1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bị Mỹ "loại", Trung Quốc ủ mưu trả đũa

Trung Quốc đang bị Mỹ loại ra khỏi cuộc chơi – Đó là nhận định của tờ Hoàn Cầu ra hôm qua 9/5. Trước nguy cơ này, Bắc Kinh đang có những chuẩn bị gì để trả đũa?

Mỹ loại Trung Quốc khỏi cuộc chơi

 Mỹ "loại" Trung Quốc khỏi cuộc chơi

Gần đây, các sự kiện liên quan đến đảo Điếu Ngư/Senkaku và hàng loạt hành vi quân sự mà Mỹ nhằm vào cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên khiến người Trung Quốc cảm nhận được rằng, chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ như muốn “ngăn chặn” những ảnh hưởng xấu mà sự trỗi dậy của quân sự Trung Quốc có thể gây ra cho nền hòa bình thế giới. Một số nhà phân tích cho rằng chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ có thể chỉ là sách lược quyền biến của tổng thống Obama, chắc chắn rồi Mỹ sẽ “trở lại Trung Đông” hoặc “trở lại châu Âu” mà thôi. Do đó, chỉ cần Trung Quốc nhượng bộ một cách thích đáng trước nhu cầu lợi ích của Mỹ, ví dụ từ bỏ Triều Tiên để đối lấy sự thỏa hiệp về chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc là có thể xoa dịu được mọi vấn đề.

Tuy nhiên thực tế đã chứng minh rằng chính sách “trở lại châu Á” của Mỹ đã trở thành chiến lược cơ bản thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển. Những xung đột địa chính trị và các va chạm xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ chỉ là một phần trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc mà Mỹ áp dụng đối với Bắc Kinh, thực chất của những xung đột này là Mỹ đang muốn tạo dựng làn sóng toàn cầu hóa thứ hai và loại Trung Quốc ra khỏi cuộc chơi, từ đó xây dựng lại các quy tắc thương mại toàn cầu và cục diện quy thương mại mới do Mỹ đóng vai trò chủ đạo, lấy lợi ích của Mỹ và các nước đồng minh làm nền tảng.

Như thế Mỹ sẽ khống chế, tiêu diệt được không gian thương mại đối ngoại mà nền Trung Quốc đang rất phải lệ thuộc, từ đó chặn đứng khả năng đuổi kịp kinh tế Mỹ của Trung Quốc, giữ vững vị thế bá quyền về kinh tế của Mỹ. Người Mỹ hiểu rõ rằng, nếu giữ được vị thế bá chủ về kinh tế, Mỹ sẽ nắm chắc vị trí bá chủ về quân sự, về nền dân chủ và văn hóa kiểu Mỹ.

Mời Việt Nam nhưng quên Trung Quốc
 

Mời Việt Nam nhưng "quên" Trung Quốc

Hoàn Cầu đặt câu hỏi Mỹ sẽ tạo ra làn sóng toàn cầu hóa thứ hai như thế nào? Tờ báo này khẳng định thủ đoạn then chốt của Mỹ là dựa vào việc xây dựng hai khu vực mậu dịch tự do xuyên đại dương. Một là cái gọi là Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ; Hai là thúc đẩy Hiệp định đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Hoàn Cầu cho rằng, điểm đặc biệt phải lưu ý là, cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ chưa hề lên tiếng mời Trung Quốc gia nhập đàm phán TPP. Mỹ đã “bỏ quên” Trung Quốc nhưng lại đưa Việt Nam vào tham gia đàm phán, động cơ là muốn bài xích Bắc Kinh. Đợi đến khi Trung Quốc đưa ra yêu cầu, Mỹ sẽ nói Trung Quốc muốn vào cũng được thôi, nhưng phải tuân thủ mọi quy tắc của TPP. Trong khi các quy tắc của TPP bao gồm hàng loạt vấn đề như quy tắc môi trường, quy tắc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quy tắc bảo vệ người lao động, quy tắc cấm doanh nghiệp nhà nước … Nghiên cứu kỹ sẽ thấy, dường như tất cả đều được xây dựng để nhằm vào Trung Quốc. Nếu muốn gia nhập TPP, cái giá mà Trung Quốc phải trả chắc chắn sẽ vô cùng đắt.

Chiến lược kiềm chế sự phát triển của kinh tế Trung Quốc mà Mỹ đưa ra không những thể hiện ở việc thúc đẩy xây dựng hai khu vực mậu dịch tự do dưới hình thức TPP và TTIP, mà còn thông qua các tổ hợp chiến lược như chiến lược tái công nghiệp hóa, tăng mạnh xuất khẩu và chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ, thông qua việc kiểm soát hoạt động xây dựng hệ thống mậu dịch khu vực và các quy tắc mậu dịch mới trên toàn cầu để hình thành nên một hệ thống kiềm chế toàn diện và có trật tự, khiến Trung Quốc khó có thể chống lại, buộc Trung Quốc phải ngoan ngoãn nghe theo.

Những tổ hợp chiến lược mới của Mỹ chắc chắn sẽ gây ra những ảnh hưởng căn bản cho sự phát triển kinh tế và an ninh địa chính trị của Trung Quốc. Trước hết, hoạt động mậu dịch đối ngoại của Trung Quốc, đặc biệt là sự mở rộng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu sẽ bị o ép mạnh, các vụ va chạm thương mại giữa Mỹ và các nước đồng minh với Trung Quốc sẽ tăng với số lượng lớn. Thứ hai, xu thế chống lại toàn cầu hóa và chính trị hóa hệ thống mậu dịch khu vực sẽ phát triển rõ nét dưới sự thúc đẩy của Mỹ. Thứ hai, trước sự “chọc ngoáy” của Mỹ, vấn đề an ninh địa chính trị và những vụ tranh chấp lãnh thổ lãnh hải của Trung Quốc sẽ tồn tại trong một thời gian dài, một số vụ có thể sẽ ngày càng trở nên căng thẳng.

Cuối cùng, Hoàn Cầu đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để phá bỏ chiến lược kiềm chế kinh tế Trung Quốc của Mỹ? Câu trả lời là với vai trò là quốc gia có tiềm lực tăng trưởng nhu cầu thị trường lớn nhất, Trung Quốc là cỗ máy động cơ tăng trưởng mà Mỹ coi trọng nhất. Chính vì vậy, nếu Mỹ có ý đồ gạt Trung Quốc ra hệ thống mậu dịch khu vực, Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách từng bước bài xích lợi ích của Mỹ ra thị trường Trung Quốc.

Thứ hai, nếu xu thế toàn cầu hóa đã hết thời, Trung Quốc cần sớm chủ động tranh thủ sức thu hút của thị trường trong nước để xây dựng hệ thống mậu dịch tự do khu vực do Trung Quốc và các nước đồng minh của Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo, từ đó tạo cho mình thế cờ đối trọng và nắm được quyền xây dựng các quy tắc thương mại mới trên toàn cầu.

Theo Huy Long
Tiền phong/Hoàn cầu