện, mặc dù con số trên chưa được xác nhận bởi các nghiên cứu độc lập.

Ông Christopher Len nhận định khó có thể thẩm định số liệu ước tính của Trung Quốc. Ông nói: “Nếu theo dõi trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy dường như họ nghĩ rằng có rất nhiều tài nguyên ở Biển Đông.

Người Trung Quốc đã mô tả Biển Đông như một vịnh Ba Tư thứ hai. Vấn đề đặt ra là chúng ta không biết chắc chắn các cơ quan truyền thông Trung Quốc thu thập nguồn thông tin từ đâu, nguồn gốc thông tin rất mơ hồ”.

Đó là chưa kể các nhà địa chất Trung Quốc còn không phân biệt giữa các nguồn tài nguyên, tổng trữ lượng dự trữ, phần giá trị thương mại của trữ lượng dầu mỏ và khí đốt.

Trong khi đó, nguy cơ căng thẳng leo thang thành xung đột trong khu vực Biển Đông lại khá cao. Trung Quốc luôn tỏ thái độ bất mãn một cách phi lý trước các động thái thăm dò khai thác dầu khí của các nước ven Biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ.

Đơn cử như việc mới đây, khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC) tuyên bố sẽ nối lại hoạt động thăm dò dầu khí ở Lô 128 có diện tích 7.058km2 thuộc bể Phú Khánh nằm ở ngoài khơi bờ biển miền Trung của Việt Nam, Trung Quốc đã lập tức phản ứng tiêu cực.

Một bài xã luận đăng trên tờ Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 1-9-2015 đã lớn tiếng gọi quyết định của Ấn Độ là một “động thái thiếu khôn ngoan, làm phức tạp thêm các tranh chấp hàng hải”, đồng thời “nhấn nhá” cảnh báo hành động của New Delhi có thể làm tổn hại đến những động lực tích cực đã đạt được trong quan hệ Trung - Ấn.

Thế nhưng, bản thân Bắc Kinh lại đem các giàn khoan của mình đi “sục sạo” khắp nơi ở Biển Đông, “cắm” cả vào “đất” của “nhà hàng xóm”, bất chấp sự phản đối của láng giềng và cộng đồng quốc tế. Vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hồi năm 2014 là một đỉnh điểm của sự trơ trẽn đó.

Tất nhiên, ngoài dầu khí, Bắc Kinh còn có những tham vọng rất lớn khác ở Biển Đông, thể hiện qua các mục tiêu trong “Chiến lược biển xanh” của họ. Nói như Tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc gia về Nam Hải (tên Trung Quốc gọi Biển Đông) có trụ sở tại đảo Hải Nam, Trung Quốc, một tổ chức do Bắc Kinh tài trợ với nhiều chuyên gia hàng đầu.

“Biển Đông đóng vai trò như một cơ sở nguồn lực tiềm năng cho Trung Quốc và các nước xung quanh”. Ngay cả khi Biển Đông không phải là “vịnh Ba Tư thứ hai” thì nó cũng là một trục đường thương mại chính toàn cầu khi có tới 1/3 lượng tàu thuyền vận chuyển hàng hóa toàn cầu đi qua khu vực này.

Chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông được giới phân tích gọi là “chiến lược biển xanh”. Theo chiến lược này, Trung Quốc đặt nhiệm vụ cho lực lượng hải quân: (1) Bảo đảm các con đường tiếp cận trên biển tới Đài Loan; (2) Tiến hành các chiến dịch ở phía Tây Thái Bình Dương để ngăn chặn các lực lượng thù địch tự do hành động; (3) Bảo vệ các tuyến giao thông đường biển của Trung Quốc; (4) Chặn các tuyến giao thông đường biển của kẻ thù; (5) Duy trì sức mạnh trên thế giới, sẵn sàng tấn công đối phương. Trung Quốc cho rằng, Biển Đông không chỉ dồi dào về nguồn lợi hải sản, năng lượng, mà đó còn là con đường duy nhất mà lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc có thể đi ra đại dương một cách an toàn.

 

Theo Linh Phương

PetroTimes

Canh bạc đầy rủi ro trên Biển Đông - 2