1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bầu cử Singapore: Cuộc sát hạch chính trị

Với kết quả cuộc bầu cử Quốc hội vừa rồi, Singapore đã trải nghiệm cuộc sát hạch chính trị quan trọng đầu tiên thời kỳ hậu Lý Quang Diệu.

Bầu cử Singapore: Cuộc sát hạch chính trị - 1

Thủ tướng Lý Hiển Long chụp ảnh với các cử tri sau cuộc tuần hành tại khu trung tâm thương mại của Singapore ngày 8/9.

Đảng cầm quyền Hành động Nhân dân (PAP) thắng đậm, giành được 69,86% tỷ lệ phiếu bầu, tăng gần 10% so với mức 60,1% của cuộc bầu cử bốn năm trước (tháng 3/2011) và 83/89 ghế tại Quốc hội. Họ tiếp tục khẳng định vị thế đảng duy nhất lãnh đạo Singapore liên tục 56 năm qua.

Không phải lúc thay đổi

Ngay trước thềm bầu cử, năm đảng phái đối lập gồm Quyền lực Nhân dân (PPP), Liên minh Dân chủ Singapore (SDA), Người Singapore Trước tiên (SingFirst), Cải cách (RP) và Tiến bộ Dân chủ (DPP) đã bắt tay liên kết với nhau dưới một khẩu hiệu chung “Bỏ phiếu cho sự thay đổi” với mục tiêu giành được 20 ghế tại Quốc hội khóa mới.

Tuy nhiên, việc đề cao sự “thay đổi” vào thời điểm nước Cộng hòa tưng bừng kỷ niệm các thành tựu huy hoàng của 50 năm lập quốc rất có thể là một sai lầm. Thêm vào đó, nền kinh tế Singapore bước vào giai đoạn khó khăn dưới tác động từ các “cơn địa chấn” kinh tế mang tên Trung Quốc. Khá nhiều người đã tham gia các cuộc tuần hành của đảng đối lập ngay trước cuộc bầu cử ngày 11/9, nhưng đa số thầm lặng muốn có sự ổn định, quan ngại trước viễn cảnh về sự bất ổn an ninh và kinh tế trong khu vực.

Cử tri Singapore, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, cần một lựa chọn an toàn và họ đặt niềm tin vào PAP, vốn đã kinh qua thử thách mà vẫn nhạy bén với cái mới.

Sau kết quả đáng thất vọng trong cuộc bầu cử năm 2011, với tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục là 60%, PAP đã lắng nghe người dân nhiều hơn. 1.000 tỷ USD đã được cấp cho chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, giúp hạ nhiệt thị trường bất động sản, hỗ trợ 1.800 gia đình thu nhập thấp mua được căn hộ hai phòng với giá ưu đãi so với thị trường. Chính phủ cũng đã kiềm chế dòng chảy lao động nước ngoài và quan tâm nhiều hơn tới những vấn đề nóng của thế hệ trẻ…

Về phía phe đối lập, những bê bối liên quan đến việc vận hành các hội đồng thành phố Aljunied-Hougang-Punggol East của Đảng Công nhân (WP) đã làm yếu đi những cáo buộc mà đảng này đưa ra để phê phán PAP “độc đoán” và “chính trị hóa” các hội đồng thành phố… WP bị giảm sút sự ủng hộ ngay tại Hougang SMC và Aljunied GRC, mặc dù vẫn kiểm soát được hai thành trì này.

Việc Chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử trước thời hạn là một chiến thuật khôn ngoan. Nếu sự kiện được tổ chức như dự kiến vào tháng 1/2017, nền kinh tế lúc đó có thể đã “ngấm đòn” khó khăn do kinh tế Trung Quốc bước vào “thường thái mới” tăng trưởng thấp, nhập khẩu yếu, do đó ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường xuất khẩu của Singapore. PAP cũng được lợi từ làn sóng yêu nước dâng cao sau sự ra đi của người sáng lập PAP và nhà lập quốc Lý Quang Diệu.

Thách thức khi ở đỉnh cao

Singapore đã phát triển trở thành một trong các xã hội giàu có nhất thế giới với năng lực tổ chức cao, tỷ lệ tội phạm thấp và GDP đầu người vượt mức 50.000 USD. Chính phủ bị chỉ trích vì các vụ trấn áp người biểu tình, bắt giam các nhân vật bất đồng chính kiến, kiểm soát truyền thông và đẩy các nhân vật đối lập chính trị tới bờ phá sản thông qua các vụ kiện tai tiếng…

Tuy nhiên, tự do chính trị không phải là một chủ đề nóng trong tuyển cử mà chủ yếu tập trung vào giá sinh hoạt cao, dịch vụ công hạn chế, nhu cầu của người nghèo và người cao tuổi trong xã hội già hóa nhanh này. Nhập cư là vấn đề nổi cộm.

Vừa qua, Chính phủ Singapore đã áp dụng chính sách hạn chế người lao động nước ngoài, dẫn đến việc thị trường lao động bị thắt chặt. Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy việc hạn chế lao động nước ngoài đã ảnh hưởng xấu đến hiệu suất kinh tế của nền kinh tế Singapore. Một số dự báo tăng trưởng kinh tế của Singapore trong cả năm 2015 sẽ giảm xuống 1,8%, thấp hơn dự báo chính thức từ 2-2,5%.

Từ năm 2010, nền kinh tế của đảo quốc này đã trở nên khá phụ thuộc vào nguồn cung nhân công nước ngoài ở mọi trình độ. Việc duy trì chính sách nhập cư thắt chặt làm cho tiền lương chi trả tăng lên do thiếu hụt nhân công, cùng với việc chính phủ đang hy vọng tăng lương cho các công nhân Singapore có thu nhập thấp, sẽ tác động đến tính cạnh tranh của nền kinh tế. Giải pháp cho vấn đề này không hề dễ dàng.

Singapore vẫn là một xã hội tổ chức chặt chẽ, hiệu quả, với nền chính trị dân chủ một đảng độc tôn. Ở đó, các đảng đối lập có thể gây ảnh hưởng đến chính sách với sự hiện diện mạnh mẽ ở Quốc hội, làm một đối trọng và phản biện lành mạnh.

Kết quả cuộc bầu cử 2015 sẽ tạo thuận lợi cho quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở Singapore. Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, ông muốn thôi chức trước năm 2020. Chuyển giao quyền lực ở đỉnh cao là sự khôn ngoan mà ông Lý Quang Diệu từng thực hiện thành công. Nhưng việc duy trì quyền lãnh đạo của đảng từ đỉnh cao ấy cũng là thách thức mà PAP sẽ trải nghiệm trong năm năm tới.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Trường

Thế giới và Việt Nam

Bầu cử Singapore: Cuộc sát hạch chính trị - 2