1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bình luận gia Mỹ: Ai sẽ hưởng lợi nếu ông Assad bị lật đổ ở Syria?

Ai sẽ hưởng lợi khi Mỹ lật đổ Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad nếu không phải là các tổ chức khủng bố như IS hay al-Nusra?

Theo Sputnik News, câu hỏi trên được nhà bình luận nổi tiếng người Mỹ Patrick J. Buchanan đưa ra sau khi đặt ra một câu hỏi hóc búa khác: “Tại sao Mỹ lại trang bị vũ khí cho các nhóm phiến quân [mà Mỹ gọi là phe đối lập ôn hòa-ND] để lật đổ ông Assad?”

Một binh sĩ Syria quan sát tình hình chiến trận tại tỉnh Quneitra. Ảnh Sputnik
Một binh sĩ Syria quan sát tình hình chiến trận tại tỉnh Quneitra. Ảnh Sputnik

Chính sách “đáng ngờ” của Mỹ

Theo ông Buchanan, chính chính sách ngoại giao của Mỹ chứ không phải của Nga mới là đáng ngờ.

Trong bài bình luận của mình viết trên tạp chí American Conservative, ông Buchanan nhấn mạnh: “Hãy giả định rằng Mỹ có thể lật đổ chế độ của ông Assad ở Syria và khiến ông phải chạy trốn ra nước ngoài. Ai sẽ lấp đầy khoảng trống quyền lực ở Damascus trong thời điểm hỗn loạn đó nếu không phải là khủng bố khát máu như al-Nusra và IS?”.

Lời bình luận trên được ông Buchanan đưa ra trong bối cảnh các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng đề nghị Tổng thống Obama cần tiến hành không kích nhằm vào chính quyền của ông Assad và lực lượng quân đội Syria.

Dẫn tuyên bố của Giám đốc CIA John Brennan rằng IS “đang ồ ạt tiến vào châu Âu và Mỹ”, ông Buchanan chất vấn: “Vậy việc chúng ta tiến hành các đợt không kích và phóng tên lửa vào chính quyền và quân đội Syria- tuyến phòng thủ cuối cùng trước IS ở Damascus có ý nghĩa như thế nào?”.

Trong khi đó, theo ông Buchanan, việc Nga ủng hộ ông Assad là hoàn toàn hợp lý bởi thông qua việc hỗ trợ chính quyền hợp pháp tại Syria, trên thực tế Nga đang bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Hơn nữa, ông Buchanan nhấn mạnh, việc Nga ủng hộ nhà lãnh đạo Syria là “hợp pháp và tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Trên thực tế, Chính phủ của ông Assad chưa bao giờ “cầu viện” quân đội Mỹ tiến hành bất kỳ chiến dịch chống khủng bố nào ở Syria. Chính vì thế, tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng sự kiên nhẫn của Washington về tình hình Syria “không phải là vô hạn” dường như rất lạc lõng.

Ông James Jatras, một chuyên gia phân tích về chính sách ngoại giao của Mỹ nhận định, lời lẽ của ông Kerry là “cực kỳ mâu thuẫn”. Một mặt, Washington phát động cuộc chiến chống IS, mặt khác, họ lại hậu thuẫn Ahrar al-Sham hay Jaish al-Islam- những tổ chức chỉ khác IS ở cái tên.

“Chúng ta đều rõ Ahrar al-Sham là như thế nào. Chúng là đồng minh của al-Nusra, một chi nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Trên thực tế, Mỹ đang “dang tay bao bọc lũ phiến quân này” khỏi các cuộc tấn công của quân Chính phủ Syria và Không quân Nga”, ông Jatras nói.

Từ Syria, Mỹ đã “chạm đến bậc thềm” của Nga

Cùng chung quan điểm với ông Jatras, ông Buchanan cho rằng, chính sách ngoại giao của Mỹ ở Syria đặt ra “nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời”.

“Tổng thống Obama lấy quyền gì để cung cấp vũ khí và huấn luyện cho phe đối lập tìm cách lật đổ ông Assad? Quốc hội Mỹ có cho phép ông ấy làm như vậy không? Tại sao chúng ta lại muốn lật đổ ông Assad?’, ông Buchanan nêu ra một loạt những câu hỏi.

Tuy nhiên, theo ông Buchanan, đây không phải là trường hợp duy nhất Mỹ đề ra một chính sách ngoại giao “thiếu cân nhắc, đầy cảm tính và dễ bị phản ứng đến như vậy”.

“Tuần trước, 31.000 binh sĩ NATO đã tiến hành tập trận tại Ba Lan và các nước Baltic ngay sát biên giới với Nga. Lần đầu tiên kể từ năm 1945, xe tăng Đức lại xuất hiện ở Ba Lan”, ông Buchanan nói.

Ông Buchanan cũng lên tiếng bày tỏ mong muốn được biết phản ứng của Mỹ nếu 31.000 binh sĩ Nga, Cuba, Iran hay Triều Tiên tiến hành tập trận dọc biên giới nước này.

Không chỉ khởi xướng các cuộc tập trận trên bộ ở châu Âu, Lầu Năm Góc còn điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Porter tiến vào Biển Đen. “Tại sao lại như vậy?”, ông Buchanan tiếp tục chất vấn.

Mọi chuyện càng trở nên phức tạp hơn khi không phải quốc gia châu Âu nào cũng “hào hứng” ủng hộ việc đối đầu với Nga.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với tờ báo Đức Bild am Sonntag, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã lên tiếng cảnh báo NATO không nên “phô trương thanh thế ngay trước thềm nhà” của Nga.

“Chúng ta không nên “đổ dầu vào lửa” bằng hành động “tuốt gươm dọa dẫm” Nga. Bất kỳ người nào cho rằng, cuộc diễu binh mang tính biểu tượng bằng xe tăng dọc biên giới các nước Đông Âu của NATO sẽ khiến an ninh trong khu vực được cải thiện là hoàn toàn sai lầm”, ông Steinmeier nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một câu hỏi còn bỏ ngỏ hiện nay là ai sẽ thay thế Tổng thống Obama tại Nhà Trắng sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ của mình và liệu nhà lãnh đạo mới của Mỹ có tiếp tục chính sách ngoại giao đầy mạo hiểm hiện tại hay không./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN