1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cách nào khả thi nhất để giải quyết vấn đề Triều Tiên?

(Dân trí) - Khi trừng phạt đã không còn tác dụng, cách tốt nhất là nên từ bỏ giấc mơ phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Thay vào đó, hãy hướng tới mục tiêu kiểm soát tốt chương trình này vì đây là cách tốt nhất có thể đạt được.

Không phải lúc nào lệnh cấm hay trừng phạt cũng phát huy tác dụng.
Không phải lúc nào lệnh cấm hay trừng phạt cũng phát huy tác dụng. 

Sau vụ thử hạt nhân lần 3 của Triều Tiên hôm 12/2, LHQ chắc chắn sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới, hoặc chí ít siết chặt hơn các lệnh cũ. Tuy nhiên, phần lớn giới chuyên gia vẫn cho rằng đây không phải là cách khả thi nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân của nước này.

Việc không thể không làm

Dẫu vậy, vẫn có những việc không thể không làm. Đây chính là lý do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang trong quá trình “thai nghén” một lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên, sau khi đã cho ra đời nghị quyết 2087 hôm 22/1 mở rộng trừng phạt Bình Nhường sau vụ phóng tên lửa đạn đạo ngày 12/12/2012. Trong bản nghị quyết lần thứ 3 dành cho Triều Tiên, HĐBA đã phát lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với Cơ quan Vũ trụ Triều Tiên, một ngân hàng, 4 công ty thương mại cùng một số quan chức của nước này.

Trước đó, Ngoại trưởng 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp đặt gói biện pháp trừng phạt mới chống Triều Tiên để trả đũa vụ thử hạt nhân của nuớc này  hôm thứ Ba tuần trước.

"Gói biện pháp bao gồm lệnh cấm đi du lịch, giao dịch tài chính, thương mại và phong tỏa tài sản đối với những cá nhân và thực thể liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng", tuyên bố của các ngoại trưởng EU đưa ra sau cuộc họp tại Brussel nói rõ.

Tuyên bố nêu rõ danh sách 26 cá nhân và 33 thực thể trong "sổ đen", đồng thời cho biết các biện pháp trừng phạt còn bao gồm lệnh cấm xuất nhập khẩu các chi tiết của hệ thống tên lửa đạn đạo, cấm giao dịch trái phiếu của chính phủ Triều Tiên, cấm buôn bán các mặt hàng kim loại và đá quý. Các ngân hàng của hai bên cũng bị cấm mở chi nhánh trên lãnh thổ của nhau, cũng như không được xúc tiến các hoạt động liên doanh mới.

Trừng phạt “để cho có”

Thế nhưng với Triều Tiên, các biện pháp trừng phạt này xem ra cũng chẳng có nhiều nghĩa lý, vì không thực sự tác động nhiều đến nước này như phương Tây vẫn tưởng.

"Nếu chúng ta chỉ nhằm vào những tổ chức hoặc cá nhân mà đối với họ các biện pháp trừng phạt chẳng có thêm tác dụng, thì dù gia tăng trừng phạt mọi thứ cũng trở thành vô nghĩa hay thậm chí còn gây hậu quả nghiêm trọng hơn", nhà nghiên cứu người Mỹ Stephan Haggard nói.

Cũng theo nhà nghiên cứu này, bên cạnh quan ngại nói trên, phương án gia tăng trừng phạt nghiêm khắc đối với Triều Tiên còn vấp phải khó khăn khác nữa là sự cản trở của Trung Quốc. Là đồng minh lớn duy nhất, là nước tài trợ kinh tế cho Triều Tiên và một trong 5 nuớc uỷ viên thường trực của HĐBA, Trung Quốc chắc chắn sẽ lại "gương ô bảo vệ" đồng minh như vẫn từng làm trước đây.

"Mặc dù sự kiên nhẫn của Trung Quốc đối với nước láng giềng 'cứng đầu. cứng cổ' rõ ràng đang giảm sút, song Bắc Kinh vẫn không thể, hoặc chí ít chưa thể, ủng hộ bất cứ hành động nào có thể đẩy Triều Tiên đến bước đường cùng", ông Haggard nói thêm.

Đây cũng là nhận định của đa số nhà phân tích, những người nghiêng về hướng phải thay đổi tư duy chiến lược để phá bỏ lối chơi cũ của Triều Tiên và tìm kiếm giải pháp thực tế dài hạn, thay vì hết lần này đến lần khác chỉ đưa ra những lệnh trừng phạt “để cho có” như hiện nay.

Một hướng tiếp cận mới

Theo chuyên gia về Triều Tiên Andrei Lankov của trường Đại học Kookmin ở thủ Seoul của Hàn Quốc, "các bên cần phải chấp nhận sự thật khó chịu rằng không thể ngăn Triều Tiên trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thực sự".

"Thế giới nên từ bỏ giấc mơ phi hạt nhân hóa mà thay vào đó hãy đặt mục tiêu kiểm soát vũ khí. Đây là mục tiêu duy nhất có thể đạt được", chuyên gia Lankov nói mặc dù thừa nhận Triều Tiên nổi tiếng hay "nuốt lời". Theo ông, việc áp dụng cách tiếp cận mới này với Bình Nhưỡng cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định vì rất dễ khiến giới chính khách ở Mỹ và Hàn Quốc cho là "nhân nhượng với kẻ thù".

Nhận định của ông Lankov không hẳn không có cơ sở khi Triều Tiên thường sử dụng chính sách "miệng hố chiến tranh" để có được sự nhượng bộ từ phương Tây. Đây là một thách thức lớn đối với cộng đồng quốc tế.

"Cần có 'một công thức mới' để phá vỡ chu trình thách thức-cô lập-can dự hiện nay. Phải tìm ra cách nào đó tiết chế hành vi của Bình Nhưỡng thông qua các cuộc đối thoại liên tục. Chỉ bằng cách đó mới đạt được hiệu quả cao nhất", Chủ tịch Viện Khoa học và An ninh Quốc tế  David Albright nói.

Trước những diễn biến mới đây ở Triều Tiên, đặc biệt là vụ thử tên lửa đạn đạo tháng 12/2012, vụ thử hạt nhân lần 3 hôm 12/2 và cách thức điều hành quyết đoán của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jonn-un, giới chuyên gia nhìn chung đều cho rằng đối thoại và thực thi chính sách “Ánh Dương” với Triều Tiên mới là con đường hiệu quả nhất.

Niềm tin đó càng được củng cố khi hầu hết các bên tham gia đàm phán 6 bên lần này đều là những gương mặt mới, với cách tiếp cận mới và nguồn năng lượng mới. Việc các nhà khoa học Mỹ công bố tính toán mới nhất cho thấy vụ thử hạt nhân hôm 12/2 của Triều Tiên có sức công phá lên tới 12,5 kiloton, gấp 2,5 lần quy mô của vụ thử lần 2 năm 2009, cũng là nhân tố khiến các bên phải cân nhắc lại chiến lược tiếp cận, chuyển từ trừng phạt sang đối thoại để đạt được hiệu quả cao hơn.

Trong đề xuất mới nhất, nhà nghiên cứu Cao Hạo Vinh thuộc Trung tâm Nghiên cứu vấn đề quốc tế của Xinhua cho rằng nên tổ chức các cuộc đàm phán Mỹ - Triều, Hàn – Triều trước khi mở rộng sang nhóm 4 bên (gồm Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc) rồi cuối cùng là đàm phán 6 bên (thêm Nga và Nhật Bản). Trong quá trình này, các bên phải luôn nhớ “nằm lòng” nguyên tắc “lời nói đổi lời nói, hành động đổi hành động” đã được đàm phán 6 bên xác định.

Việt Giang