1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Các "địch thủ" của Trung Quốc ồ ạt tăng ngân sách quốc phòng

Ngày 06/03 vừa qua, trong bài viết công bố ngân sách quốc phòng Trung Quốc 2013, tờ “Bắc Kinh nhật báo” đã đề cập đến ngân sách quốc phòng của một số “địch thủ” của Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN.

Nhật Bản: Lần đầu tiên sau 11 năm ngân sách quốc phòng tăng 0,8%.

Ngân sách quốc phòng Nhật Bản năm 2013 là 4750 tỷ yên (tương đương 52,2 tỷ USD), chiếm 5,1% GDP. Ngân sách quốc phòng của Nhật năm nay tăng 40 tỷ yên so với năm 2012, tương đương 0,8%. Đây cũng là lần tăng ngân sách quốc phòng đầu tiên của Nhật Bản sau 11 năm.

Theo dự toán phân bổ ngân sách, năm 2013 Nhật sẽ chú trọng lấy tăng cường số lượng nhân viên lực lượng phòng vệ trên bộ làm trung tâm, lấy phát triển vũ khí trang bị của lực lượng phòng vệ trên biển làm trọng điểm phát triển.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn cho biết, trong năm 2012 và đầu năm 2013 Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập không phận khu vực Senkaku/Điếu Ngư, vì vậy Nhật phải chú trọng phát triển tiềm lực quốc phòng, chú trọng vào khu vực duyên hải nơi tập trung các cụm đảo phía tây nam.
 
Nhật sẽ mua máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ

Nhật sẽ mua máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ

Trong quy hoạch phát triển vũ khí trang bị 2013 Nhật đã chỉ rõ, cần phải tăng cường thêm tàu hộ vệ, máy bay dự cảnh E767, E2C và sử dụng 8 triệu yên để nghiên cứu việc triển khai máy bay vận tải cánh quạt V-22 Osprey của Mỹ.

Dự toán ngân sách 2013 của Nhật còn cho biết, trong năm nay Nhật còn 8 hạng mục mua sắm trang bị mới, trong đó có tàu khu trục tên lửa thế hệ mới lớp 25DD tải trọng 5000 tấn, tàu rà quét lôi viễn dương 690 tấn, tên lửa bờ đối hạm, vệ tinh quân sự mới, tên lửa Patriot-3, nâng cấp 2 tàu Aegis lớp Atago.

Đồng thời, Nhật sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa chung với Mỹ, cải tiến hàng loạt máy bay F-15A; đặt hàng 4 chiếc F-35A, mua UAV trinh sát chiến lược Global Hawk và xe thiết giáp lưỡng thê AAV-7 của Mỹ.

Hàn Quốc: Ngân sách quốc phòng tăng 3,9%

Cho dù ngân sách quốc phòng Hàn Quốc năm 2013 đã cắt giảm 400 tỷ won so với “Kế hoạch tăng cường lực lượng phòng vệ” đặt ra lúc ban đầu, nhưng chi tiêu quốc phòng năm nay của Hàn Quốc vẫn tăng 3,9% so với năm ngoái.

Hàn Quốc sẽ xây dựng căn cứ hải quân lớn trên đảo Ulleung

Hàn Quốc sẽ xây dựng căn cứ hải quân lớn trên đảo Ulleung

Theo dự thảo ngân sách, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc dự định sử dụng 6,7 tỷ won xây dựng căn cứ hải quân trên đảo Ulleung (Ulleung-do, phương Tây gọi là Dagelet), đến năm 2015 sẽ đầu tư tổng cộng 352 tỷ won để xây dựng đảo này thành căn cứ hải quân lớn của Hàn Quốc.

Đồng thời, Hàn Quốc cũng bắt đầu khởi đóng lớp tàu hộ vệ mới FFX có lượng giãn nước 2500 tấn và 1 lớp tàu cao tốc mới chưa định danh (dự kiến bàn giao cho lực lượng hải quân năm 2018).

FFX là lớp tàu mới nhất Hàn Quốc triển khai chế tạo tiếp theo loạt tàu khu trục và tàu đổ bộ tấn công mới triển khai, được trang bị cả hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân kiểu Mỹ. Lớp tàu này đã bắt đầu triển khai đóng, Hàn Quốc dự định sẽ đóng tổng cộng 20 tàu, nâng sức mạnh của lực lượng hải quân nên một tầm cao mới.

Hàn Quốc còn dự định bổ sung ngân sách để mua hệ thống radar quan trắc 3 chiều tầm thấp dùng để phát hiện đạn pháo tầm xa của Triều Tiên, nghiên cứu phát triển tên lửa đạn đạo trên tàu cao tốc thế hệ mới.

ASEAN: Nhiều nước tăng mạnh ngân sách quốc phòng.

Trong số các nước ASEAN, Philippines và Indonesia là 2 nước chi tiêu quốc phòng mạnh tay nhất.

Tàu hộ vệ lớp Lekiu của hải quân Malaysia

Tàu hộ vệ lớp Lekiu của hải quân Malaysia

Philippines đã công khai ngân sách quốc phòng năm 2013 là 2,9 tỷ USD, chiếm 1,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), con số này cao hơn năm 2012 là 2,5%. Trong phân bổ ngân sách, Philippines sẽ sử dụng 1,13 tỷ USD đầu tư cho an ninh trong nước, 50 triệu USD dùng cho phòng thủ biên giới, 1,1 tỷ USD dùng để nâng cấp chiến hạm, máy bay và các trang bị khác.

Còn Indonesia sẽ đầu tư khoảng 8,1 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2013, chiếm 0,8% GDP, tăng 18% so với ngân sách quốc phòng năm 2012. Trong năm nay, Indonesia sẽ mua 12 – 16 chiếc máy bay không người lái trinh sát, để thành lập một binh chủng mới trong lực lượng không quân, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ biên cương, giám sát trên biển và phòng chống khủng bố.

Còn về phía Malaysia, trong giai đoạn 2012 – 2015 với mức tăng trưởng GDP dự kiến mỗi năm là 5%, ngân sách quốc phòng Malaysia tăng từ 4,3 tỷ USD lên 4,65 tỷ USD, trong 4 năm ngân sách quốc phòng sẽ vào khoảng 17 tỷ USD, dự trù ngân sách mua sắm trang bị tăng lên 27%.

Indonesia dự định mua máy bay không người lái Heron của công ty IAI – Israel

Indonesia dự định mua máy bay không người lái Heron của công ty IAI – Israel

Với động lực là tăng trưởng kinh tế, tranh chấp lãnh thổ đang ngày càng căng thẳng và sức ép hiện đại hóa quân đội, tất cả các nước xung quanh Trung Quốc đều ào ạt tăng cường ngân sách quốc phòng. Đây là xu thế tất yếu của mọi quốc gia.

Theo Nguyễn Ngọc
An ninh thủ đô