Bác sĩ Hoàng Anh Dũng và tấm lòng vì quê hương

Là một trong những bác sĩ ghép tạng giỏi của Bỉ và châu Âu, Hoàng Anh Dũng đã được báo chí Bỉ đánh giá cao về tài năng và những thành công. Không chỉ vậy, bác sĩ người Việt này đã có đóng góp lớn trong việc phát triển ngành ghép thận tại Việt Nam.

 
Tháng 8/2009, anh đã được Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam trao tặng Bằng khen vì các cống hiến cho quê nhà trong những năm qua.

 Vị bác sĩ qua 2 trường Y Việt-Bỉ

 Tiến sĩ Hoàng Anh Dũng, quê Hà Tĩnh, xuất thân trong một gia đình có truyền thống y khoa. Cha anh là bác sĩ Hoàng Bá, nguyên Giám đốc Bệnh viện tỉnh Quảng Bình. Nối nghiệp gia đình, học xong phổ thông, Hoàng Anh Dũng thi vào trường Đại học Y Huế. Năm 1980, Hoàng Anh Dũng tốt nghiệp bác sĩ và về làm tại khoa Ngoại, Bệnh viện Quảng Ngãi, nơi cha anh đặt nền móng đầu tiên.

Năm 1990, Hoàng Anh Dũng sang Vương quốc Bỉ đoàn tụ cùng gia đình. Một cuộc sống mới bắt đầu nơi đất khách quê người. Anh bắt đầu bằng đủ thứ nghề: lau nhà, rửa chén bát, phục vụ quán ăn, làm nhân viên các viện dưỡng lão... "Làm để sống, ở đâu cũng thế!", anh giải thích một cách đơn giản. Hoàng Anh Dũng tính bỏ nghề Y để chuyển sang học Công nghệ Thông tin, nghề còn rất mới mẻ hồi đó. Nhưng sau 6 tháng trời làm bạn với máy tính, Dũng quyết định đi học Y trở lại. Đó là quyết định không hề dễ dàng bởi anh đã không còn trẻ nữa và bởi cuộc sống còn nhiều bức bách khác.

Anh xin học lại ngành Y ở Đại học ULB. Nhờ bằng tốt nghiệp Y khoa Việt Nam và kinh nghiệm hành nghề Y trong 10 năm tại bệnh viện Quảng Ngãi, Hoàng Anh Dũng được Hội đồng xét duyệt miễn giảm 5 năm (so với tổng cộng 7 năm) của khóa học. Và chỉ sau 2 năm anh đã lấy được bằng Y khoa tổng quát của Đại học ULB. Năm 1994, Hoàng Anh Dũng ra trường và hành nghề tự do để mưu sinh, ban đêm đi trực cấp cứu tại các bệnh viện với mức thù lao từ 300 - 700 USD/đêm. Anh tiếp tục đăng ký học ngoại khoa với thời gian 6 năm, nhờ khả năng xuất sắc và kinh nghiệm thực tế tại Việt Nam, sau khi phỏng vấn, Hội đồng Y khoa của Bộ Y tế Vương quốc Bỉ đã quyết định cho anh được giảm tiếp 3 năm học.

Vừa học vừa tìm cách giúp quê hương

Ngay từ những ngày đó, bác sĩ Hoàng Anh Dũng đã tìm cách giúp đỡ ngành Y trong nước. Từ năm 1995 đến 1998, anh đã cùng Giáo sư Christian Rondeux lập chương trình Phục hồi chức năng giúp cho Bệnh viện Quảng Ngãi, Bệnh viện Trung ương Huế và Đại học Y Huế; tổ chức Hội nghị Phục hồi chức năng Việt - Bỉ vào tháng 11/1997.

Sau khi nhận bằng tốt nghiệp Ngoại khoa tại Bỉ, năm 1999, bác sĩ Hoàng Anh Dũng cùng ba đồng nghiệp người Bỉ được nhận vào thử việc tại Khoa ghép tạng, Bệnh viện Erasme của Đại học ULB, một trong ba trung tâm ghép tạng lớn nhất ở Bỉ và toàn châu Âu. Lúc ấy, cấy ghép thận là một ngành khá mới mẻ đối với ngành Y khoa thế giới. Để nâng cao chuyên môn, ngoài việc đọc rất nhiều tài liệu, bác sĩ Dũng đã chịu khó đi sớm về khuya để tranh thủ học hỏi thêm ở các đồng nghiệp. Anh luôn là người đến bệnh viện sớm nhất, ra về muộn nhất. "Nhờ đã trải qua thực tế làm việc ở Việt Nam nên khi bắt tay vào việc, tôi học rất nhanh và có tay nghề khá nhờ vậy cũng tiến bộ rất đáng kể", bác sĩ Hoàng Anh Dũng kể.

Sau hai năm làm việc cho Bệnh viện Erasme, Hoàng Anh Dũng là người duy nhất trong 3 bác sĩ được Bệnh viện chính thức nhận vào làm việc. Không chỉ thế, tháng 4/2004, anh được ban Giám đốc Bệnh viện bổ nhiệm làm Phó Khoa ghép thận và tụy tạng (pancreas). Anh tiếp tục đào tạo thêm bốn bác sĩ nữa để cùng anh gánh vác công việc và bắt tay thực hiện ước nguyện của mình: trở về giúp ngành Y trong nước được nhiều hơn.

Những đóng góp xây dựng ngành ghép tạng trong nước

Ngay từ khi nhận bằng tốt nghiệp Bác sĩ Ngoại khoa tại Bỉ, bác sĩ Hoàng Anh Dũng đã trở về Việt Nam cùng với một giáo sư chuyên về tim mạch và một bác sĩ ngoại tiêu hóa để liên hệ giúp đỡ cho các bệnh viện trong nước. Sau đó, Hoàng Anh Dũng cùng bà Van Haelewijck B. - Chủ tịch Hội Thông tin hiến tạng - hiến mô thế giới, tổ chức các báo cáo chuyên đề về Hiến Tạng và Ghép Tạng còn mới lạ ở Việt Nam. Tổ chức các lớp tập huấn về Điều Phối Viên Ghép Tạng tại nhiều bệnh viện trong nước. Anh đã giúp Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện chương trình ghép thận tại Huế. Với sự hỗ trợ nhiều mặt của bác sĩ Hoàng Anh Dũng, tháng 3/2006, Trung tâm Ghép thận thứ 10 của Việt Nam đã chính thức ra đời. Cũng như Bệnh viện Trung ương Huế, đây là Trung tâm Ghép thận với quy trình hoạt động, kỹ thuật, phác đồ điều trị thuốc ức chế miễn dịch tương tự như Bệnh viện Erasme. Chuyến trở về tháng 8 và tháng 11/2006, anh giúp cho việc ra đời thêm hai trung tâm ghép thận vào đầu năm 2007 tại Bệnh viện Đa khoa Quy Nhơn và Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang. Bác sĩ Hoàng Anh Dũng cũng đã vận động giúp đỡ nhiều trang thiết bị y tế và những loại thuốc đặc trị đắt tiền cho các bệnh viện trong nước. Riêng tại tỉnh Kiên Giang, anh đã vận động đóng góp được các thiết bị y tế tổng cộng trên 30 tỷ đồng.

Những ghi nhận xứng đáng

Hàng năm, bác sĩ Hoàng Anh Dũng vẫn thường xuyên trở về Việt Nam để hỗ trợ cho chương trình ghép thận, trao đổi kỹ thuật, tham gia các hội nghị khoa học. Những chuyến về của anh vội vã, gấp gáp, có khi chỉ là tranh thủ đôi ba ngày nghỉ, có khi là một tuần lễ nhưng tất cả đều được anh lên "kín lịch". Thậm chí, khi bay từ Bruxelles đến Nội Bài trong khi chờ máy bay về Đà Nẵng, anh tranh thủ hẹn trước với các bác sĩ đồng nghiệp đến sân bay Nội Bài để cùng bàn bạc, trao đổi công việc. Hoàng Anh Dũng luôn tìm cách mời các bác sĩ tại Vương quốc Bỉ đến Việt Nam, tạo nhiều cơ hội để người bệnh có điều kiện được chữa trị tốt hơn và để ngành Y trong nước có nhiều cơ hội cọ xát, rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến. Đánh giá về trình độ ghép thận ở Việt Nam hiện nay, bác sĩ Hoàng Anh Dũng cho biết: "Bác sĩ Việt Nam làm được hết, không thua gì các bác sĩ ở Bỉ. Ghép thận là một quy trình khép kín nên nếu trao đổi, thảo luận trước thì không có gì khó khăn. Trình độ của bác sĩ Việt Nam làm rất tốt chỉ có điều khó khăn là phải hoàn chỉnh lại qui trình săn sóc cũng như rút ngắn thời gian cách ly và việc dùng thuốc ức chế miễn dịch sau ghép".

Với những thành công và tấm lòng dành cho quê hương, bác sĩ Hoàng Anh Dũng đã được tặng giải thưởng "Vinh danh đất Việt" 2006. Và Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam vừa được trao tặng trong năm nay cho thấy những nỗ lực không ngừng của anh vì những bệnh nhân trong nước. Thành tích xuất sắc trong ngành Y của bác sĩ Hoàng Anh Dũng cũng đã trở thành đề tài cho một bộ phim tài liệu mang tên Sự sống hồi sinh của Đài truyền hình Bỉ.                

           Vũ Anh Tuấn 
Tổng hợp