1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bãi lầy chiến địa Afghanistan: Chiến dịch "Storm-333"

Những cuộc nổi dậy bên trong lãnh thổ Afghanistan bắt đầu khởi phát từ năm 1978, sau một loạt những sáng kiến cải cách của chính phủ dưới trướng Tổng thống Taraki với mục tiêu "nhổ rễ chế độ phong kiến" trong xã hội Afghanistan.

Những biện pháp cải cách đó tuy mang lại một số thay đổi tích cực, nhưng chúng được thực hiện theo cách thức cưỡng chế tàn bạo. Xã hội nông thôn Afghanistan phần lớn vẫn tuân theo truyền thống, và những cuộc cải cách ruộng đất đang đe dọa những nền móng của nó; tương tự việc cải cách giáo dục và trao thêm một số quyền cho phụ nữ bị coi là hành động tấn công đạo Hồi. Vì thế, những cuộc phản kháng dễ dàng bị dẫn dắt bởi quân nổi dậy.

Cuộc nổi dậy bắt đầu từ tháng 10-1978 bên trong các bộ lạc Nuristani tại thung lũng Kunar rồi nhanh chóng lan tới các nhóm sắc tộc khác, gồm cả cộng đồng đa số người Pashtun. Đến mùa xuân năm 1979, 24 trong số 28 tỉnh đã bùng phát bạo lực, quân nổi dậy bắt đầu chiếm các thành phố.

Tháng 3 -1979 trong cuộc binh biến tại Herat, quân lính Afghanistan dưới sự chỉ huy của Ismail Khan đã giết hại gần 100 cố vấn Liên Xô. PDPA dẹp loạn bằng một chiến dịch ném bom nhưng lại làm thiệt mạng 24.000 thường dân.

Cung điện Tajbeg, nơi diễn ra cuộc đột kích của Spetsnaz.
Cung điện Tajbeg, nơi diễn ra cuộc đột kích của Spetsnaz.

Để bảo vệ chính quyền cách mạng, lãnh đạo Liên bang Xô viết đã quyết định cung cấp viện trợ cho Afghanistan từ sau khi nhận được lời cảnh báo từ trụ sở KGB: sau cuộc đảo chính lật đổ và giết hại Taraki, chính Hafizullah Amin là người đã làm mất ổn định tình hình tại Afghanistan và rằng sự lãnh đạo của nhân vật này sẽ dẫn tới "những cuộc đàn áp đẫm máu, vì thế sẽ dẫn tới sự nổi dậy và đoàn kết của lực lượng đối lập".

Lời cảnh báo này càng được củng cố bằng việc, sau khi nắm quyền, Tổng thống Hafizullah Amin công khai yêu cầu Liên Xô rút ngay các cố vấn quân sự về nước. V.Kriuchkov, lãnh đạo một ban thuộc KGB lúc đó viết: "Mỹ, Anh, Đức và một số nước khác lúc đó rất quan tâm đến Afghanistan, đặc biệt là các khu vực phía bắc (giáp Liên Xô). Họ đã ráo riết tìm mọi cách làm suy yếu ảnh hưởng và vị thế của Liên Xô tại Afghanistan…

Theo kênh của KGB và GRU (Cơ quan tình báo quân đội Liên Xô), ngày càng có nhiều tin tình báo về "các mưu đồ sâu xa của Mỹ sử dụng khu vực lãnh thổ (Afghanistan) giáp phía Nam Liên Xô" và "để vô hiệu hóa các mối đe dọa từ hướng Nam như vậy, Liên Xô sẽ buộc phải bố trí bổ sung ở các nước cộng hòa Trung Á không ít hơn một tập đoàn quân, thành lập các tuyến phòng thủ bổ sung với cơ sở hạ tầng tốn kém, còn hệ thống phòng không thì hầu như phải thiết lập mới".

Kriuchkov cũng đề cập đến việc KGB ngày càng mất lòng tin vào Tổng thống Amin: "Chúng tôi có đồng quan điểm là Amin ngày càng trở thành mối đe dọa nguy hiểm đối với số phận cách mạng Afghanistan".

Một ủy ban đặc biệt về Afghanistan được thành lập gồm Chủ tịch KGB Yuri Vladimirovich Andropov, Ủy viên Trung ương Đảng Ponomaryev và Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Dmitriy Fyodorovich Ustinov. Tướng Kirpichenko nhớ lại là vào tháng 11-1979, ông được V. Kriuchkov gọi đến và thông báo "tên độc tài Amin thể hiện mình như một tên phát xít chính hiệu và là tên đao phủ đối với nhân dân Afghanistan". Nhưng quan trọng nhất là "đã phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy Amin đang chuyển chính sách về phía Mỹ".

Khi nhận thêm báo cáo về việc Tổng thống Hafizullah Amin đang thanh trừng các đối thủ, trong đó có cả những người có cảm tình Liên Xô; các nhân vật chủ chốt của Ủy ban đặc biệt đưa ra kết luận: sự trung thành của ông ta với Moscow là điều giả dối! Đại tướng N.Leonov (lúc đó là Phó Cục trưởng Cục phân tích thông tin Tổng cục I KGB) nhận xét: Amin bị buộc rất nhiều tội, nhưng quan trọng nhất là nhân vật này đã từng học ở Mỹ và có lẽ đã bị CIA tuyển mộ.

Tổ điệp báo của KGB tại Kabul thường xuyên lưu ý: "Nhân vật này có thể trốn khỏi Afghanistan ngay sau khi đã tiêu diệt xong Đảng (Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan được Liên Xô hậu thuẫn). Còn nhiều thông tin nữa về việc hình như hắn đang chuyển tiền vào các tài khoản nước ngoài và gửi các tài sản quý sang Tokyo. Ngoài ra, các tin tức khác khẳng định việc Amin là đã trở thành một nhân vật chống Xô viết rõ rệt thì hầu như ngày nào cũng xuất hiện trong các bản báo cáo từ Kabul gửi về.

Đại tá V. Kolesnhik của Bộ Tổng tham mưu (sau là thiếu tướng), người chỉ huy chiến dịch tấn công dinh tổng thống của Amin nhớ lại rằng, ngay trước khi chiến dịch bắt đầu, tướng KGB IU. Deozlov, cấp phó của ông trong chiến dịch này đồng thời chỉ huy các đội đặc nhiệm KGB, khi phát biểu trước những người tham gia chiến dịch đã nói rằng "Amin chính là gián điệp của CIA".

Một nhóm Spetsnaz ém quân tại một vị trí bí mật trước giờ G.
Một nhóm Spetsnaz ém quân tại một vị trí bí mật trước giờ G.

Còn tướng Drozlov, lúc ấy cũng là lãnh đạo một cơ quan thuộc KGB khẳng định: "Việc Mỹ đứng chân tại Afghanistan tạo điều kiện cho nước này tiến sát đến khu mỏ có giá nhất của thế giới là Tazikistan - nơi có tất cả các nguyên tố trong bảng tuần hoàn Mendeleev - chính vì vậy mà Liên Xô phải bảo vệ các đường biên giới phía Nam của mình, bảo vệ các các nguồn năng lượng trong tương lai và các tài nguyên thiên nhiên khác của dãy Pamir".

Căn cứ vào một số biên bản tốc ký ghi nội dung các cuộc họp kín của một nhóm các ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, còn sót lại trong hồ sơ lưu trữ thì ban đầu, quan điểm của các ủy viên này rất tỉnh táo: Kabul yêu cầu hỗ trợ quân đội và vũ khí nhưng không ai muốn can thiệp, cho dù xuất phát từ động cơ ý thức hệ.

"Quân đội của họ đang tan rã, tại sao chúng ta lại phải tiến hành chiến tranh thay họ?" - L.Breznhev; "Giới lãnh đạo (Afghanistan) không nắm được lực lượng nào ủng hộ họ và không biết cách dựa vào lực lượng đó - họ xử bắn các đối thủ chính trị" - Iu. Andropov; Kirilenko thì đưa ra nhận định, "Chúng ta đã cung cấp cho họ mọi thứ, nhưng chúng ta sẽ thu được gì? Hoàn toàn không có một kết quả tích cực nào".

Chính giới lãnh đạo quân sự cao cấp nhất thời đó là những người kiên quyết phản đối việc đưa quân vào Afghanistan như Tổng tham mưu trưởng-Nguyên soái X. Akhromeev, Chủ nhiệm Tổng cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu - đại tướng V.Varenhikov, Tư lệnh Lục quân đại tướng I.Pavlovski, Cố vấn trưởng Lực lượng vũ trang Afghanistan- Trung tướng L.Gorelov...

Mặc dù vậy, Bộ Chính trị Liên Xô vẫn cho chuẩn bị các biện pháp quân sự. Từ ngày 5 đến 7-7-1979, một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 111 của Sư đoàn cận vệ đổ bộ đường không đã được điều đến Bagram. Cùng thời điểm đó, các nhóm đặc nhiệm của KGB cũng đã có mặt tại Kabul.

Đến mùa thu năm 1979, các nhân viên dưới quyền Iu. Andropov đã thổi còi báo động: "Kẻ thù đã ở ngay trước cửa!". Cùng lúc đó, CIA cũng đưa Hafizullah Amin vào "cuộc chơi": B. Amstutz, đại diện lâm thời của Mỹ tại Afghanistan thường xuyên đến gặp Tổng thống Afghanistan và tin này cũng được chuyển ngay về Moscow.

Việc lôi kéo Liên Xô vào cuộc chiến tranh Afghanistan đã có chủ định trước từ phía Mỹ, trong khi trước đó cả Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Ủy ban An ninh quốc gia, Bộ Quốc phòng, không ai muốn có bất cứ "một cuộc hành binh nào về phía Nam".

Vì thế học thuyết của Jimy Carter tóm lược toàn bộ các mục tiêu của phương Tây về cuộc chiến Afghanistan - cho rằng, Liên Xô "bứt phá về phía Nam, tới vùng vịnh Persian và Ấn Độ Dương nhiều dầu mỏ" - không hề có bất kỳ sự liên quan nào tới những kế hoạch thực sự của Moscow.

Có thể hiểu được tại sao người Mỹ cáo buộc Liên Xô về việc này vì bản thân họ từ lâu đã xác tín vào "mối đe dọa Liên Xô", họ cần thiết phải "ma quỷ hóa" Liên Xô tại thời điểm cao trào của Chiến tranh Lạnh.

Năm 1979 đã bắt đầu đối với nước Mỹ bằng việc mất đồng minh then chốt trong khu vực này là Iran. Cuộc cách mạng lật đổ nhà vua đã trở thành chống Mỹ - vụ đánh chiếm sứ quán Mỹ tại Tehran đã cho thấy một đế chế không thể có cách nào trừng phạt kẻ chọc giận mình.

Liên Xô, trái lại đã mở rộng được ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới: Lực lượng vũ trang cách mạng Sandino giành được chính quyền tại Nicaragua, lực lượng cánh tả đã chiến thắng tại Grenada, các chính thể Marxist đã được củng cố tại Angola và Mozambique với sự giúp đỡ của Cuba và Liên Xô.

Mỹ không biết làm cách nào để chặn đứng "sự bành trướng ảnh hưởng" của Liên Xô, mặc dù trên thực tế, Liên Xô mạnh lên nhờ đã ủng hộ các lực lượng chống đế quốc, chống phương Tây. Afghanistan đã trở thành cái cớ tốt để có thể tạo ra các khó khăn cho Liên Xô. Các phần tử Hồi giáo và những người Pashtun ở Pakistan, và ở ngay tại Afghanistan đơn giản là không hài lòng với chính quyền mới ở Kabul.

Khi Amin trở thành Tổng thống Afghanistan vào tháng 9, Liên Xô lo ngại bởi vì ông này đã sát hại Taraki (người trở về từ Moscow trước đó không lâu sau các cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Brejnev), cũng như vì những điều khó hiểu trong tiểu sử của ông này đã tạo ra lý do để phải suy nghĩ: liệu ông ta có dính dáng tới các cơ quan mật vụ phương Tây hay không. Và chỉ tới khi có thông tin về cuộc gặp gỡ của Amin với các đại diện không chính thức của Mỹ, ban lãnh đạo Liên Xô mới đặc biệt lo ngại.

Amin chưa từng là điệp viên CIA, nhưng ông ta đã làm mọi việc để buộc người ta phải nghi vấn về điều này nhiều hơn. Hơn nữa trong bối cảnh Moscow thấy tình hình tại Afghanistan đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính quyền trung ương, và ở Pakistan người Mỹ đã trở nên ngày càng tích cực hơn. Các phần tử Hồi giáo đã trở thành công cụ - lúc đầu là trong tay Cơ quan tình báo Pakistan, và sau đó là tình báo Mỹ.

Còn tại Afghanistan trong vòng 1 năm rưỡi đã có tới 2 nhà lãnh đạo bị sát hại, cũng như tại hàng chục tỉnh đã diễn ra các cuộc bạo loạn, Moscow đơn giản là không thể không đánh giá hết sự nghiêm trọng của tình hình Afghanistan.

Cuộc nội chiến đã nổ ra không chỉ đe dọa dìm đất nước láng giềng vào hỗn loạn, mà vì cả hậu quả là trong chính quyền sẽ có cả những lực lượng thù địch với Liên Xô: Liệu có phải đó chỉ đơn thuần là các phần tử Hồi giáo, hay Hồi giáo hợp tác với Mỹ?

Đầu tiên, chiến dịch loại bỏ Tổng thống Amin mang mật danh "Storm-333" chính thức được khởi động. Để chuẩn bị cho chiến dịch này, một nhóm điệp viên KGB của Liên Xô đã được điều động đến Thủ đô Kabul của Afghanistan để nghiên cứu tình hình. Họ khoác áo các nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Liên Xô ở Kabul cũng như các cơ quan ngoại giao khác.

Lực lượng triển khai hành động bao gồm 2 đơn vị tinh nhuệ Alpha, Vympel của lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz GRU (mỗi đơn vị khoảng 20 người), 30 người từ một nhóm biệt kích Zenith của KGB, 520 người thuộc đơn vị Spetsnaz 154 trực thuộc Bộ Quốc phòng Liên Xô còn gọi là "Tiểu đoàn Hồi giáo" cùng 87 binh sĩ khác từ Trung đoàn dù 345. Họ được đưa vào Kabul núp bóng dưới các đơn vị Quân đội Afghanistan, nên lực lượng an ninh sở tại vẫn không hề hay biết gì.

15 giờ ngày 27-12-1979, Spetsnaz GRU bắt đầu nổ súng tấn công vào cung điện Tajbeg, nơi làm việc của Tổng thống Amin. Dẫn đầu cuộc tấn công là 2 đơn vị đặc biệt tinh nhuệ Alpha và Vympel, trong đó nhóm Alpha có nhiệm vụ tiêu diệt Tổng thống Amin cùng các vệ sĩ của ông ta, nhóm Vympel thu thập tài liệu và bằng chứng về quá trình hợp tác của Amin với Washington.

Thực tế là các đơn vị bảo vệ vòng ngoài cung điện Tajbeg không được trang bị mũ bảo vệ và áo chống đạn chuyên dụng, còn lực lượng bảo vệ Tổng thống Amin được trang bị súng tiểu liên nhưng không có khả năng bắn xuyên áo giáp!

Với sức mạnh áp đảo và kinh nghiệm chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ, 150 vệ sĩ của Tổng thống Amin nhanh chóng bị vô hiệu hóa, Tổng thống Amin bị bắn chết trong cuộc tấn công, người con trai bị trọng thương và chết sau đó, người con gái cũng bị thương nhưng may mắn thoát chết.

Sau cuộc tấn công, dinh tổng thống, tòa nhà của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Nội Vụ Afghanistan đều bị lực lượng Liên Xô nắm giữ. Không lâu sau đó, Babrak Karmal được đưa lên làm Tổng thống Afghanistan.

Con số thiệt hại của Liên Xô trong chiến dịch Storm-333 không thực sự rõ ràng. Trong "hồ sơ Mitrokhin", tác giả Vasili Mitrokhin (một cựu điệp viên của KGB) cho rằng, có khoảng 100 binh sĩ của KGB đã thiệt mạng trước khi tiến vào được bên trong cung điện Tajbeg và bắn chết Tổng thống Amin. Trong khi đó nhà sử học Christopher Andrew thuộc Đại học Cambridge, Anh không đồng tình và cho rằng, con số thiệt hại của Liên Xô còn nhiều hơn thế, bao gồm cả những người bị thương và có thể chết sau đó.

Theo Quang Hiếu (tổng hợp)

An ninh thế giới