1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Ấn Độ đòi Anh trả lại viên kim cương "khủng" trên vương miện hoàng gia

(Dân trí) - Chính phủ Ấn Độ nói rằng họ vẫn đang tìm cách đòi lại viên kim cương Koh-i-noor vô giá từ Vương quốc Anh, mặc dù Tòa án tối cao Ấn Độ, nơi đang xem xét đơn kiện đòi lại Koh-i-noor, khẳng định rất khó để làm được việc này.


Viên kim cương Koh-i-noor được gắn trên vương miện của Hoàng gia Anh (Ảnh: Reuters)

Viên kim cương Koh-i-noor được gắn trên vương miện của Hoàng gia Anh (Ảnh: Reuters)

Ngày 18/4 vừa qua, ông Ranjit Kumar, thuộc Hội đồng cố vấn pháp luật của chính phủ Ấn Độ, cũng là đại diện của chính phủ Ấn Độ trong vụ việc đòi lại viên kim cương, đã nói trong phiên điều trần trước Tòa án tối cao rằng, “viên kim cương Koh-i-noor không phải bị đánh cắp, cũng không bị lấy đi bằng vũ lực”. Cũng theo ông Ranjit Kumar, viên đá quý 105 carat được “trao tặng” cho Vương quốc Anh vào năm 1849.

Mặc dù vậy, Bộ Văn hóa Ấn Độ hôm 19/4 tuyên bố chính phủ Ấn Độ “vẫn tiếp tục dốc hết sức để theo đuổi việc lấy lại viên kiêm cương Koh-i-noor theo cách thuận tình nhất”.

Bộ Văn hóa cho biết thêm, những nhận định của ông Ranjit Kumar trước Tòa án tối cao có thể sẽ khiến người Ấn Độ ngạc nhiên nhưng bình luận đó không đại diện cho quan điểm của chính phủ Ấn Độ. Chính phủ vẫn chưa đệ trình văn bản chính thức lên tòa tối cao.

Tòa án tối cao Ấn Độ đã tổ chức phiên điều trần về vụ việc trên sau khi một tổ chức phi chính phủ của Ấn Độ nộp đơn yêu cầu tòa án phải chỉ thị cho chính phủ Ấn Độ đòi lại viên kim cương Koh-i-noor.

Viên kim cương Koh-i-noor nằm trong tay Hoàng gia Anh từ thế kỷ 19, được đặt trên vương miện nữ hoàng Anh và hiện được trưng bày tại Tháp London.

Việc sở hữu viên kim cương nổi tiếng này mang ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với người Ấn Độ và họ tin rằng nước Anh đã lấy cắp báu vật này của họ.

Năm 2009, Tushar Gandhi, chắt trai của nhà lãnh đạo Ấn Độ Mahatma Gandhi, đã khẳng định rằng viên kim cương nên được trả lại cho Ấn Độ như một “cách chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ của thực dân Anh”.

Tuy nhiên, các đời thủ tướng Anh chưa khi nào chấp thuận đề nghị này. Gần đây nhất, Thủ tướng David Cameron cũng tuyên bố việc trả lại viên kim cương sẽ là “tiền lệ không bao giờ có” ở nước Anh.

Trong chuyến thăm tới Ấn Độ năm 2010, ông Cameron từng nói rằng: “Nếu bạn nói rằng bạn sẽ trả lại nó (viên kim cương), bạn sẽ đột nhiên thấy rằng Bảo tàng Anh sẽ chẳng còn thứ gì khác nữa”.

Viên kim cương Koh-i-noor được gắn trên vương miện mà Hoàng thái hậu Elizabeth đã đội trong lễ đăng quang của chồng bà, đức Vua George VI, vào năm 1937 và được đặt trên quan tài khi bà qua đời năm 2002.

Viên kim cương Koh-i-noor, có nghĩa là “ngọn núi ánh sáng” theo tiếng Ba Tư, là viên kim cương nổi tiếng nhất trên vương miện Hoàng gia Anh. Nó trở thành món đồ tranh chấp trong nhiều thế kỷ, từng qua tay hoàng tử xứ Mughal, các chiến binh Iran, những nhà cầm quyền ở Afghanistan và các Maharaja (hoàng đế) ở vùng Punjab.

Bản vẽ của viên kim cương Koh-i-noor từ năm 1860 (Ảnh: Getty Images)
Bản vẽ của viên kim cương Koh-i-noor từ năm 1860 (Ảnh: Getty Images)

Ban đầu, viên kim cương được tìm thấy ở mỏ Golconda (Ấn Độ) và có trọng lượng 186 carat. Trước khi được trao cho Vương quốc Anh, viên kim cương nằm trong tay hoàng đế của vương quốc Sikh, cũng là vị quân vương cuối cùng của Ấn Độ sở hữu viên đá quý Koh-i-noor. Năm 1849, Vương quốc Anh giành thắng lợi trong cuộc chiến giữa Anh và Sikh. Sau đó, Vua Sikh, lúc đó mới 10 tuổi, đã ký Hiệp ước trao viên kim cương này cho Vương quốc Anh trước khi thoái vị.

Viên kim cương Koh-i-noor sau đó được đưa về nước Anh. Nhưng kiểu cắt ban đầu hình hoa hồng của viên kim cương không gây được ấn tượng với du khách tới triển lãm Great Exhibition năm 1851. Vì vậy, nó được cắt gọt lại thành viên kim cương hình bầu dục có màu sắc tươi sáng hơn mặc dù khối lượng bị giảm đi 40%, xuống còn 105,6 carat như hiện tại.

Nhiều người cho rằng bởi vì lịch sử kéo dài và đẫm máu của viên kim cương Koh-i-noor nên bất kỳ người đàn ông nào mang nó trên người cũng có thể gặp xui xẻo. Ngoài Ấn Độ, người dân Pakistan cũng muốn viên kim cương này quay trở về lục địa Ấn Độ, mặc dù nước nào là chủ nhân thực sự của báu vật này cho đến nay vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Thành Đạt

Tổng hợp