1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ảrập Xêút - mảnh đất “màu mỡ” cho công nghiệp quốc phòng Mỹ

(Dân trí) - Quốc vương Salman đã có cuộc gặp Tổng thống Obama tại Nhà Trắng ngày 4/9 trong chuyến công du Mỹ đầu tiên sau 8 tháng kế vị nhằm thảo luận một loạt vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề mua vũ khí từ Mỹ.

 

Ảrập Xêút - mảnh đất “màu mỡ” cho công nghiệp quốc phòng Mỹ - 1

Tổng thống Mỹ Obama gặp Quốc vương Salman tại Nhà Trắng ngày 4/9 (Ảnh: AP)

Theo tờ International Business Times, cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Ảrập Xêút lo ngại về việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran. Ảrập Xêút đã liên tục tăng chi ngân sách quốc phòng trong những năm gần đây. Trong cuộc gặp lần này, Quốc vương Salman có thể sẽ hối thúc Mỹ tiếp tục duy trì cam kết đảm bảo an ninh cho quốc gia Trung Đông này.

Chuyên gia phân tích quân sự Chris Harmer thuộc Viện Nghiên cứu chiến tranh nhận định: “Cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ đối với Ảrập Xêút 10 năm trước không cần bàn cãi, nhưng hiện giới chức Ảrập Xêút không còn yên tâm như trước và bắt đầu lo ngại sau khi Mỹ đạt được một Hiệp định hạt nhân với Iran gần đây”.

Việc Ảrập Xêút tăng cường chi tiêu cho quốc phòng trong những năm gần đây đã giúp một số công ty sản xuất vũ khí Mỹ - gồm Boeing, Northrop Grumman, và General Dynamics - thu về hàng chục tỷ USD. Chỉ riêng mấy tháng đầu năm nay, quốc gia Trung Đông này đã chi gần 6 tỷ USD để mua vũ khí.

Ảrập Xêút đang đàm phán mua hai tàu khu trục với công ty sản xuất vũ khí Lockheed Martin sau khi ký một số hợp đồng mua máy bay chiến đấu trị giá 33,5 tỷ USD với công ty Boeing. Tháng 2 năm ngoái, quốc gia Ả rập này cũng ký một hợp đồng trị giá 13 tỷ USD với Công ty General Dynamic để nhập khẩu các trang thiết bị quân sự hạng nhẹ.

Ảrập Xêút hiện là nước mua vũ khí hàng đầu thế giới và đứng thứ 3 về ngân sách dành cho quốc phòng, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Tính đến cuối 2014, tổng chi ngân sách quốc phòng của Ảrập Xêút lến đến 80,8 tỷ USD, theo báo cáo của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS). Trong thập kỷ qua, ngân sách dành cho quốc phòng của Ả rập Xê út tăng 4 lần.

Trái ngược với người tiền nhiệm, Tổng thống Obama chủ yếu dựa vào các quốc gia đồng minh Trung Đông để duy trì an ninh tại khu vực, trong đó có tăng cường quân đội tại Iraq và Syria và cung cấp thiết bị quân sự hiện đại cho Ảrập Xêút.

Gần đây một loạt những bất ổn đã xảy ra tại Trung Đông trong bối cảnh Mỹ đang cắt giảm ngân sách quốc phòng. Syria đang bị sa lầy vào nội chiến, miền Nam Yemen bất ổn sau khi Ảrập Xêút không kích nhóm phiến loạn Houthi, trong khi tại miền Đông Ảrập Xêút khủng bố nhắm vào người Hồi giáo Shiite.

Chuyên gia nghiên cứu Trung Đông Anthony Cordesman thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) trụ sở tại Washington nhận định: “Mỹ đã đạt được một bước tiến quan trọng trong việc thay đổi lập trường của Ảrập Xêút về thách thức thực sự từ Iran”.

Ông Ken Pollack, quan chức cao cấp thuộc Viện Brookings trụ sở tại Washington, cũng chia sẻ có nhiều lý do đằng sau việc Ảrập Xêút tăng ngân sách quốc phòng vì giới chức nước này xem việc mua vũ khí từ Mỹ là một cách để níu kéo Mỹ không rút khỏi quốc gia Trung Đông này.

Đây có thể xem là một toan tính cho cả phía Mỹ và Ả rập Xê út được duy trì trong nhiều thập kỷ qua. Mỹ mua dầu từ Ảrập Xêút còn Ảrập Xêút lại dùng tiền thu được từ xuất khẩu dầu mỏ mua vũ khí của Mỹ, ông Pollack nói.

“Việc Ảrập Xêút mua vũ khí từ Mỹ chủ yếu nhằm duy trì quan hệ quân sự với Mỹ. Quốc gia Trung Đông này không yên tâm việc Mỹ rút khỏi khu vực”, ông Pollack nói.

Hiện Ảrập Xêút đang tìm kiếm các đồng minh khác ngoài Mỹ trong khi mối nghi kỵ với Mỹ gia tăng gần đây.

Ảrập Xêút công bố một loạt các dự án đầu tư vào Nga trong khi phía Nga xem xét xuất khẩu vũ khí hạng nặng cho quốc gia Ảrập này. Ảrập Xêút cũng coi Trung Quốc là nước đồng minh, mặc dù cả Nga và Trung Quốc đều chưa gắn kết lợi ích với quốc gia vùng vịnh này do là đồng minh của Mỹ.

Vũ Duy

Theo International Business Times