1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bắn thêm 2 tên lửa, Triều Tiên ở thế đánh mất đồng minh?

Triều Tiên đang đưa mình vào thế đánh mất cả đồng minh sau hàng loạt vụ phóng tên lửa tầm ngắn kể từ đầu tháng này.

Sau vụ phóng 6 tên lửa tầm ngắn hôm 3/3, lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân hôm 4/3, rạng sáng nay 10/3, Triều Tiên đã bắn 2 tên lửa tầm ngắn từ khu vực Kangwon, tỉnh Bắc Hwanghae của nước này, ra biển Nhật Bản.

Yonhap dẫn thông báo của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc: 2 tên lửa Scud, sau khi rời bệ phóng từ Triều Tiên đã bay được khoảng 500km trước khi rơi xuống vùng biển ngoài khơi thành phố cảng Wonsan, thuộc biển Nhật Bản.

Màn hình TV ở ga tàu Seoul, Hàn Quốc đưa hình ảnh về vụ phóng thêm 2 tên lửa đạn đạo sáng 10/3. (ảnh: AP)
Màn hình TV ở ga tàu Seoul, Hàn Quốc đưa hình ảnh về vụ phóng thêm 2 tên lửa đạn đạo sáng 10/3. (ảnh: AP)

Những hành động này được cho là nhằm phản đối lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc đối với việc thử hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên 2 tháng đầu năm nay.

Nga – Trung khó nói lời “bênh vực”

Bắc Kinh và Moscow đều bày tỏ quan ngại trước phản ứng của Bình Nhưỡng trước những diễn biến mới nhất trên bán đảo Triều Tiên

China Daily theo dõi sát vụ phóng tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên và đã đưa ra nhận định về nguy cơ Triều Tiên hành động khó đoán, dễ dẫn tới leo thang căng thẳng trong khu vực. Tờ báo này nhận định giải pháp lúc này đó là việc “Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Ngồi xuống và đàm phán”.

Về phía Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng bày tỏ sự lo ngại, lên án những động thái “gây hấn” của Triều Tiên và kêu gọi các bên kiềm chế

Bộ Ngoại giao Nga ngày 7/3 tuyên bố: “Chúng tôi xem tuyên bố tấn công hạt nhân phủ đầu của Triều Tiên là một lời đe dọa không thể chấp nhận được. Bình Nhưỡng cần nhận thức việc làm này có thể quay lưng với cộng đồng quốc tế và tạo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng vũ lực quân sự để chống lại nước này”.

Hãng Tass dẫn lời ông Vitaly Churkin, Đại sứ Nga tại LHQ : “Vụ phóng tên lửa cho thấy rằng Triều Tiên chưa rút ra được một bài học đúng đắn nào”.

Nhật Bản nổi giận

Phản ứng trước việc CHDCND Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn hướng vào phía Biển Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong buổi họp báo sáng nay (10/3) đã lệnh cho các Cơ quan liên quan tiến hành cung cấp thông tin vụ việc nhanh nhất và chính xác nhất cho nhân dân.

Đồng thời, Thủ tướng Abe chỉ đạo các Cơ quan liên quan thực hiện công việc thu thập, phân tích thông tin và xác nhận thiệt hại.

Tại thời điểm hiện tại, thiệt hại chưa được xác nhận, tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản đã kháng nghị tới CHDCND Triều Tiên rằng hành vi này đã vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani sáng 10/3 đã xác nhận với báo chí rằng hai tên lửa của Triều Tiên sau khi rời bệ phóng đã bay được khoảng 500km đã rơi xuống khu vực phía Tây biển Nhật Bản.

Về mục đích của việc phóng tên lửa lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Nakatani cho biết đây có thể là hành vi mang tính quân sự phản ứng trước việc tập trận chung Mỹ-Hàn và dư luận quốc tế bao gồm Nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh rằng đây là hành vi cực kỳ phản cảm. Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước liên quan, nỗ lực hết sức để làm sáng tỏ hành vi của Triều Tiên.

Mỹ phản ứng tức thì

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ (JCS) đang theo dõi sát động thái của Triều Tiên kể từ thời điểm 2 tên lửa tầm ngắn được bắn vào 5h20 phút sáng nay: “Quân đội đang giám sát tình hình chặt chẽ và chuẩn bị đối phó với bất kỳ hành động gây hấn nào của Triều Tiên”.

Trước đó, hôm 9/3, lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định rằng, Bình Nhưỡng đã chuẩn hoá các đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa đạn đạo thông qua việc thu nhỏ chúng. Tuyên bố này được đưa ra vài ngày sau khi ủy ban quốc phòng nước này đe dọa sẽ tấn công phủ đầu nhằm vào Hàn Quốc và lãnh thổ nước Mỹ, trong bối cảnh Seoul và Washington bắt đầu cuộc diễn tập chung quy mô lớn tại Hàn Quốc.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook khẳng định rằng quân đội Mỹ sẽ theo dõi sát sao động thái từ Triều Tiên và tự tin có thể bắn hạ bất kỳ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nào mà Triều Tiên có thể phóng nhằm vào Mỹ và các đồng minh.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tại các cuộc đàm phán ở Seoul tuần tước, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu thảo luận về việc triển khai hệ thống phòng không tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, được cho là nhằm đối phó các vụ phóng tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên./.

Theo Ngân Giang/VOV.VN