1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Báo Mỹ: Không phải Trung Quốc, Hải quân Nhật Bản mới mạnh nhất châu Á

(Dân trí) - Trên tạp chí National Interest của Mỹ, chuyên gia phân tích về an ninh quốc gia và quân sự Kyle Mizokami, người thường có những bài viết đăng tải trên trang The Diplomat hay tạp chí Foreign Policy, đã đưa ra đánh giá về sức mạnh của Hải quân Nhật Bản trước đối thủ Trung Quốc.

Hải quân Nhật Bản có tổng cộng 144 tàu chiến và lực lượng 45.800 người. Bên cạnh đó, lực lượng hải quân của quốc gia Đông Bắc Á cũng sở hữu hạm đội có các tàu chiến có tốc độ cao, tàu khu trục được trang bị vũ khí mạnh mẽ, các tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel và những tàu đổ bộ có thể chở xe tăng phục vụ các chiến dịch và các lực lượng trên bộ khác. Với các hệ thống hỗ trợ hiện đại, Hải quân Nhật Bản có thể săn tàu ngầm, đối phó trước những cuộc tấn công của các hạm đội hay bắn hạ tên lửa đạn đạo của đối phương. Không những vậy, bất chấp hoả lực mạnh mẽ từ các hạm đội tàu chiến đang sở hữu, lực lượng Hải quân Nhật Bản được đánh giá cao nhất tại châu Á chính là nhờ sự phối hợp đồng bộ với các tổ chức dân sự khác.


Tàu khu trục lớp Kongo. (Ảnh: DefenseIndustry)

Tàu khu trục lớp Kongo. (Ảnh: DefenseIndustry)

Về mặt kỹ thuật, Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản (MSDF) chỉ là một lực lượng có chức năng "phòng ngự" được xây dựng dựa trên những giới hạn của hiến pháp nước này về lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, nếu đánh giá tổng thể, đây là lực lượng hải quân mạnh nhất châu Á.

"Trụ chính" của MSDF là các hạm đội với tổng cộng 46 tàu khu trục và chiến hạm, hơn cả số tàu cộng lại của Hải quân Anh và Pháp. Những tàu này được tổ chức theo hướng thành các hạm đội hộ tống nhằm giúp Nhật Bản phòng vệ trước các cuộc xâm chiếm và duy trì an ninh ở các tuyến hàng hải. Tàu chiến mạnh mẽ nhất của MSDF được đánh giá là tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường lớp Kongo. Hiện MSDF có 4 tàu chiến lớp này mang tên Kongo, Kirishima, Myoko và Chokai, vốn là những cái tên được đặt theo các tàu chiến và tuần dương hạm của Hải quân Nhật Bản trong Thế Chiến II.

Tàu khu trục lớp Kongo được phát triển dựa trên nguyên bản tàu khu trục Flight I lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ. Cũng tương tự phiên bản của Mỹ, "trái tim" của tàu khu trục lớp Kongo là Hệ thống chiến đấu Aegis - hệ thống theo dõi và tổ chức tấn công trước ác mối đe doạ từ trên không. Bên cạnh đó, hệ thống chiến đấu Aegis cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo cho toàn lãnh thổ Nhật Bản. Vũ khí trang bị cho các tàu khu trục lớp Kongo chủ yếu có tính chất phòng vệ, cụ thể là 90 ống phóng tên lửa Mark 41 và tên lửa phòng không SM-2MR với tên lửa đánh chặn SM-3 Block IB. Ngoài ra, lớp tàu khu trục này cũng được trang bị súng máy, 9 tên lửa chống hạm Harpoon, ống phóng ngư lôi chống ngầm và hệ thống phòng không Phalanx.

Một "vũ khí" đáng sợ khác của MSDF là tàu chiến JS Izumo. Mẫu tàu sân bay trực thăng, có lượng giãn nước 27.000 tấn, có thể tham gia nhiều kiểu chiến dịch. Nó có thể tiến hành đồng thời nhiều hoạt động, vừa có khả năng đổ bộ vừa có khả năng kiểm soát không phận và tấn công đất liền. Chiến hạm này có thể chở quân lính và phương tiện bên trong, khoảng 400 thủy quân lục chiến và xe tải hoặc thiết bị tương đương. Dù không thể trở các chiến đấu cơ song với mặt sàn rộng, JS Izumo có thể chở tới 14 trực thăng. Do vậy, các chiến dịch của tàu JS Izumo rất đa dạng, từ việc tổ chức sử dụng trực thăng săn ngầm hay dò mìn tới tấn công đổ bộ. Hiện tàu thứ hai thuộc lớp này có tên Kaga đang được đóng.


Tàu chiến JS Izumo. (Ảnh: AsiaTimes)

Tàu chiến JS Izumo. (Ảnh: AsiaTimes)

Lực lượng tàu ngầm của Nhật Bản cũng là "một trụ" khác của MSDF. Nhật Bản đang xây dựng lực lượng tàu ngầm với 22 chiếc, đủ để duy trì cán cân sức mạnh trước Hải quân Trung Quốc. Hạm đội tàu ngầm của Nhật Bản có 2 loại tàu ngầm, gồm các tàu cũ lớp Oyashio và tàu mới lớp Soryu.

Với lượng giãn nước 4.100 tấn, tàu ngầm lớp Soryu là tàu ngầm lớn nhất của Nhật Bản kể từ Thế Chiến II. Các tàu ngầm này được trang bị hệ thống động cơ Stirling, vốn mang tới khả năng hoạt động lặng lẽ dưới nước trong thời gian lên tới 2 tuần, và có thể giúp tàu đạt vận tốc 13 hải lý/giờ khi hoạt động trên mặt nước và 20 hải lý/giờ khi hoạt động dưới biển. Tàu ngầm lớp Soryu được trang bị ống phóng ngư lôi 553mm và sử dụng ngư lôi Type 89 cùng tên lửa Sub-Harpoon do Mỹ sản xuất. Ngoài ra, tàu này cũng thể đặt mìn nhằm ngăn chặn đà di chuyển của tàu đối phương.


Tàu ngầm lớp Soryu. (Ảnh: JapanTimes)

Tàu ngầm lớp Soryu. (Ảnh: JapanTimes)

"Cột trụ" cuối cùng của MSDF là tàu đổ bộ lớp Osumi. Đây là mẫu tàu được gọi với cái tên "tàu sân bay cỡ nhỏ" khi sở hữu chiều dài 130 mét. Tuy nhiên, không như tàu sân bay, tàu lớp Osumi thiếu các khu vực thiết kế riêng cho chiến đấu cơ song lại được thiết kể để hỗ trợ các đơn vị xe tăng của Lực lượng Phòng vệ trên bộ cuả Nhật Bản. Tàu lớp Osumi có thể chở tới 1.400 tấn hàng hoá, 14 mẫu xe tăng Type 10 hoặc Type 90 và chở tới 1.000 lính bộ binh. Lớp tàu Osumi được cho là giúp Nhật Bản tăng khả năng phòng thủ các đảo tiền tiêu, ngoài ra có thể dùng để cứu hộ dân thường trong trường hợp thiên tai quy mô lớn.

Lý do cuối cùng lý giải cho sức mạnh của Hải quân Nhật Bản chính là khả năng phối hợp giữa lực lượng này và các tổ chức khác. Hồi tháng 3/2011, trận động đất mạnh 9 độ rích te đã làm rung chuyển vùng duyên hải phía Bắc Nhật Bản. Phó Đô đốc Hiromi Takashima - Chỉ huy lực lượng Hải quân khu vực Yokosuka, đã ngay lập tức nắm quyền chỉ huy của toàn bộ lực lượng MSDF và đồng thời yêu cầu toàn bộ tàu hướng về những khu vực bị ảnh hưởng. Chỉ mất 45 phút, tàu đầu tiên của MSDF đã tới hiện trường của vụ động đất. Sau đó, 17 tàu khác với trang thiết bị cứu trợ đã tới các khu vực bị ảnh hưởng trong 18 giờ tiếp theo. Khả năng phản ứng nhanh nhạy đối với MSDF trong lần ứng phó với thảm hoạ thiên nhiên đó chính là bài thử thực sự cho sự chuyên nghiệp và hiệu quả của lực lượng Hải quân Nhật Bản.

Ngọc Anh

Tổng hợp