1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

“Bài toán” Triều Tiên dễ hay khó với Tổng thống Trump?

(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump đã đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn để “nắn gân” Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa gần đây. Tuy nhiên, chủ nhân mới của Nhà Trắng dường như không có nhiều lựa chọn trong tay để có thể tìm ra lời giải chính xác nhất cho bài toán Bình Nhưỡng, vốn đã thử thách sự kiên nhẫn của các nhà lãnh đạo Mỹ trước đây.

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, Tổng thống Trump có 4 lựa chọn để giải quyết vấn đề Triều Tiên, gồm: trừng phạt kinh tế, hoạt động tình báo, đàm phán ngoại giao và tấn công quân sự. Tuy nhiên, với mỗi lựa chọn này, ông chủ Nhà Trắng đều gặp phải những khó khăn và thuận lợi khác nhau để có thể tìm ra giải pháp mà Mỹ cho là tối ưu nhất.

Trừng phạt kinh tế

Triều Tiên hiện nay là một trong những nước bị trừng phạt nặng nề nhất trên thế giới. Bình Nhưỡng phải đối mặt với một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế khả năng tiến hành các hoạt động thương mại, tham gia vào hệ thống tài chính quốc tế, buôn bán vũ khí và nhiều mặt hàng khác.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ năm 2016, “hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng các lệnh trừng phạt đa phương hay đơn phương của Mỹ cũng không ngăn cản Triều Tiên tăng cường năng lực hạt nhân của nước này”.

Giới chức Mỹ cho biết Tổng thống Trump dự kiến sẽ áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên để gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng, gồm phong tỏa dầu khí, cấm bay với hàng không Triều Tiên, cản trở hoạt động của các tàu chở hàng và trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với Bình Nhưỡng.

Mặc dù vậy, các quan chức Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về việc liệu Trung Quốc có sẵn lòng gây áp lực với đồng minh Triều Tiên hay không dù nước này luôn tuyên bố sẽ cứng rắn với Bình Nhưỡng. Bắc Kinh từ lâu đã lo sợ rằng nền kinh tế Triều Tiên sụp đổ sẽ kéo theo làn sóng người tị nạn từ Triều Tiên ồ ạt tràn sang Trung Quốc trong khi Bắc Kinh vẫn phải tham gia vào việc xử lý cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Hoạt động tình báo

Là quốc gia đi đầu về công nghệ, Mỹ đã từng có kinh nghiệm đối phó với chương trình hạt nhân của Iran bằng các hoạt động tấn công mạng. Với sự giúp đỡ của Israel, Mỹ đã tạm thời ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran bằng một loại virus máy tính có tên gọi Stuxnet. Virus này đã phá hủy hàng nghìn máy ly tâm, vốn được Iran sử dụng trong quá trình làm giàu uranium.

Tuy nhiên, Mỹ đã không thành công khi áp dụng công nghệ trên với Triều Tiên. Washington đã từng cố gắng tìm cách cài một phiên bản của virus Stuxnet để tấn công chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong khoảng thời gian từ năm 2009-2010, nhưng đã thất bại.

Theo một cựu quan chức tình báo cấp cao của Mỹ, lý do khiến Washington “bó tay” trong việc tấn công chương trình hạt nhân của Triều Tiên là vì tính bí mật cực cao cũng như sự tách biệt hoàn toàn của hệ thống thông tin Triều Tiên với bên ngoài. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình báo Mỹ thường xuyên gặp khó khăn trong việc tiếp cận bộ máy hoạt động của chính phủ Triều Tiên.

Liên quan tới chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng, Mỹ được cho là có thể sử dụng các cuộc tấn công mạng hoặc chiến tranh điện tử để vô hiệu hóa các tên lửa Triều Tiên trong và ngay sau khi chúng chuẩn bị rời bệ phóng. Trên thực tế, tần suất các vụ thử tên lửa thất bại của Triều Tiên trong thời gian gần đây đã làm dấy lên nhiều đồn đoán rằng Mỹ đã thành công trong việc sử dụng công nghệ điện tử để chặn đứng kế hoạch của Bình Nhưỡng.

Tên lửa Triều Tiên tham gia lễ duyệt binh tại Quảng trường Kim Nhật Thành hôm 16/4 (Ảnh: Reuters)
Tên lửa Triều Tiên tham gia lễ duyệt binh tại Quảng trường Kim Nhật Thành hôm 16/4 (Ảnh: Reuters)

Đàm phán ngoại giao

Chính quyền Tổng thống Trump hiện vẫn chưa cho thấy có ý định tham gia vào các cuộc đàm phán ngoại giao với Triều Tiên về chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này. Ngoài ra, cũng chưa có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề Triều Tiên, vốn bị gián đoạn suốt 7 năm qua, sẽ được nối lại trong thời gian tới.

Tháng 2/2012, Mỹ và Triều Tiên đã thông báo về một thỏa thuận chung giữa hai nước. Theo thỏa thuận này, Triều Tiên cam kết tạm dừng mọi hoạt động của nhà máy làm giàu uranium Yongbyon, cho phép các thanh tra viên quốc tế tới xác minh việc tạm dừng này và đồng ý tạm hoãn các vụ thử tên lửa tầm xa cũng như hạt nhân. Đổi lại, Bình Nhưỡng muốn nhận các gói viện trợ lương thực mà nước này đang rất cần từ Mỹ.

Hai tháng sau đó, sau khi Triều Tiên tìm cách phóng một vệ tinh lên quỹ đạo, Mỹ đã “tố” Bình Nhưỡng vi phạm thỏa thuận giữa hai nước. Mặc dù Triều Tiên phủ nhận việc vi phạm nhưng rốt cuộc thỏa thuận chung cũng bị đóng băng. Từ đó tới nay, các nỗ lực ngoại giao giữa hai nước đều không đạt được bất kỳ tiến triển nào.

Tấn công quân sự

Theo Reuters, Tổng thống Trump có thể cân nhắc một số biện pháp quân sự để đối phó với Triều Tiên, bao gồm việc phong tỏa trên biển nhằm thực thi các lệnh trừng phạt, tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình để hủy diệt các cơ sở hạt nhân và tên lửa hay phát động một chiến dịch quân sự lớn hơn với mục tiêu lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Hiện vẫn chưa rõ Triều Tiên sẽ phản ứng ra sao trong trường hợp Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự nhằm vào nước này, dù là ở quy mô hạn chế. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng ngày 14/4 đã đe dọa sẽ “đáp trả không thương tiếc” nếu Mỹ vẫn kiên quyết chọn phương án tấn công.

Trong khi đó, bất kỳ động thái quân sự nào của Mỹ cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho đồng minh Hàn Quốc - quốc gia láng giềng với Triều Tiên.

“Hiện có khoảng 20 triệu dân Hàn Quốc nằm trong tầm bắn của đạn pháo Triều Tiên. Đã đến lúc chúng ta nên xem xét tất cả các biện pháp mà chúng ta có thể làm, ngoài biện pháp quân sự, để giải quyết vấn đề này một cách hòa bình”, cựu Đại sứ Mỹ Chris Hill, nhà thương thuyết cấp cao của Mỹ từng tham gia vào các cuộc đàm phán với Triều Tiên dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, nói trong chương trình “This Week” của đài ABC hôm 16/4.

Đồng quan điểm với cựu Đại sứ Chris Hill, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump H.R. McMaster cũng cho rằng sử dụng vũ lực quân sự nên là lựa chọn cuối cùng của Mỹ trong việc giải quyết bài toán Triều Tiên.

Thành Đạt

Tổng hợp