1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Bán đảo Triều Tiên “căng như dây đàn”

Sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (còn gọi là bom H) vào ngày 6-1, tình hình trên bán đảo Triều Tiên vốn đã căng thẳng càng trở nên phức tạp hơn với những động thái mới của cả Hàn Quốc và Triều Tiên ở khu vực biên giới.

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin trưa 8-1, Hàn Quốc đã nối lại các buổi phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên dọc theo biên giới giữa hai miền. Các chương trình phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên được bắt đầu tại 11 điểm dọc biên giới hai miền có lắp đặt các loa phóng thanh.

Một quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết, hệ thống loa phóng thanh sẽ hoạt động ngẫu nhiên vào ban ngày và ban đêm, trong khoảng 2 đến 6 tiếng/ngày. 

Bán đảo Triều Tiên “căng như dây đàn” - 1

Các binh sĩ Hàn Quốc điều chỉnh thiết bị sử dụng cho việc tuyên truyền bằng loa phát thanh tại khu vực biên giới giữa hai miền. (Ảnh: AP)

Không lâu sau đó, Triều Tiên cũng đáp trả bằng hành động tương tự khi nối lại hoạt động tuyên truyền chống Hàn Quốc bằng loa phóng thanh qua biên giới. Theo lời một quan chức chính phủ Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đã mở lại các loa tuyên truyền chống Soul tại một số đơn vị quân đội tiền tiêu để binh sĩ nước mình không thể nghe nội dung tuyên truyền trên loa phóng thanh của Hàn Quốc.

Năm ngoái, quân đội Hàn Quốc cũng đã từng thực hiện chiến dịch tuyên truyền qua loa phóng thanh trong nhiều tuần sau khi xảy ra vụ nổ mìn tại khu phi quân sự giữa hai miền làm 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương. Chiến dịch nói trên đã được dừng lại theo thỏa thuận liên Triều ngày 25-8-2015, tuy nhiên khi đó Hàn Quốc tuyên bố sẽ nối lại hoạt động này khi xảy ra những trường hợp “bất thường”.

Cùng với đó, Yonhap cho biết trước tình hình căng thẳng ở khu vực biên giới, Triều Tiên đã tăng cường quân số tại một số đơn vị tiền tuyến. Theo Tân Hoa xã, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 8-1 cũng triển khai pháo binh tới các khu vực đặt loa phóng thanh dọc biên giới liên Triều. Trước đó một ngày, Hàn Quốc đã nâng cảnh báo tại những địa điểm này lên mức cao nhất. 

Được biết trong ngày 7-1, Tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc Lee Sun-jin và Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, Tướng Curtis Scaparrotti cũng đã có cuộc hội đàm để tìm cách đối phó với vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

Đặc biệt, trong cuộc hội đàm này, hai bên đã đề cập đến việc lên kế hoạch triển khai các vũ khí chiến lược như máy bay ném bom B-52, chiến đấu cơ tàng hình F-22 và tàu ngầm hạt nhân để bảo đảm an ninh trên bán đảo Triều Tiên.

Mặc dù chưa thảo luận các biện pháp triển khai cụ thể, nhưng hai quan chức của Mỹ và Hàn Quốc đã đề xuất nhiều phương án khác nhau nhằm đạt được hiệu quả răn đe cao nhất, đồng thời bàn bạc về phản ứng của Triều Tiên một khi các vũ khí nói trên được triển khai.

Ngoài ra, Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ Joseph Aucoin cho biết, hải quân nước này ngày càng quan ngại về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và tuyên bố, Hạm đội 7 đã sẵn sàng hỗ trợ lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc nếu cần thiết.

Tháng 3-2013, tức là một tháng sau vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của Triều Tiên, quân đội Mỹ đã triển khai một máy bay ném bom tàng hình B-2 và một máy bay ném bom chiến lược B-52 tới bán đảo Triều Tiên. Động thái này đã khiến các chỉ huy quân sự của phía Triều Tiên ngay lập tức phải tiến hành một cuộc họp khẩn trong đêm và quyết định đặt lực lượng phòng không nước này trong tình trạng báo động cao nhất.

Cũng trong ngày 8-1, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một nghị quyết, trong đó lên án vụ thử hạt nhân lần thứ tư của Triều Tiên là "hành động khiêu khích nghiêm trọng", đe dọa mạng sống và sự an toàn của người dân Hàn Quốc, hòa bình tại Đông Bắc Á cũng như toàn thế giới.

Các nghị sĩ Hàn Quốc cho rằng "hành động liều lĩnh" của Triều Tiên sẽ chỉ khiến nước này càng bị cô lập, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng phá bỏ mọi chương trình hạt nhân, bao gồm các nguyên liệu và cơ sở hạt nhân. 

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cho hay trong vài ngày tới, cơ quan này sẽ bỏ phiếu về dự luật mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Việc bỏ phiếu về dự luật này đã bị trì hoãn kể từ tháng 2-2015 đến nay.

Theo Anh Vũ

Quân đội nhân dân