1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bí ẩn cúm A/H1N1: Vì sao hầu hết các trường hợp tử vong đều ở Mexico?

(Dân trí) - Sau nhiều ngày dịch cúm A/H1N1 bùng phát ở Mexico và hiện đang lây lan sang nhiều nước trên thế giới, một câu hỏi vẫn làm đau đầu các chuyên gia: Đó là vì sao hầu hết các trường hợp tử vong lại chỉ ở Mexico?

Bí ẩn cúm A/H1N1: Vì sao hầu hết các trường hợp tử vong đều ở Mexico? - 1
Người Mexico City xếp hàng để chờ xét nghiệm virut cúm A/H1N1 tại một bệnh viện di động.
 
Mexico dường như đang phải gánh chịu đợt bùng phát dịch rất khác và đáng sợ hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới. Hơn 2.000 trường hợp bị nghi nhiễm cúm đã được thông báo ở rất nhiều bang trên khắp đất nước Mexico, và với hơn 150 người tử vong. Những con số này tuy nhiên chỉ là sơ bộ và ước tính sẽ tăng lên khi các mẫu máu của bệnh nhân Mexico tiếp tục được xét nghiệm. Do thiếu các phòng thí nghiệm có đủ khả năng nên cho đến nay nhiều trường hợp bị tình nghi ở Mexico chưa thể khẳng định được.

 

Hôm thứ ba vừa qua, chính quyền Mexico City đã yêu cầu các phòng tập, sàn nhảy, rạp chiếu phim và tất cả các quán ăn tại chỗ (loại trừ các quán bán đồ ăn mang đi) phải đóng cửa cho tới ngày 6/5 này, trong nỗ lực nhằm hạn chế sự tập trung đông người ở nơi công cộng và lây lan của virut cúm.

 

Và trong khi các nhà dịch tễ học đổ về Mexico để “lần theo dấu chân” của loại virut cúm gây chết người này, thì một câu hỏi lớn vẫn còn đó: Vì sao dịch bệnh này có vẻ như gây tử vong ở Mexico lớn hơn nhiều bất kỳ nơi nào trên thế giới? “Đây sẽ là vấn đề chính cần phải nghiên cứu và tập trung đến”, Keiji Fukuda, quyền tổng giám đốc về y tế, an toàn, và môi trường của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho hay. “Nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa thể nói vì sao lại có sự khác biệt”.

 

Ngày 29/4, WHO triệu tập một đoàn chuyên gia nhằm tìm ra câu trả lời cho vấn đề này. Tuy nhiên, có một cách để bắt đầu, đó là nhìn vào nơi virut xuất phát. Các nhà dịch tễ học có vẻ như đã tìm ra nơi “khởi nguồn”. Đó là thị trấn Perote, ở bang Veracruz, dọc Vịnh Mexico. Nơi đây có một trang trại lợn rộng lớn, thuộc quyền sở hữu của công ty Smithfield Foods của Mỹ. Các trường hợp giống nhiễm cúm đã bắt đầu xuất hiện tại đây từ đầu tháng 4, trước khi trường hợp đầu tiên được khẳng định tại Mexico vào ngày 13/4.

 

Nhưng có một sự thật là, mặc dù loại virut mới được ám chỉ đến cúm lợn, các nhà nghiên cứu cho đến giờ vẫn chưa biết chắc virut A/H1N1 có thực sự bắt nguồn từ lợn hay không. Cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy lợn bị nhiễm bệnh ở cả Mexico và Mỹ. Và mới đây nhất, Canada công bố đàn lợn đầu tiên ở một trang trại bị nhiễm virut A/H1N1 là do lây từ một công nhân trong trang trại bị nhiễm bệnh.

 

“Khởi thủy” cho các virut cúm trên thực tế đều là từ chim hoang dã, những loài có thể truyền bệnh sang chim nhà và người, giống như chúng ta đã chứng kiến ở cúm gia cầm H5N1 tại châu Á, và sang lợn. Và theo các chuyên gia, lợn lại là “chất liệu” đặc biệt tốt cho sự pha trộn về mặt sinh học, bởi chúng có thể bị nhiễm cả virut cúm gia cầm, lợn và cúm người; cung cấp môi trường tốt cho những virut này biến đổi gen, tạo ra những dòng hoàn toàn mới.

 

Và đó có thể là những gì đã xảy ra với virut cúm A/H1N1, virut chứa các gen của cả virut cúm lợn, cúm gia cầm và cúm người. “Khi có sự tập trung lớn của các trang trại lợn, người, chim hoang dã và gia cầm, những điều như thế này chắc chắn xảy ra”, Peter Daszak, chủ tịch của Wildlife Trust và là một chuyên gia về bệnh dịch mới cho biết.

 

Trong những năm gần đây, kể từ khi cúm gia cầm H5N1 đầu tiên xuất hiện, giới chức y tế đã tập trung chủ yếu vào châu Á, như là “nguồn sản sinh” ra virut cúm có thể gây ra đại dịch tiếp theo đối với thế giới. Nhưng Daszak chỉ ra rằng Mexico, nơi người, lợn và gia cầm có thể sống quá gần nhau, là một điểm nóng cho virut mới đã bị bỏ sót.

 

Khi có sự khác biệt về mức độ nguy hiểm giữa các trường hợp nhiễm cúm ở Mexico và Mỹ, nhiều người cho rằng có thể có những loại virut khác nhau ảnh hưởng tới hai nước. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu virut ở cả các nạn nhân tại Mỹ và Mexico và đi đến kết luận: “Chúng tôi không thấy sự khác biệt nào ở các virut cúm gây ảnh hưởng ở những người nhiễm bệnh nặng và những người nhiễm bệnh nhẹ hơn”, Fukuad cho hay. Và thậm chí nếu có sự khác biệt về gen, thì tình hình cũng không sáng sủa hơn, vì các nhà khoa học hiện vẫn không biết chính xác các gen đó có tác động gì đối với virut cúm.

 

Hầu hết trường hợp tử vong xảy ra ở Mexico cũng có thể được quy cho một số vấn đề y tế hoặc một nhân tố đồng ảnh hưởng chưa biết khác, không có ở các trường hợp tại Mỹ. Howard Markel, bác sỹ, giám đốc trung tâm lịch sử y khoa ở Đại học Michigan cho rằng những người đã chết ở Mexico có thể đã có “một đồng nhân tố khác”, ví dụ như uống thuốc hay có sự lây nhiễm sẵn có từ trước, khiến cho họ mắc bệnh nặng hơn. Và cũng có thể những người tử vong có một nhân tố về gen nào đó. Ngoài ra, cũng có “những nhân tố làm phực tạp thêm” như chế độ ăn ở kém, đông đúc. Và ông nhấn mạnh “vào thế kỷ 19 cúm được gọi là bệnh do đông người”. Nhưng điều này cũng cần phải tìm hiểu thêm.

 

Một khả năng nữa xảy ra là, virut cúm A/H1N1 bắt đầu xuất hiện ở Mexico đặc biệt nguy hiểm, rồi virut này tiến hóa trở thành loại virut ít nguy hiểm hơn vào thời điểm nó vượt qua biên giới sang Mỹ cùng các nước khác. Đây không phải là một cách thức tiến hóa bất thường, bởi virut gây chết nhiều người không thể sống sót nếu nó giết chết “vật chủ” của mình trước khi có cơ hội lây lan. “Điều này hoàn toàn bình thường. Trong các đại dịch thường thấy sự trao đổi, thỏa thuận giữa khả năng gây tử vong cao và khả năng truyền bệnh”, Steven Kleiboeker, một nhà virut học và quan chức khoa học cấp cao của Các phòng thí nghiệm ViraCor, cho biết.
 
Virut A/H1N1 có thể tự suy yếu dần khi nó truyền từ người này sang người khác, để trở nên dễ lây nhiễm hơn nhưng cũng ít nguy hiểm hơn.

 

Tuy nhiên, WHO cho biết cho đến nay, virut A/H1N1 có vẻ như khá ổn định trong suốt quá trình lây truyền, vì vậy có thể nó không bị suy yếu nhiều. Song mức độ khá yếu hiện nay của virut A/H1N1 không có nghĩa là sau này nó không trở lại và không nguy hiểm nữa. Bằng chứng là đại dịch cúm năm 1918 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 50 triệu người trên khắp thế giới. Khi mùa cúm kết thúc ở bắc bán cầu, các trường hợp nhiễm cúm mới ở Mỹ giảm một cách tự nhiên. Nhưng dòng cúm mới có thể tiếp tục lây lan mạnh ở nam bán cầu, hiện đang vào mùa cúm, và sau đó sẽ trở lại bắc bán cầu vào mùa đông tới. Song trong thời điểm hiện nay, bất kỳ kết luận nào cũng được cho là quá sớm.

 

Phan Anh
Theo Time, CNN