1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Camorra với kỹ năng tổ chức kinh doanh và mua chuộc con người

Ngoài bản chất bạo lực và những lề luật, quy tắc bất thành văn phổ biến trong thế giới ngầm, Camorra còn là một tổ chức tội phạm nổi tiếng nhờ kỹ năng tổ chức kinh doanh…

Trong bài "Naples - Cái nôi của băng đảng Camorra" có điểm qua mô hình của một trong những tổ chức tội phạm lớn và lâu đời nhất Italia "hùng cứ" ở thành phố Naples và vùng ngoại vi.

Ngoài bản chất bạo lực và những lề luật, quy tắc bất thành văn phổ biến trong thế giới ngầm, Camorra còn là một tổ chức tội phạm nổi tiếng nhờ kỹ năng tổ chức kinh doanh đến mức vào tháng 8-2016, giới lãnh đạo 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro gồm Đức, Pháp và Italia đã tiến hành một hội nghị thảo luận về cách vận dụng đúng chỗ những phương thức quản lý sáng tạo như của Camorra.

Ông trùm Zagaria bị các cảnh sát Italia áp giải.
Ông trùm Zagaria bị các cảnh sát Italia áp giải.

Đương nhiên, kỹ năng kinh doanh thượng thừa của Camorra tập trung vào lĩnh vực buôn thuốc phiện, đặc biệt là cocaine. Liên minh này kiểm soát hầu hết địa bàn hoạt động trên khắp châu Âu, bao gồm cả "chợ" buôn bán ma túy công khai lớn nhất lục địa tại Secondigliano, vùng phía Đông Bắc Naples.

Camorra được tổ chức quy củ không khác gì một tập đoàn điển hình với sự phân quyền rõ ràng theo các cấp độ.

Cấp cao nhất có thể hiểu là cấp giám đốc điều hành, người quyết định chiến lược và điều hành phân bổ nguồn lực. Cấp thứ hai là những "giám đốc bộ phận" chịu trách nhiệm mua bán và sản xuất thuốc phiện. Cấp thứ ba hội tụ các "trưởng phòng kinh doanh" lo liệu việc phân phối hàng hóa và cuối cùng là những người trực tiếp giao hàng cho khách.

Camorra sử dụng tất cả những phương pháp quản lý chuỗi cung ứng thông thường và có nguồn hàng từ khắp nơi trên thế giới (cocaine từ Mỹ Latinh, heroin từ Afghanistan và hasit từ Bắc Phi). Ngoài ra còn phải đảm bảo luôn có hàng thay thế trong trường hợp bị gián đoạn.

Hoạt động cung ứng của băng đảng mafia Camorra diễn ra tuần tự, trơn tru như những bánh xe có vòng răng ăn khít nhau trong một guồng máy. Băng đảng Camorra gồm 115 nhóm với số lượng thành viên mỗi nhóm là 500 người cộng thêm rất nhiều cộng sự.

Nhìn bên ngoài tuy có vẻ liên kết lỏng lẻo nhưng chúng có thể ngay lập tức tập hợp lực lượng hoặc thay đổi lĩnh vực buôn bán bất cứ lúc nào. Trong khi hợp tác kinh doanh với một băng đảng khác tại Colombia, kẻ cầm đầu băng đảng Camorra thiết kế một hệ thống nhượng quyền dành riêng cho kinh doanh ma túy.

Theo đó, các đại lý có trách nhiệm phát triển thị trường của riêng chúng chứ không chỉ là một nhân viên của băng đảng ở nước ngoài. Như Paolo Di Lauro, ông trùm của một trong số những băng đảng mạnh nhất, từng được xem là một trong những doanh nhân xuất chúng nhất Italia (từ năm 2005 đến nay bị biệt giam tại một nhà tù kiên cố bậc nhất).

Ngoài việc điều phối buôn thuốc phiện với Colombia, hắn còn thiết kế hệ thống nhượng quyền thương mại vô cùng thành công cho tổ chức của mình, như một cách thu hút thêm nhiều người dân tham gia vận chuyển thuốc phiện.

Trong vấn đề nhân sự, Camorra trọng nhất là sự sáng tạo những ý tưởng mới. Hội đồng đứng đầu hoàn toàn có thể bị loại bỏ nếu cứ cố chấp, không làm chủ được tình hình hay gặp khó khăn trong việc thâm nhập vào thị trường mới để thay bằng người mới có tài, biết đưa ra những chiến lược phát triển mới.

Trong khoảng những năm 1980, lứa lãnh đạo cũ của Camorra đã bị thay hàng loạt bởi tầng lớp trẻ hơn. Các "bố già" của Camorra là những chuyên gia trong thuật dùng người. Họ hoạt động tích cực trong các hoạt động tạo phúc lợi xã hội nên dễ dàng "thu phục nhân tâm".

Các thành viên mới được tham gia nghi lễ chào đón và thành viên có "thành tích" được đặt cho biệt danh để kẻ đồng đảng phải ngưỡng mộ và luôn được ghi nhớ. Hàng "thượng cấp" còn quan tâm chu cấp cho người thân của những thành viên chẳng may bị sa lưới, bị tiêu diệt do cảnh sát hay do đối thủ.

Kẻ "nhiều công trạng" còn được tổ chức tang lễ cẩn thận trong vòng bí mật. Nhờ vậy, người dân địa phương luôn đứng về phía Camorra trong các cuộc đột kích của cảnh sát và tạo thành rào chắn bảo vệ bằng con người.

Giành được danh tiếng và sự kính trọng của người dân địa phương cũng là một cách để các ông trùm của Camorra chứng tỏ đẳng cấp lãnh đạo của mình.

Thông thường, các tay trùm mở ra những công ty, nhà xưởng kinh doanh vì mục đích kiếm tiền. Tất nhiên, "đạo đức kinh doanh" của những công ty kiểu này là đe dọa đối thủ cạnh tranh và hối lộ quan chức địa phương. Đồng thời, các tay trùm cũng tận dụng những công ty này để làm vỏ bọc thực hiện các hoạt động rửa tiền mà chúng kiếm được nhờ hoạt động tội phạm.

Bên cạnh đó, những công ty kiểu này cũng là nơi cung cấp cho con cái hay người thân ông trùm mafia một công việc chính đáng và không bị người khác soi mói. Khi mafia thành lập một công ty, chúng còn tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương, vì vậy khi nhà nước tịch thu tài sản của tổ chức tội phạm, những công ty đó cũng sụp đổ và nhiều người dân lương thiện mất việc.

"Nhà nước sa thải chúng tôi, trong khi Camorra cho chúng tôi việc làm" là lời phàn nàn mà các nhân viên cơ quan tịch thu tài sản thường nghe. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi người dân địa phương tỏ ra thân thiện và có hành động "bao che" cho tổ chức tội phạm bất chấp luật pháp.

Cảnh sát Italia trong chiến dịch trấn áp các băng nhóm Camorra ở Naples.
Cảnh sát Italia trong chiến dịch trấn áp các băng nhóm Camorra ở Naples.

Có nhiều vấn đề phức tạp mà giới chức Italia phải tìm cách khắc phục với những công ty từng thuộc quyền quản trị của mafia. Một trong số đó là cách quản lý những nhân viên vẫn trung thành với ông chủ mafia cũ.

"Nếu sa thải các thành viên lãnh đạo quan trọng, công ty sẽ đóng cửa ngay lập tức và tất cả công nhân sẽ mất việc, trong đó có những người không liên can gì đến mafia"- Gianpaolo Capasso, người đứng đầu Cơ quan tịch thu tài sản vùng Campania nói - "Do vậy, chúng tôi chọn cách cho phép những người đó ở lại, đồng thời kiểm soát chặt chẽ mọi hành động của họ và cố gắng hạn chế những việc làm phi pháp".

Tọa lạc ở một góc của thị trấn nhỏ ngoại ô Naples, công ty phân phối các sản phẩm sữa Euromilk trông như những công ty nhỏ khác. Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh này lại nằm giữa trung tâm mạng lưới kinh doanh thuộc quyền điều khiển của băng Casalesi, một trong những phân nhánh khét tiếng hung hãn của Camorra.

Thủ lĩnh Casalesi là Michele Zagaria, bị bắt vào năm 2014 khi đang ẩn nấp trong một hầm trú ẩn cách trụ sở Euromilk không xa. Sau khi đóng cửa Euromilk, giới chức chính quyền chọn ra người quản lý mới là Giuseppe Castellano, từng có kinh nghiệm trong việc tiếp quản các công ty gặp khó khăn hoặc phá sản. Vậy người quản lý mới cảm thấy thế nào khi kiểm soát một doanh nghiệp mà các thành viên cấp cao từng làm việc cho một ông chủ mafia?

"Tất nhiên là họ sẽ không vui, nhưng tôi chưa bao giờ thấy lo lắng. Tôi cố gắng giải thích cho họ rằng chúng tôi có chung một nghĩa vụ là duy trì sự hoạt động của công ty. Tôi cũng có một chút may mắn là được mọi người giúp đỡ và tôi biết ơn vì điều đó. Giờ đây công ty vẫn tồn tại", Castellano tuyên bố.

Thực tế là Euromilk vẫn hoạt động bình thường trong thời gian qua, trong khi các công ty do mafia kiểm soát thường đóng cửa ngay sau khi bị tịch thu. Trong khu vực quanh Naples, cơ quan trên đã tịch thu khoảng 300 công ty, nhưng chỉ 6 trong số đó còn hoạt động.

Dario Caputo, một phát ngôn viên cho cơ quan quản lý tài sản tịch thu Italia, nói: "Có nhiều trường hợp vô cùng khó khăn như thế lực của mafia quá mạnh và khiến mọi luật lệ bị bẻ cong. Chúng tôi chứng kiến điều này ở những thị trấn nhỏ tại một số khu vực miền Nam".

Tuy nhiên, bất chấp gặp nhiều trở ngại, ông Caputo cho biết việc tịch thu những công ty của mafia là cần thiết trong cuộc chiến chống tội phạm. Ông nói: "Điều khiến mafia đau đớn nhất không phải là bị ở tù mà chúng sợ mất hết tiền bạc và uy tín, vì các công ty đó khiến chúng cảm thấy quan trọng trong mắt của người dân".

Đầu tháng 11-2015 đã diễn ra phiên tòa xét xử những đối tượng bị cáo buộc tham gia một hệ thống cấu kết chặt chẽ giữa "thế giới ngầm tội phạm mafia" và một loạt quan chức chính quyền các cấp ở thủ đô Roma. Trong đợt đầu của phiên tòa được xem là lớn nhất ở Roma trong nhiều thập niên qua, 46 người, gồm nhiều "bố già" và hàng loạt nhân vật đứng đầu một số công ty trực thuộc chính quyền và các sở ban ngành của thành phố đã bị đưa ra xét xử.

Đây là vụ bê bối điển hình cho sự cấu kết chặt chẽ giữa các hệ thống tội phạm ở Italia với chính giới của nước này. Vụ việc đã khiến cho một loạt quan chức từ cấp thấp đến cao của chính quyền thủ đô bị cách chức, bị bắt hoặc bị điều tra và làm cho đảng cầm quyền bị mất uy tín.

Theo thống kê của Quỹ Rocco Chinnici, đặt theo tên của một thẩm phán bị mafia sát hại năm 1983, hệ thống băng đảng Cosa Nostra mỗi năm kiếm được khoảng 1,3 tỷ euro lợi nhuận từ các hoạt động tội phạm liên quan đến việc ép các doanh nghiệp phải trả tiền bảo kê cho chúng.

Tại Palermo, thủ phủ của Sicily, có khoảng 80% các doanh nghiệp lớn nhỏ phải "chung chi" hàng tháng cho các băng đảng mafia. Trên toàn quốc, số doanh nghiệp phải nộp tiền bảo kê lên đến con số 160.000, với tổng số tiền lên tới gần 10 tỷ euro/năm.

Tháng 4-2016, ông Stefano Graziano, từng là Hạ nghị sĩ và là cố vấn cho cựu Thủ tướng Enrico Letta đồng thời là người đứng đầu đảng cầm quyền ở vùng Campania, miền nam Italia, có mặt trong danh sách điều tra về mối quan hệ với băng đảng Camorra.

Ông Graziano bị tố cáo có quan hệ mật thiết với Michele Zagaria, trùm băng nhóm Casalesi, nhằm can thiệp vào quá trình bầu cử ở một địa phương của vùng Campania vào năm 2014.

Để đổi lại, Graziano đã tạo điều kiện cho các công ty xây dựng do Casalesi kiểm soát trúng thầu. Các băng ghi âm do cảnh sát ghi lại cho thấy tay trùm Zagaria đã dùng tiền của mình để mua các phiếu cử tri nhằm giúp ông Graziano trúng cử.

Trên thực tế, sự kiện này chỉ là một chi tiết được hé lộ liên quan đến một cuộc điều tra khác của Cơ quan bài trừ mafia vùng Campania về mối quan hệ giữa băng đảng Casalesi với thị trưởng của một thành phố ở Campania, dẫn đến việc thị trưởng này bị bắt.

Cuộc chiến giữa các băng đảng mafia ở Naples bắt đầu từ tháng 10-2015 và kéo dài cho đến gần cuối năm qua. Nhiều thành viên của băng nhóm mafia Camorra đã ngang nhiên nổ súng trên đường phố rồi ghi hình và đưa lên mạng Internet. Tham gia các cuộc đụng độ này còn có thành viên của băng nhóm D'Amico và De Micco. Chúng sẵn sàng hành quyết các nạn nhân ngay trên đường phố đông người và trong các cửa hàng cửa hiệu.

Cùng với việc giải quyết tình trạng bạo lực, cảnh sát Italia cũng đã bắt giữ nhiều chính trị gia "bảo kê" cho mafia. Hãng thông tấn nhà nước Italia ANSA cho biết, sau khi bị tòa án tối cao Roma tuyên phạt 1 năm 3 tháng tù giam tội lạm quyền khi còn là công tố viên, Thị trưởng Naples Luigi de Magistris lại bị điều tra với cáo buộc bảo trợ cho các hoạt động của những công ty thuộc sở hữu của mafia.

Bên cạnh đó, 16 thẩm phán của Naples cũng đã bị bắt giữ với cáo buộc nhận hối lộ để ban hành những phán quyết tài chính có lợi cho mafia Camorra. Cảnh sát cho hay, các thẩm phán bị bắt giữ trong một chiến dịch truy quét nhằm vào dòng họ Fabroccino - gia tộc tội phạm được cho là đã hối lộ rất nhiều tiền cho giới hữu trách để có được những phán quyết có lợi từ tòa án.

Ngoài 16 thẩm phán, 60 người khác cũng đã bị bắt giữ vì bị tình nghi rửa tiền và tham nhũng. Cảnh sát cũng đã tịch thu nhà cửa, xe ôtô và số tài sản trị giá 1 tỉ euro.

Theo H.T (tổng hợp)

An ninh thế giới