1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Biển Đông: ASEAN và cái giá vắng một tuyên bố chung

Hội nghị cấp cao khu vực ASEAN đã kết thúc trong bất đồng với vai trò quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực chiến lược Biển Đông. Lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm, hội nghị ấy đã không đạt được sự đồng thuận về một tuyên bố chung cuối cùng.

 
Hội nghị ASEAN tại Phnom Penh.

Hội nghị ASEAN tại Phnom Penh.

Tín hiệu xấu

Bất đồng giữa 10 nước thành viên ASEAN diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều vụ đụng độ liên quan tới tàu Trung Quốc ở vùng biển giàu tài nguyên và làm dấy lên lo ngại về khả năng xung đột quân sự.

Philippines nói rằng, họ “lấy làm tiếc” bởi sự thất bại của ASEAN trong khả năng giải quyết diễn biến ngày một xấu đi ở Biển Đông và chỉ trích Campuchia - nước gần đây ngày càng hợp tác gần gũi với Trung Quốc - về cách xử lý vấn đề trong suốt thời gian diễn ra hội nghị các bộ trưởng ngoại giao khu vực.

Sự bất đồng của ASEAN trong hội nghị lần này là dấu hiệu xấu với một tổ chức mong muốn tạo ra một cộng đồng kinh tế khu vưc vào năm 2015, nhằm giảm bớt rào cản trong các thị trường thương mại, nhân công vàtài chính - một phần là để cạnh tranh đầu tư với Trung Quốc.

Trung Quốc là một thành viên tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn khu vực ASEAN tổ chức tại Campuchia. Có nhiều cáo buộc về việc Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng to lớn của họ với nước chủ nhà Campuchia và một số thành viên ASEAN khác để ngăn chặn những cuộc thảo luận cấp khu vực về vấn đề Biển Đông cũng như phong toả nỗ lực đạt được sự đồng thuận về một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc để giải quyết tranh chấp.

Philippines cho hay, họ “phản đối mạnh mẽ” tuyên bố của Campuchia cho rằng “lần đầu tiên ASEAN không thể đưa ra Thông cáo chung vì xung đột song phương giữa một số nước thành viên ASEAN với một nước láng giềng”. Manila nhấn mạnh, họ chỉ có yêu cầu duy nhất là là thông cáo đề cập tới vụ xung đột gần đây giữa tàu Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough - một bãi đá hình móng ngựa mà cả hai nước đều khẳng định chủ quyền.

Tờ Thời báo New York của Mỹ đã đăng tải lời của một nhà ngoại giao cấp cao ASEAN cho hay, giữ ghế chủ tịch luân phiên ASEAN, Campuchia đã từ chối vai trò theo thường lệ là tìm kiếm thoả thuận giữa 10 nước tham gia. Theo nhà ngoại giao này thì: “Trung Quốc đã mua chiếc ghế này, đơn giản là như vậy”. Vị quan chức ngoại giao chỉ ra bài báo đăng trên Tân hoa xã về việc ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết trì đã cảm ơn Campuchia vì sự ủng hộ “các lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.

Theo vị này, nỗ lực đạt được thoả thuận để ra tuyên bố chung đã thất bại sau khi Campuchia từ chối đồng thuận. Các ngoại trưởng của Indonesia và Singapore đã cố gắng thuyết phục ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong, đi tới thoả hiệp. Nhưng ông từ chối, nói “vấn đề nguyên tắc” của hiệp hội là không đứng về bên nào trong các tranh chấp song phương. Sau khi ngoại trưởng Singapore và Indonesia tiếp tục thuyết phục, đại diện của Campuchia đã thu dọn giấy tờ đi ra khỏi phòng.

Chỉ ít tháng trước, Campuchia đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Bắc Kinh kể cả gói viện trợ quân sự mới.

Trong năm năm qua, quan hệ Campuchia - Trung Quốc đã trở nên chặt chẽ hơn lúc nào hết, trong đó có việc Bắc Kinh đầu tư hàng tỉ USD vào quốc gia nghèo này ở Đông Nam Á. Báo Phnom Penh Post dẫn nguồn từ Hội đồng Phát triển Campuchia cho biết đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào nước này năm 2011 đạt 1,192 tỉ USD, tăng 71,82% so với năm 2010. Con số này cao gần 10 lần so với đầu tư của Mỹ vào Campuchia. Cuối tháng 2 năm nay, Trung Quốc đã trợ giúp Campuchia trang thiết bị trị giá 430.000 USD để tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN mà Campuchia là nước chủ nhà. Cuối tháng 5, chỉ vài ngày trước Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Phnom Penh, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã đến thăm Campuchia và cùng Bộ trưởng quốc phòng Campuchia Tea Banh ký nghị định thư về hợp tác song phương. Theo đó, Trung Quốc sẽ giúp Campuchia 20 triệu USD để củng cố quốc phòng.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã nỗ lực giảm bớt rạn nứt. “Rõ ràng, Biển Đông vào thời điểm này là một vấn đề khó khăn nhưng tôi chắc chắn rằng, ASEAN sẽ tìm ra những con đường và cách thức để có thể giải quyết vấn đề”, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết.

Tiến gần hơn vùng tranh chấp

Nhưng căng thẳng dường như tiếp tục lên cao hơn nữa khi hôm thứ bảy, các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin về việc một trong những tàu khu trục của Trung Quốc đã mắc cạn ở một bãi cạn chỉ cách tỉnh Palawan của Philippines hơn 100km.

Trung Quốc nói con tàu đang trên đường tuần tra thì mắc cạn và thực hiện nỗ lực cứu hộ. Còn Philippines thì cho biết đã điều động “các tài sản” ra khu vực để xem xét tình hình và cung cấp hỗ trợ khi cần thiết. “Đó là một địa điểm rất chiến lược giúp tăng cường tuyên bố chủ quyền của họ với Reed Bank, họ đang tiến gần hơn vào lãnh thổ chúng tôi, đặt một chân qua hàng rào của chúng tôi”, một quan chức quân sự Philippines nhấn mạnh.

Năm ngoái, Philippines đã phải vội vã điều máy bay và tàu ra Reed Bank sau khi các tàu hải quân Trung Quốc đe doạ và quấy nhiễu một tàu thăm dò của Philippines. Tháng trước, Trung Quốc tuyên bố bắt đầu các chuyến tuần tra “sẵn sàng chiến đấu” ở vùng biển mà họ nói thuộc quyền kiểm soát của họ ở Biển Đông. Tuyên bố này đưa ra ngay sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển.

Trong cuộc phỏng vấn tuần trước, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đề cập tới khả năng đề nghị Mỹ triển khai máy bay do thám để giám sát vùng tranh chấp. Và Trung Quốc, nước có quan hệ thương mại và đầu tư tăng mạnh với Campuchia những năm gần đây, đã không ít lần cảnh báo “các lực lượng bên ngoài” không dính líu vào tranh chấp ở Biển Đông. Bắc Kinh khẳng định chỉ nên giải quyết vấn đề theo con đường song phương.

Trong một tuyên bố đưa ra cuối hôm thứ năm, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nhắc lại rằng, “không cần tranh cãi” về chủ quyền của Trung Quốc với bãi cạn Scarborough. Điều đáng nói là bãi cạn này nằm cách đảo chính Luzon của Philippines hơn 230 km và cách lãnh thổ Trung Quốc hơn 1.200 km. “Trung Quốc hy vọng phía Philippines đối diện với thực tế này và chấm dứt làm phức tạp tình hình”, ông này nhấn mạnh.

Biển Đông đã trở thành điểm nóng quân sự lớn nhất của châu Á khi tuyên bố chủ quyền mà Bắc Kinh đưa ra bao trùm gần như toàn bộ vùng biển (kể cả khu vực sát cạnh bờ biển của nước khác) trong khi bốn quốc gia Đông Nam Á cũng khẳng định chủ quyền ở khu vực này. Trong bối cảnh đó, Mỹ đã tuyên bố chiến lược quân sự mới, chuyển sự tập trung và các nguồn lực trở lại châu Á, thắt chặt quan hệ với nước đồng minh Philippines và những quốc gia khác.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton, tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Campuchia đã đưa ra thông điệp mà giới phân tích cho là rõ ràng hướng về Trung Quốc. Bà tuyên bố, tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết “mà không hăm doạ, không đe doạ, không áp bức hay sử dụng vũ lực”.

Theo Thái An
Vietnamnet