1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Cần một động thái ngoại giao khéo léo hóa giải căng thẳng

Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phát triển theo chiều hướng xấu, sau khi Tổng thống Nga V. Putin ký sắc lệnh áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt chống Ankara...

Cần một động thái ngoại giao khéo léo hóa giải căng thẳng - 1

Hàng nông sản của Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu vào Nga sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm

... Để trả đũa sau vụ một máy bay chiến đấu SU - 24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu như các biện pháp trả đũa trước đây của Nga chỉ mang tính gián tiếp thông qua các hàng rào phi thuế quan như “tiêu chuẩn an toàn thực phẩm”, thì Sắc lệnh trừng phạt kinh tế mà Tổng thống Liên bang Nga V. Putin vừa ký, cứng rắn hơn nhiều. Nó bao gồm các lệnh cấm hoặc hạn chế nhập khẩu vào Nga một số mặt hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ, cấm tuyển dụng người lao động Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Nga, chấm dứt chế độ miễn thị thực với Thổ Nhĩ Kỳ từ 1-1-2016, yêu cầu các công ty lữ hành và đại lý du lịch ngừng thực hiện các sản phẩm du lịch đưa công dân Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ…

Tác động từ lệnh cấm vận này của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ rõ nhất có thể đánh giá thông qua ngành du lịch. Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến nổi tiếng và rất được ưa thích đối với du khách Nga, nhất là khu nghỉ dưỡng trên bờ biển Antalya. Nga là nơi cung cấp nguồn du khách nước ngoài lớn thứ hai tới Thổ Nhĩ Kỳ, sau Đức. Trong 9 tháng đầu năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp đón 3,3 triệu lượt khách du lịch Nga, chiếm hơn 10% tổng lượng khách quốc tế tới đất nước bên bờ Địa Trung Hải này.

Ngành “công nghiệp không khói” vốn đóng vai trò lớn trong việc kiểm soát tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai của Thổ Nhĩ Kỳ. Với doanh thu từ du lịch trong 9 tháng đầu năm đã đạt 21 tỷ USD, Ankara hy vọng sẽ giảm thâm hụt tài khoản vãng lai xuống còn 5% GDP trong năm 2015 so với mức 5,8% GDP năm 2014 và 8% GDP năm 2013. Tuy nhiên, nguồn thu ngoại tệ lên tới 6 tỷ USD/năm từ du khách Nga, chiếm 0,8% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ, đang đứng trước nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng. Trước mắt, khoảng 6.000 người Nga đã đặt tour tới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải thay đổi kế hoạch, có thể phải hoãn hoặc hủy tour do lệnh cấm vận của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng liệu “chiếc gậy” điều khiển quan hệ Nga - Thổ có hoàn toàn nằm trong tay Mátxcơva? Chưa ai có thể khẳng định như vậy. Đúng là Thổ Nhĩ Kỳ ở thế yếu hơn, nhưng không phải Ankara không có con bài của riêng mình. Vì không tham gia liên minh của phương Tây trừng phạt Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như là đối tác quan trọng của Nga. Theo số liệu thống kê, trong năm 2014, giá trị xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga đạt 5,9 tỷ USD, trong khi giá trị nhập khẩu từ Nga lên tới 25,2 tỷ USD.

Các mặt hàng thực phẩm và nông sản với tổng trị giá hơn 1 tỷ USD mà Thổ Nhĩ Kỳ xuất sang Nga hàng năm có thể bị chặn lại bởi hàng rào phi thuế quan - tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà Nga dựng lên. Những sản phẩm dệt may, đồ da nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị tẩy chay ở Nga. Nhưng ở chiều ngược lại, lúa mì của Nga, một trong những nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, sẽ tiêu thụ ở đâu, khi Thổ Nhĩ Kỳ là nước nhập khẩu nhiều lúa mì nhất của Nga có biện pháp trả đũa?

Rồi những dự án khổng lồ mà Nga dự định thực hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ như  dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 22 tỷ USD trên bờ biển phía nam của nước này, dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu chạy qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể bị gián đoạn, nếu như các biện pháp trừng phạt kinh tế được hai bên tung ra.

Hiện tại, cuộc “chiến tranh ngôn từ” giữa Mátxcơva và Ankara chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi, những biện pháp trừng phạt thì ngày một mạnh thêm. Nhưng có một thực tế, dù những mục đích chính trị mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm ở Syria có thể xung đột với nhau, thậm chí dẫn đến khủng hoảng như vụ máy bay chiến đấu Su - 24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, thì cả Mátxcơva lẫn Ankara đều không muốn lợi ích kinh tế song phương bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh hiện nay, một động thái ngoại giao khéo léo nhằm xoa dịu và giữ tư thế cho nước Nga từ phía Thổ Nhĩ Kỳ được xem là biện pháp hữu hiệu giúp tháo bỏ căng thẳng giữa hai bên.

Theo Hoàng Sơn

An ninh thủ đô

Cần một động thái ngoại giao khéo léo hóa giải căng thẳng - 2