1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Báo Trung Quốc kêu gọi xóa bỏ hộ khẩu

(Dân trí) - Hơn chục tờ báo Trung Quốc đã cùng xuất bản một bài xã luận chung, kêu gọi xóa bỏ việc đăng ký hộ khẩu ở nước này.

Báo Trung Quốc kêu gọi xóa bỏ hộ khẩu - 1
Hộ khẩu được xem là đang tạo ra sự phân biệt đối xử trong các dịch vụ y tế, giáo dục ở Trung Quốc.
 

Theo họ, hệ thống này đã cản trở người nhập cư từ nông thôn tiếp cận các dịch vụ ở các thành phố giàu có hơn.

 

Kêu gọi này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cư dân mạng và được đưa ra ngay trước kỳ họp quốc hội của các nhà lập pháp Trung Quốc vào cuối tuần này.

 

Hộ khẩu đã được đưa ra vào những năm 1950, như là công cụ quy hoạch kinh tế trung ương.

 

Bài xã luận đã dùng lời lẽ mạnh mẽ, bắt đầu bằng “từ lâu Trung Quốc đã hứng chịu sự ốm yếu của hệ thống hộ khẩu!” và “tất cả mọi người sinh ra có quyền tự do chuyển chỗ ở”.

 

Hệ thống hộ khẩu đăng ký các công dân Trung Quốc là dân thành thị hay nông thôn theo gốc gác gia đình họ.

 

Nhưng giờ đây, nhiều người coi đó là sự phân biệt đối xử khi tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục.

 

Kể từ khi các cuộc cải cách kinh tế bắt đầu 30 năm trước, nhiều công nhân nhập cư Trung Quốc đã rời quê nhà, đất đai của họ để đóng góp cho sự phát triển nhanh chóng và tiến trình công nghiệp hóa nhanh của đất nước.

 

Tuy nhiên, họ vẫn bị đăng ký là người nông thôn và không được hưởng những phúc lợi xã hội giống như những đồng nghiệp của họ ở thành thị. Điều này đã tạo ra sự bất cân bằng xã hội.

 

Bài xã luận cho rằng hệ thống này không đúng và kêu gọi giới hữu trách Bắc Kinh chỉnh sửa lại. Bởi theo tờ báo, ngoài tạo ra sự công bằng, việc xóa bỏ hệ thống hộ khẩu còn thúc đẩy kinh tế Trung Quốc.

 

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hôm thứ bảy tuần trước cũng thừa nhận lực lượng lao động công nghiệp của nước này hiện được tạo nên từ các công nhân nhập cư ở các vùng nông thôn.

 

Tuy nhiên, theo giới phân tích, sẽ phải mất nhiều năm để tách hệ thống hộ khẩu khỏi hệ thống phúc lợi, chứ chưa nói đến việc xóa bỏ hệ thống này.

 

Phan Anh

Theo BBC