1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bài binh trên biển Đông

Chiến hạm Mỹ lần đầu tiên phối hợp với Philippines tuần tra chung ở biển Đông.

Trang Stars and Stripes ngày 13-4 dẫn nguồn tin từ một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết Trung Quốc đã đưa 16 chiến đấu cơ Shenyang J-11 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm 7-4. Việc triển khai số lượng lớn chiến đấu cơ như vậy là “chưa có tiền lệ” dù đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh có hành động phi pháp khiến khu vực căng thẳng.

Mỹ - Philippines “vai kề vai”

Không dừng lại ở đó, các bức ảnh vệ tinh của Công ty ImageSat International (ISI) dường như cho thấy một hệ thống radar kiểm soát hỏa lực ở Phú Lâm, vốn có thể cho phép Trung Quốc sử dụng các hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 mà nước này triển khai phi pháp tới đây hồi tháng 2.

Chưa hết, trang The Washington Free Beacon còn tiết lộ Trung Quốc đang có kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự ở bãi cạn Scarborough (đang tranh chấp với Philippines). Các nguồn tin tình báo Mỹ từng đề cập kế hoạch này hồi tháng trước, trong đó một đường băng, các hệ thống điện, nơi cư trú và một bến cảng sẽ được xây dựng để đón các chiến hạm Trung Quốc.

Trước sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông, Philippines đang bày tỏ sự quan tâm đến hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS) có tầm bắn 300 km của Mỹ. Hệ thống này được sử dụng lần thứ hai trong một nội dung của cuộc tập trận chung Balikatan (Vai kề vai) của 2 nước hôm 14-4. “Chúng tôi đã chứng kiến khả năng của HIMARS. Đó là hệ thống vũ khí có tính hủy diệt và cơ động cao” - Phó Đô đốc Hải quân Philippines Alexander Lopez cho biết sau khi chứng kiến màn “trình diễn của HIMARS”.

Cùng ngày, Mỹ tiết lộ các chiến hạm nước này lần đầu tiên phối hợp với Philippines trong chuyến tuần tra chung ở biển Đông. Hãng tin AP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, đang ở thăm Manila, thông báo gần 300 lính Mỹ đang tập trận Balikatan 2016 sẽ ở lại Philippines đến cuối tháng này. Ngoài ra, Mỹ sẽ được tiếp cận nhiều căn cứ quân sự ở Philippines hơn 5 địa điểm công bố trước đó, luân phiên gửi thêm lực lượng tới Philippines để đào tạo quân sự.

Máy bay quân sự Mỹ trong cuộc tập trận Balikatan ở Capas - Philippines ngày 14-4.
Máy bay quân sự Mỹ trong cuộc tập trận Balikatan ở Capas - Philippines ngày 14-4.

Vai trò của tàu ngầm

Trong bối cảnh Trung Quốc ngang ngược tăng cường quân sự hóa biển Đông, Đô đốc Scott Swift thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ đã dành sự quan tâm đặc biệt đến giá trị của tàu ngầm. Theo ông Swift, những loại vũ khí được triển khai ở khu vực để cản trở hoạt động của tàu nổi, máy bay lại tỏ ra vô dụng với tàu ngầm.

Vì thế, không có gì khó hiểu khi Lầu Năm Góc dự kiến chi 97 tỉ USD cho chương trình thay thế 14 tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân hiện nay bằng thế hệ tàu mới, trong đó bổ sung 12 chiếc. Ngoài ra, theo báo The Washington Post, Mỹ đã đầu tư cho thế hệ tàu ngầm tấn công mới (lớp Virginia) từ năm 1998, trong lúc lên kế hoạch đưa tàu ngầm không người lái vào hoạt động.

Vai trò của phương tiện này càng được chú ý sau khi một số nhà phân tích phỏng đoán một phần lý do Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông là tạo ra nơi trú ẩn cho tàu ngầm.

Ngoài Mỹ, Úc cũng dần trở thành “cái gai” trong mắt Trung Quốc vì lập trường cứng rắn đối với hành động sai trái của Bắc Kinh ở biển Đông. Trong lúc Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đang ở thăm Trung Quốc, tờ China Daily hôm 14-4 cảnh báo lợi ích kinh tế của Canberra sẽ bị tổn hại nếu không mềm mỏng hơn trong vấn đề biển Đông. Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, ông Hàn Phong, nhận xét chuyến thăm sẽ là một thử thách về sự “khôn ngoan chính trị” của nhà lãnh đạo Úc.

Đáp lại, ông Turnbull đã sử dụng bài phát biểu tại một sự kiện ở TP Thượng Hải hôm 14-4 để thúc giục Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế nếu muốn tiếp tục con đường đi đến sự thịnh vượng. Trước thềm chuyến thăm, ông Turnbull cũng nhận định những động thái quân sự của Bắc Kinh ở biển Đông là “phản tác dụng”.

Việt Nam yêu cầu rút máy bay

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 14-4 tuyên bố việc Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu ra khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định của khu vực. Theo ông Lê Hải Bình, Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc rút các máy bay chiến đấu về, đồng thời không tái diễn các hành động tương tự.

Về việc báo chí nước ngoài đưa tin Việt Nam và Philippines đang bàn bạc kế hoạch tuần tra chung trên biển Đông, ông Bình cho biết đến nay chưa có thông tin về vụ việc nhưng nói thêm Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đang có chuyến thăm Philippines. “Với chính sách đối ngoại cũng như chính sách quốc phòng vì hòa bình, độc lập tự chủ của mình, bất cứ sự hợp tác nào của Việt Nam với các bên đối tác cũng nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực” - ông Bình nói.

Về phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây rằng các bên liên quan trên biển Đông nên tự giải quyết tranh chấp, không nên quốc tế hóa vấn đề này, ông Bình khẳng định đối với những vấn đề chỉ liên quan đến 2 nước thì giải quyết song phương. Đối với những vấn đề liên quan đến các nước khác, như quần đảo Trường Sa thì phải có sự tham gia của các bên liên quan.

D.Ngọc

Theo Huệ Bình

Người Lao động