1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Các lãnh đạo thế giới kêu gọi bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông

(Dân trí) - Tại các hội nghị quan trọng diễn ra cuối tuần qua trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 ở Malaysia, các quốc gia tiếp tục thảo luận về vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, cũng như kêu gọi Trung Quốc ngưng các hoạt động cải tạo đảo trái phép tại vùng biển này.

Lãnh đạo các nước tại hội nghị ASEAN ở Kuala Lumpur, Malaysia (Ảnh: Reuters)
Lãnh đạo các nước tại hội nghị ASEAN ở Kuala Lumpur, Malaysia (Ảnh: Reuters)

Tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 vừa kết thúc ở Malaysia, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề nghị các quốc gia tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông cần ngưng các hoạt động cải tạo đảo và quân sự hóa ở đây. Người đứng đầu chính phủ Mỹ cho rằng ASEAN cần sớm thúc đẩy quá trình thảo luận về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên Biển Đông, “bao gồm các các giải pháp hòa bình cho những vụ tranh chấp, cũng như đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không tại vùng biển này”.

“Vì sự ổn định của khu vực, các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cần phải ngưng các hoạt động cải tạo, xây dựng và quân sự hóa những khu vực đang có tranh chấp”, Tổng thống Obama nhấn mạnh.

Còn tại hội nghị Ấn Độ - ASEAN, một sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định nước này luôn ủng hộ bảo đảm quá trình tự do hàng hải tại Biển Đông.

“Ấn Độ chia sẻ với các quốc gia ASEAN về quyền bảo đảm tự do hàng hải, hàng không và không gây cản trở thương mại theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về luật biển. Các khu vực đang có tranh chấp chủ quyền cần phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình. Ấn Độ hy vọng rằng tất cả các bên liên quan tới vấn đề Biển Đông sẽ tuân thủ hướng dẫn được đưa ra trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông và nỗ lực hơn nữa trong việc sớm thông qua Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong thời gian tới”, Thủ tướng Modi khẳng định.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 ở Kuala Lumpur có sự tham dự của các quốc gia thành viên trong khối và cả Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Phát biểu sau phiên thảo luận của hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã nêu những quan ngại về hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Hiện có những dự án cải tạo đảo ở quy mô lớn với tốc độ chóng mặt nhằm phục vụ mục đích xây dựng căn cứ quân sự. Tôi rất quan ngại về động thái nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông như thế”, Thủ tướng Abe cho biết.

Cũng tại hội nghị Trung Quốc - ASEAN, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho rằng cả thế giới đang “dõi xem” liệu Trung Quốc có hành xử như một cường quốc có trách nhiệm trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hay không.

Phát biểu trong hội nghị Trung Quốc - ASEAN, Tổng thống Aquino cho rằng: “Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ tôn trọng quan điểm của dư luận quốc tế cũng như luật pháp. Cả thế giới đang dõi xem vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và chờ đợi một phản ứng có trách nhiệm rõ ràng từ họ. Tôi lo ngại rằng rồi sẽ tới một ngày, chúng tôi sẽ không được phép đi vào vùng biển từng là vùng đặc quyền kinh tế của Philippines”.

Về phía Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông nên giải quyết bất đồng và thảo luận về vấn đề này thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp. Phát biểu sau hội nghị Trung Quốc - ASEAN, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh: “Trong những năm qua, vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, vốn có thể được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán và đối thoại trực tiếp của các bên liên quan, đã bị đẩy lên thành một vấn đề gây quan ngại cho hòa bình trong khu vực và tự do hàng hải”.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng cho rằng đụng độ trên biển là điều “không quốc gia nào mong muốn” nhưng ông kêu gọi các quốc gia “tiếp tục tìm kiếm điểm chung trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông để mở ra cơ hội giải quyết những bất đồng”.

Ngọc Anh

Tổng hợp