1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Biển Đông: vũ lực không phải là giải pháp

(Dân trí) - Ngày 20/9, tại thủ đô Jakarta của Indonesia đã diễn ra hội thảo quốc tế về Biển Đông do Ân Độ và Indonesia phối hợp tổ chức. Tiến sỹ Đỗ Xuân Vinh của Việt Nam trình bày tham luận “Lập trường của Việt Nam và những diễn biến gần đây trên Biển Đông”.

Hội thảo mang chủ đề "Hòa bình, ổn định tại Biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương: Sự đoàn kết của ASEAN và can dự của các nước lớn tại khu vực".
 
Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Á của Ấn Độ (CASS-India) phối hợp với Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Indonesia (IODAS) và Viện Nghiên cứu hàng hải Indonesia (IMS) tổ chức.

Tham dự hội thảo có Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Purnomo Yusgiantoro, các diễn giả, học giả và nhà nghiên cứu chính trị, pháp luật đến từ Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Australia, các nhà ngoại giao, quân sự cùng đông đảo báo giới các nước.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Yusgiantoro khẳng định duy trì hoà bình, ổn định tại Biển Đông là mối quan tâm chính đáng của nhiều nước. Ông cũng bày tỏ quan ngại mâu thuẫn giữa các nước lớn tại khu vực sẽ làm xói mòn vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN.

Bộ trưởng Yusgiantoronhấn mạnh nhiệm vụ của ASEAN là phải tái khẳng định sự đồng thuận đối với nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông vừa đạt được, bao gồm việc Triển khai đầy đủ Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC); Tuân thủ hướng dẫn thực thi DOC; Sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC); Hoàn toàn tôn trọng các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Tất cả các bên liên quan tiếp tục kiềm chế và không sử dụng vũ lực; và Thực thi giải pháp giải quyết hoà bình các tranh chấp.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, trong thời gian trước mắt, điều quan trọng là các nước ASEAN phải dành ưu tiên cao cho việc xác định COC và làm việc với Trung Quốc càng sớm càng tốt. Ông bày tỏ tin tưởng COC sẽ là công cụ hữu hiệu để phòng ngừa các tranh chấp về quyền tài phán nhằm ngăn  không cho những tranh chấp này trở thành căng thẳng nghiêm trọng hay các cuộc xung đột mở trên Biển Đông.

Trình bày tham luận tại hội thảo, các diễn giả đến từ Ấn Độ, Australia cũng đã thể hiện lập trường của hai nước này ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong quá trình làm việc với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Các diễn giả phản đối việc sử dụng vũ lực; đồng thời bày tỏ sự quan tâm và mong muốn can dự tích cực góp phần đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải trên vùng biển nhộn nhịp nhất thế giới này.

Đến từ Việt Nam, Tiến sỹ Đỗ Xuân Vinh trình bày tham luận có chủ đề: “Lập trường của Việt Nam và những diễn biến gần đây trên Biển Đông”.

Bài tham luận đề cập nỗ lực của ASEAN trong việc củng cố vai trò trung tâm và sự đoàn kết trong các cấu trúc khu vực đang định hình trong việc xử lý vấn đề Biển Đông, thực thi DOC và hướng tới COC với tư cách là một khối. Ngoài ra, tham luận cũng nhắc tới vai trò can dự tích cực của các nước lớn trong và ngoài khu vực trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và tình hình Biển Đông…

Tại hội nghị, các đại biểu đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực chung của ASEAN và Trung Quốc tiến hành đàm phán COC; bày tỏ hy vọng COC sẽ được hoàn thành và có hiệu lực vào thời gian sớm nhất.

Các đại biểu cho rằng ASEAN và Trung Quốc cần xây dựng lòng tin, cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm đạt được COC, đồng thời ủng hộ nỗ lực chung của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Các đại biểu nhấn mạnh ASEAN phải có trách nhiệm và chủ động ngăn chặn sự leo thang của các tranh chấp trên Biển Đông; phát triển cách tiếp cận phổ biến rằng giải quyết vấn đề Biển Đông là một trách nhiệm chính trị, phục vụ lợi ích chiến lược của Hiệp hội.

Trong thời gian tới, các bên liên quan cần cam kết kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; không có những hoạt động có thể làm phức tạp tình hình; tránh các cuộc chạy đua vũ trang; thúc đẩy hợp tác quốc phòng vì lợi ích của cả khu vực; tôn trọng và thực hiện hiệu quả DOC, tiến tới COC, xây dựng cách tiếp cận đa phương về vấn đề Biển Đông; cố gắng đi đến thỏa thuận về các vấn đề ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, tham gia trong hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, phòng chống thiên tai, an ninh năng lượng và lương thực; chống cướp biển; linh hoạt và dần dần thể chế hóa hợp tác và tiến trình quản lý tranh chấp trên Biển Đông...

Việt Giang