1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Anh, Pháp ký thỏa thuận hạt nhân dân sự

(Dân trí) - Anh, Pháp vừa ký thoả thuận hợp tác hạt nhân dân sự, mở đường để xây dựng một loạt nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới tại Anh. Thoả thuận được ký kết 11 tháng sau thảm họa động đất-sóng thần tại Nhật Bản gây quan ngại cho ngành điện hạt nhân thế giới.

Anh, Pháp ký thỏa thuận hạt nhân dân sự - 1
 
Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chia sẻ niềm vui sau lễ ký.

Thỏa thuận được Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ký tại Hội nghị song phương về năng lượng hạt nhân và hợp tác quốc phòng diễn ra ở thủ đô Paris (Pháp).

Theo thoả thuận này, chính phủ hai nước sẽ cùng làm việc với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để tăng cường khả năng ứng phó khi xảy ra các trường hợp khẩn cấp về hạt nhân ở quy mô quốc tế.

Ngoài ra, hai bên cũng sẽ thiết lập khuôn khổ hợp tác chung và dài hạn cho việc trao đổi kinh nghiệm và sản xuất năng lượng hạt nhân giá rẻ nhằm hỗ trợ tăng trưởng và cắt giảm khí thải CO2.

Chính phủ Anh cho biết thỏa thuận sẽ mang lại một số hợp đồng thương mại trị giá hơn 500 triệu USD và tạo ra 1.500 việc làm cho Vương quốc Anh. Tập đoàn Rolles-Royce, Keir/BAM Nuttal của Anh và Areva, EDF của Pháp là những đơn vị thực hiện các hợp đồng này.

Anh dự kiến đến năm 2025 sẽ xây thêm 8 nhà máy điện hạt nhân, nâng tổng số nhà máy điện hạt nhân trong cả nước lên 25 chiếc.

Thỏa thuận được ký kết 11 tháng sau thảm họa động đất - sóng thần ở Nhật Bản làm hư hại nặng Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số I và gây ra thảm hoạ hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau thảm hoạ nguyên tử Chernobyl ở Ukrania hồi tháng 4/1986.

Theo kết quả cuộc thăm dò tiến hành cuối năm 2011 đối với hơn 20.000 người ở 23 quốc gia trên thế giới, đa số người được hỏi cho biết họ phản đối xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Tại Nhật Bản, tỷ lệ này là 76 -  84%, tại Anh là 37%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng trên thế giới ngày càng tăng, trong khi các nguồn năng lượng hoá thạch đang có nguy cơ cạn kiệt dần thì việc phát triển hạt nhân dân sự dường như đang trở thành cứu cánh đối với nhiều quốc gia trên thế giới, cả phát triển lẫn đang phát triển.

Vũ Anh
Theo Reuters