1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Biển Đông trong quan hệ Mỹ - Trung

(Dân trí) - Biển Đông có thể trở thành vật cản trong quan hệ Mỹ - Trung, nếu Bắc Kinh không chịu dừng tay và Washington quyết không nhượng bộ.

Quan hệ Mỹ - Trung ngày càng tăng nhiệt do các hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông (Ảnh:
Quan hệ Mỹ - Trung ngày càng tăng nhiệt do các hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông (Ảnh: US Navy)

Nguy cơ đối kháng hiện hữu

Theo trang tin “Đa chiều” của người Hoa ở hải ngoại, đối kháng Mỹ - Trung xung quanh những căng thẳng gần đây ở Biển Đông đang tiệm cận nguy cơ bùng phát xung đột bất cứ lúc nào nếu một trong hai nước không nhượng bộ.

Nguy cơ đó thực sự nổi lên sau khi Mỹ chính thức chuyển sang giai đoạn can thiệp thứ hai vào tình hình ở Biển Đông: chuyển từ cảnh báo bằng lời sang các hành động can thiệp thực sự.

Thay vì chỉ kêu gọi Trung Quốc ngừng các hoạt động khiêu khích ở Biển Đông và đưa ra 3 kiến nghị cụ thể nhằm đóng băng các hành động này (gồm chấm dứt xây dựng tiền đồn quân sự mới, xây dựng trên các đảo và các hành động đơn phương nhằm vào hoạt động kinh tế của đối phương ở khu vực xảy ra tranh chấp), thì giờ đây, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã quyết định hành động.

Cụ thể, từ ngày 11/5 vừa qua, Mỹ phái tàu tác chiến cận duyên tối tân USS Fort Worth, một trong những chiến hạm hiện đại nhất của Hải quân Mỹ, tới tuần tra ở Biển Đông, đồng thời phái một máy bay trinh sát không người lái và một trực thăng Seahawk tuần tra vùng trời ở các vùng biển liên quan. Đây là lần đầu tiên Mỹ phái tàu chiến tới tuần tra ở vùng biển có tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa nhằm gia tăng sức ép với Trung Quốc và kiềm chế khả năng Bắc Kinh thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở vùng biển chiến lược này.

Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ cũng lên phương án tuần tra chung với Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và thảo luận với chính quyền Philippines về kế hoạch đưa quân trở lại căn cứ Vịnh Subic.

Trong một diễn biến khá bất ngờ chỉ một tuần sau đó, vào ngày 19/5, tàu USS Fort Worth và tàu chiến Trung Quốc đã “chạm trán” nhau ở Biển Đông. Dù vụ việc không gây ra bất cứ hậu quả đáng tiếc nào, song nó vẫn gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng đối đầu chính thức ở Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng rõ nét, khiến vùng biển này đang đứng trước nguy cơ trở thành “kho thuốc súng” làm bùng nổ chiến tranh khu vực.

Nhưng bất chấp những nguy cơ trên, một số nghị sĩ Mỹ theo quan điểm cứng rắn còn cho rằng chính quyền Obama chưa phản ứng đủ mạnh. Theo lập luận của Thượng nghị sĩ John McCain, một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất tại Quốc hội Mỹ, Washington không thể tiếp tục nương tay vì Bắc Kinh sẽ không ngừng các hoạt động gây hấn chừng nào chưa nhận thấy cái giá phải trả sẽ lớn hơn lợi ích thu được.

Giới phân tích lo ngại, trước những động thái căng thẳng và quan điểm không nhượng bộ của cả hai bên trong vấn đề Biển Đông, chỉ cần một va chạm nhỏ trên không hoặc trên biển cũng có thể dẫn tới đối đầu nghiêm trọng và gây hậu quả khó lường. Rủi ro lớn nhất là việc xảy ra đụng độ giữa các lực lượng quân sự do những tính toán và bước đi sai lầm.

Điểm gỡ nút thắt

Tuy nhiên, theo Giáo sư Eric Hyer, một chuyên gia về Trung Quốc đang công tác tại Đại học Brigham Young ở bang Utah, sự đối kháng giữa một cường quốc đã nổi và một cường quốc mới nổi không nhất thiết phải đi đến xung đột quân sự. Theo ông, trước sức ép ngày càng tăng từ phía Mỹ và các nước trong khu vực, Trung Quốc sẽ buộc phải điều chỉnh chính sách trỗi dậy theo hướng hòa bình và quan tâm hơn đến lợi ích của các nước khác.

Có 3 lý do để Trung Quốc buộc phải đi theo hướng này.

Thứ nhất, tính hủy diệt của vũ khí hạt nhân làm cho tất cả các nước phải hành xử thận trọng nhằm tránh dẫn đến một cuộc đối đầu. Do cả Mỹ và Trung Quốc đều đang sở hữu vũ khí hạt nhân nên mọi quyết định đều phải được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.

Thứ hai, lợi ích kinh tế của Trung Quốc và Mỹ ngày càng đang xen chặt chẽ, phụ thuộc lẫn nhau và không thể tách rời. Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và có các lĩnh vực bổ trợ cho nhau, Trung Quốc và Mỹ đều cần tới nhau trong việc khôi phục tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự phục hồi.

Thứ ba, cùng với quá trình toàn cầu hóa, giao lưu nhân dân hai nước ngày càng mật thiết. Ngày càng có nhiều học sinh hai bên qua lại học tập và trở thành cầu nối  thúc đẩy quan hệ cũng như dung hòa lợi ích của hai bên.

Với những lý do trên, Giáo sư Eric Hyer cho rằng với tư cách là nước lớn mới nổi và nước lớn hiện tại, Trung Quốc và Mỹ sẽ phải học cách “kiểm soát bất đồng”. Hiện tại, quan hệ hai nước đang rơi vào tình trạng “ngược gió” do những căng thẳng tại Biển Đông và Hoa Đông, nhưng điều đó không có nghĩa một trong hai bên sẽ có những hành động mạo hiểm làm châm ngòi xung đột hay gây tổn hại thực sự cho quan hệ Trung - Mỹ.

“Bất luận từ góc độ kinh tế hay an ninh khu vực, Trung Quốc và Mỹ đều có lợi ích chung ở Biển Đông. Hai bên không muốn chứng kiến khu vực nảy sinh xung đột vì bất kể cuộc xung đột nào cũng sẽ đem lại hậu quả khó lường cho các nước trong khu vực”, Giáo sư Eric Hyer khẳng định.

Viễn cảnh khu vực sắp tới

Tất nhiên trong giai đoạn trước mắt, căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Trung. Nó đòi hỏi hai nước nói riêng, các nước trong khu vực nói chung phải xoa dịu tình hình, hạ thấp giọng điệu và thúc đẩy đàm phán, kể cả đàm phán kín, để hạ nhiệt tình hình.

“Cục diện phức tạp ở Biển Đông đòi hỏi các nước liên quan phải thông qua đàm phán để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)”, Giáo sư Eric Hyer nhấn mạnh.

Trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 17/5 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã thúc giục Trung Quốc tăng tốc các cuộc đàm phán với ASEAN về những nguyên tắc chỉ đạo trong giải quyết xung đột ở vùng biển tranh chấp. Theo ông, “khu vực này cần có các hoạt động ngoại giao khéo léo nhằm hoàn tất COC giữa Trung Quốc và ASEAN, chứ không phải xây dựng các tiền đồn hay những đường băng quân sự”.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục phớt lờ các kêu gọi và hành động của dư luận quốc tế, ngang nhiên đẩy nhanh tốc độ bồi lấp, cải tạo và xây dựng 7 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh cũng đơn phương cấm đánh bắt cá trong 3 tháng và bóng gió về khả năng thiết lập ADIZ trên vùng biển huyết mạch chiến lược.

“Quy mô và tốc độ xây dựng đảo đang được Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông là chưa từng có tiền lệ”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter công khai chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông khi ông có bài phát biểu mới đây tại Đối thoại an ninh Shangri-La ở Singapore.

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, “điều này gây quan ngại sâu sắc vể viễn cảnh quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, cũng như làm tăng khả năng dẫn đến những phán đoán sai lầm và nguy cơ xảy ra xung đột”.

Đức Vũ