1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ấn Độ đẩy mạnh phát triển vũ khí năng lượng công nghệ cao

(Dân trí) - Hãng tin Sputnik ngày 28/3 dẫn các nguồn tin ở Ấn Độ cho biết Tổ chức Phát triển và Nghiên cứu Quốc phòng của Ấn Độ (DRDO) đang phát triển vũ khí sử dụng năng lượng trực tiếp (DEW) có công suất 10 kilowat để đối phó với các nguy cơ từ máy bay không người lái.


(Ảnh minh họa: Sputnik)

(Ảnh minh họa: Sputnik)

Thông báo của DRDO cho biết cơ quan này đang hoàn thiện loại vũ khí năng lượng với "sự kết hợp giữa các công nghệ theo dõi và định vị chính xác với chùm tia laser".

Loại vũ khí này từng được thử nghiệm thành công tại Trung tâm Khoa học và Hệ thống Năng lượng Cao (CHESS) tại Ấn Độ với độ cao lên tới hơn 790m. Ngoài ra, một cuộc thử nghiệm khác cho quân đội cũng được thực hiện tại Phòng Nghiên cứu Tên lửa Đạn đạo hồi tháng 9 năm ngoái.

Theo tờ Times of India, DRDO đang ưu tiên phát triển DEW, đồng thời vạch ra "lộ trình phát triển và hoàn thiện công nghệ này trong 15 năm".

DRDO khẳng định cơ quan này đã chế tạo được những hệ thống vũ khí DEW cỡ nhỏ. Bao gồm các thiết bị được phát triển để phá bom và các thiết bị không người lái của đối phương.

Về dài hạn, DRDO có kế hoạch phát triển các loại vũ khí laser sử dụng các công nghệ khác nhau và loại laser có công suất 25 kilowat để đánh chặn tên lửa đạn đạo của đối phương ở cách xa khoảng 7km.

Ấn Độ ưu tiên đặt các hệ thống DEW trên máy bay và tàu chiến nhưng đây lại là một thách thức vì sản xuất ra một chùm tia năng lượng trên hệ thống di động không phải điều dễ thực hiện.

Trên thế giới, nhiều cường quốc cũng đang theo đuổi kế hoạch phát triển vũ khí sử dụng năng lượng trong tương lai. Trung Quốc, Nga và Mỹ đều đã đạt được những bước tiến trong quá trình nghiên cứu laser sử dụng năng lượng cao và công nghệ vi sóng, được cho là có thể làm thay đổi cục diện chiến trường.

Do đó, hệ thống vũ khí DEW được đánh giá mang lại nhiều phương án hữu hiệu như chi phí sản xuất thấp và hệ thống đạn dược hỗ trợ chỉ cần nguồn năng lượng. Bên cạnh đó, mọi hệ thống DEW khi sử dụng không gây tiếng ồn và giới hạn số thương vong.

Hồi đầu tháng này, tập đoàn công nghệ Lockheed Martin của Mỹ đã đề cập tới khả năng sản xuất vũ khí sử dụng năng lượng.

Trong một thông báo, Giám đốc phụ trách phát triển mảng DEW của Lockheed Martin, ông Paul Shattuck cho biết: "Các công nghệ đã được phát triển. Có thể gói gọn chúng sao cho đáp ứng những điều kiện để gắn vào những phương tiện chiến thuật như trên tàu chiến, trên phương tiện vận tải hay trên máy bay".

Trong khi đó, Hải quân Mỹ cũng từng nhắc tới quá trình phát triển các hệ thống DEW của Nga trong một báo cáo hồi tháng 12 năm ngoái.

Ngọc Anh

Theo Sputnik