1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kỳ họp lưỡng hội Trung Quốc

Bắc Kinh tìm chiến lược lớn từ trục chính kinh tế

(Dân trí) - Kỳ họp thứ 4 Chính hiệp Trung Quốc khoá XI đã mở màn cho kỳ họp lưỡng hội mà trọng tâm sẽ bàn về xây dựng và thực thi Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 - một chiến lược lớn sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Trung Quốc và thậm chí cả thế giới.

 
Bắc Kinh tìm chiến lược lớn từ trục chính kinh tế - 1
Kỳ họp thứ 4 Chính hiệp Trung Quốc khoá XI đã khai mạc chiều 3/3

Lưỡng hội và những vấn đề “nóng”

Kỳ họp lưỡng hội gồm kỳ họp thứ 4 của Chính hiệp Trung Quốc khóa XI (Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn quốc) và kỳ họp thứ 4 của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc khóa XI (Quốc hội, sẽ diễn ra ngày 5/3).

Chính hiệp Trung Quốc được thành lập vào trước ngày ra đời của Nước cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, ngày 21/9/1949. Hội nghị toàn thể lần thứ nhất của Chính hiệp Trung Quốc đã thay mặt Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc-Cơ quan quyền lực tối cao nhà nước Trung Quốc thông qua bản "Cương lĩnh chung hiệp thương chính trị Trung Quốc" mang tính chất Hiến pháp lâm thời, tuyên bố thành lập Nước cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trong tình hình chưa đủ điều kiện để triệu tập Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lúc đó.

Ủy ban toàn quốc Chính hiệp Trung Quốc là cơ quan hiệp thương và tham vấn cao nhất của Trung Quốc. Thành phần gồm đại biểu của đảng cộng sản Trung Quốc, các đảng phái dân chủ, nhân sĩ không đảng phái, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc thiểu số và các tầng lớp xã hội, đại biểu đặc khu hành chính Hồng Kông, Ma-cao, đồng bào Đài Loan, kiều bào về nước và các nhân sĩ được mời đặc biệt, đại diện cho 34 tầng lớp, có tính đại diện rộng rãi về mặt tổ chức. Nhiệm kỳ của ủy ban toàn quốc Chính hiệp Trung Quốc là 5 năm, mỗi năm họp hội nghị toàn thể một lần.

Mối quan hệ giữa Chính hiệp, quốc hội và Chính phủ là Chính hiệp tiến hành hiệp thương trước khi vạch quyết sách, Quốc hội đưa ra quyết sách sau khi hiệp thương, Chính phủ là người thực hiện quyết sách, ba cơ quan này thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc, phân công và hợp tác, thực hiện nhiệm vụ của mình. Đây là thể chế chính trị phù hợp tình hình Trung Quốc và mang đặc sắc Trung Quốc. Chính hiệp có vị thế quan trọng trong thể chế này.

Theo các nhà phân tích Trung Quốc, tại kỳ họp lưỡng hội lần này, bên cạnh việc thông qua báo cáo chính hiệp, báo cáo chính phủ như thường lệ còn tập trung vào một chương trình nghị sự khác rất quan trọng là thẩm định và phê chuẩn những nội dung kiến nghị của “kế hoạch 5 năm lần thứ 12”. Các đại biểu sẽ thảo luận để tìm kiếm biện pháp đẩy nhanh sự thay đổi kết cấu, khắc phục tình trạng mất cân bằng, không hài hòa và thiếu bền vững của nền kinh tế nhằm bảo đảm, cải thiện chất lượng cũng như môi trường sống của người dân.

Theo những kiến nghị đề ra trong “kế hoạch 5 năm lần thứ 12”, Trung Quốc sẽ thúc đẩy cải cách trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội. Những cuộc điều tra xã hội về mức độ quan tâm đến kỳ họp lưỡng hội của người dân Trung Quốc gần đây cho thấy vấn đề bảo hiểm xã hội đã trở thành điểm “nóng”, thu hút sự quan tâm của dư luận nhiều nhất. Điều này chứng tỏ mọi người rất chú trọng đến hiệu quả của các nội dung cải cách, rốt cuộc có thể mang lại lợi ích gì cho người dân. Do đó, các nhà lãnh đạo cần phải nỗ lực và quyết đoán hơn.

Trước vấn đề lạm phát đang là bài toán nan giải đối với Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm đời sống xã hội của người dân. Lưỡng hội chắc chắn sẽ phải đề cập đến vấn đề đang là tiêu điểm quan tâm của dư luận Trung Quốc trong những năm gần đây như đảm bảo công bằng xã hội, quyền lợi của người, chống tham ô, cải cách y tế của người dân, giải quyết những vấn đề phức tạp như ô nhiễm môi trường, tắc đường và giá cả tăng cao…

“Kế hoạch 5 năm lần thứ 12” – một chiến lược lớn

"Kế hoạch 5 năm lần thứ 12" đã được Hội nghị Trung ương 5 Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua ngày 18/10/2010, đưa ra những nhiệm vụ cải cách quan trọng trong các mặt, trong đó lấy chuyển dịch phương thức phát triển kinh tế làm trục chính, tìm cách đạt được “những đột phá lớn” trong tiến trình tái cơ cấu kinh tế ở giai đoạn này.

Theo dự kiến, toàn bộ chi tiết của "Kế hoạch 5 năm lần thứ 12" chỉ được công bố chính thức tại phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc vào ngày 5/3 này, nhưng thông cáo chung bế mạc Hội nghị Trung ương 5 Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10 năm ngoái đã đề cập đến các nguyên tắc và ưu tiên cho phát triển, dù không nêu các mục tiêu cụ thể. Vấn đề nổi bật là cần có những nỗ lực để bảo đảm và cải thiện đời sống người dân, điều chỉnh hợp lý phân phối thu nhập. Ngoài ra, đáng chú ý, thông cáo chung đã đề cập đến cải cách chính trị, với tuyên bố Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thực hiện những nỗ lực “tích cực song vững chắc” để thúc đẩy “tái cơ cấu chính trị”.

Kế hoạch “5 năm lần thứ 12” được cho là 5 năm quan trọng đối với sự phát triển tới đây của Trung Quốc, là giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng xã hội hài hòa toàn diện vào năm 2020, và là kế hoạch mở màn 5 năm đầu tiên cho sự phát triển trong 30 năm tới của nước này. Đây là 5 năm quan trọng thúc đẩy tiêu dùng của người dân, thúc đẩy đô thị hóa, thúc đẩy bình đẳng hóa dịch vụ công cộng cơ bản, đẩy mạnh nền “kinh tế ít cácbon”, thực hiện phát triển xanh.

Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển, tổng giá trị quốc nội bình quân đầu người mới gần 4.000 USD, xếp khoảng vị trí thứ 100 trong tổng số 181 quốc gia và vùng lãnh thổ; theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc vẫn còn khoảng hơn 100 triệu người nghèo. Sự chênh lệch giữa các khu vực và giữa thành thị với nông thôn của Trung Quốc đang có xu thế ngày một lớn. Cải cách của Trung Quốc còn trong giai đoạn giải quyết các vấn đề khó khăn nhất, chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế. Phương thức tăng trưởng kiểu “quảng canh” của Trung Quốc vẫn chưa có sự thay đổi cơ bản, tài nguyên bị hao mòn, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cái giá phải trả cho sự tăng trưởng kinh tế lớn, mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế-xã hội và tài nguyên môi trường khá nổi cộm.

Buôn bán của Trung Quốc với các nước hiện đã ở mức khá lớn, kim ngạch nhập khẩu tương đương khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội. Hiệp định tự do thương mại giữa ASEAN-Trung Quốc sẽ khiến lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc tăng. Sự tăng trưởng kinh tế mà Trung Quốc theo đuổi là sự tăng trưởng rộng khắp, để thành quả phát triển kinh tế đến với toàn thể người dân. Trung Quốc hiện đang ở vào giai đoạn kinh tế phát triển nhanh, xã hội chuyển mình nhanh và mâu thuẫn nổi cộm, lại là một đất nước chịu nhiều thiên tai.

Giới phân tích cho rằng, vì những đặc điểm trên, trong “Kế hoạch 5 năm lần thứ 12”, Trung Quốc sẽ chú trọng đến một loạt vấn đề then chốt: tiếp tục duy trì phát triển kinh tế tương đối nhanh và ổn định; giải quyết vấn đề phát triển mất cân bằng, không ngừng nâng cao mức thu nhập và mức chi tiêu của người nông dân; cải cách sáng tạo, đẩy nhanh việc điều chỉnh kết cấu ngành nghề, phát triển các ngành nghề mới mang tính chiến lược và kỹ thuật cao; chú trọng phát triển xanh; kiên trì chiến lược mở cửa cùng có lợi, lấy nhiệm vụ quan trọng của cân đối vĩ mô là cân bằng thu chi, phát triển cân đối giữa thu hút đầu tư bên ngoài và đầu tư ra nước ngoài; thúc đẩy hài hòa, đặc biệt coi trọng bảo đảm và cải thiện dân sinh, đẩy nhanh phát triển xã hội, giải quyết các vấn đề mà người dân quan…

Những bước đi đề cập trong “Kế hoạch 5 năm lần thứ 12” được giới phân tích trong và ngoài nước đánh giá là một chiến lược lớn sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Trung Quốc và thậm chí cả thế giới trong 5 năm tới.

Nguyễn Viết