1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ăn đồ thừa ở Bắc Kinh

Xô hết bàn này đến bàn khác, họ chén sạch bất kỳ món ăn nào còn thừa lại trên các bàn ăn trong những nhà hàng ở Bắc Kinh. Người ta gọi họ là “hội ăn đồ thừa”.

“Đó chỉ là chuyện tiết kiệm thức ăn thôi. Có gì đáng xấu hổ đâu”, Liu, một người chính gốc Bắc Kinh chuyên đi lượm đồ ăn thừa đã hai năm nay. “Vì thất nghiệp, tôi phải tiết kiệm từng xu cho con trai tôi học đại học”.  

 

Liu là một trường hợp hiếm trong “hội ăn đồ thừa”. Đại đa số là những người lang thang hoặc những người lao động từ các nơi đổ về thủ đô giàu có để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Họ không bao giờ xin tiền hay đồ ăn, cũng không ăn mặc rách rưới. Một số còn có những công việc tạm thời. Đa phần không có nơi ở ổn định trong thành phố, nơi giá nhà cao ngất ngưởng.

 

Bai Jianhua, 42 tuổi, sống nhờ vào khoản thu nhập ít ỏi, và thường xuyên ghé vào một quán ăn tìm đồ ăn thừa vài lần mỗi tuần. Ông nhận xét nhặt đồ ăn thừa không chỉ giúp cho ông thay đổi khẩu vị mà còn là một cách hay để tiết kiệm chi tiêu.

 

“Tôi rời quê nhà lên Bắc Kinh với hy vọng lập nên sự nghiệp”, ông tâm sự, ánh mắt chán chường và khuôn mặt chai sạn khiến người đàn ông trông già hơn nhiều so với tuổi.

 

“Tôi không biết nấu nướng. Ăn ở đây cũng không tệ, nhưng vì tôi không ngồi cùng ai, nên người ta đôi khi nhìn tôi dò xét”, Bai tâm sự, trong khi thọc tay vào balô để lấy thêm một điếu thuốc.

 

“Có thể là họ không còn con đường nào khác”, một khách hàng bình luận. “Miễn là họ đừng quấy rầy ai. Tôi không phản đối gì”.

 

Nhưng cũng có một số người không thích điều này. Một cô gái nói rằng cô rất ngượng khi có người cứ nhìn cô ăn chờ đồ thừa.

 

"Trông họ không khác gì những khách hàng bình thường", chủ nhà hàng cho biết. “Việc ăn đồ thừa không trái luật hay quy định gì cả. Nhà hàng không có quyền cấm họ vào”.

 

Lãng phí thức ăn không chỉ là hiện tượng thường thấy tại các nhà hàng trong thành phố. Một căng tin sinh viên ở Đại học Nông nghiệp Nội Mông mỗi ngày vứt đi 480 kg thức ăn.

 

Hiện nay ở Trung Quốc, 23 triệu người sống trong cảnh nghèo khổ, thu nhập dưới 1 USD/ngày.

 

Theo M.C.

Vnexpress/China Daily