1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

5 MC truyền hình Ảrập nghỉ việc vì tranh cãi trang phục

(Dân trí) - 5 nữ MC của kênh truyền hình tin tức Ảrập Al-Jazeera đã đồng loạt xin nghỉ việc sau khi bị cấp trên chỉ trích là ăn mặc không thích hợp.

 
5 MC truyền hình Ảrập nghỉ việc vì tranh cãi trang phục - 1

Nữ MC truyền hình người Li-băng Jumana Namur.

Trong một cuộc tranh cãi gây chia rẽ nội bộ Al-Jazeera, 5 người dẫn chương trình truyền hình đã phàn nàn về sự chỉ trích từ một quan chức, người mà họ cáo buộc là đưa ra “những bình luận công kích” về vẻ bề ngoài của họ.

Sau khi kênh truyền hình từ chối ủng hộ họ, 5 phụ nữ - một số người là những gương mặt nổi tiếng nhất tại Trung Đông nhờ vào uy tín của kênh truyền hình này - đã đồng loạt xin nghỉ việc. 3 người khác tỏ thái độ phản đối nhưng vẫn ở lại kênh truyền hình.

Một cuộc điều tra nội bộ sau đó khẳng định vị quan chức - phó tổng giám đốc Ayman Jaballah - vô tội và xác nhận kênh truyền hình có quyền hướng dẫn về cách ăn mặc của các người dẫn chương trình.

Các MC liên quan tới vụ tranh cãi trên là Jumana Nammour, Lina Zahr al Deen Jullinar Mousa tới từ Li-băng, và Luna al-Shibl, người Syria và Nawfar Afli, người Tunisia. Tất cả đều là các phụ nữ xuất thân từ giới thượng lưu tương đối ôn hòa.

5 MC xuất hiện trên truyền hình với mái tóc để xoã, đối lập với các nữ MC của Al-Jazeera. Ngoài ra, các cô này cũng trang điểm rất đậm. Theo các nguồn tin nội bộ, đã xảy ra một cuộc tranh cãi gay gắt giữa hai bên khi ông Jaballah liên lục nhắc nhở về chuyện trang phục và phong thái của các MC.

Al-Jazeera từ lâu đã trở thành kênh truyền hình vệ tinh được yêu thích nhất tại Trung Đông kể từ khi ra đời năm 1996, phá vỡ “thành trì” vốn phần lớn bị chiếm lĩnh bởi các kênh truyền hình quốc gia được các nhà nước hỗ trợ. Al-Jazeera được Tiểu vương Qatar thành lập và đặt trụ sở tại thủ đô Doha của Qatar. Tranh cãi trên đã cho thấy những khó khăn mà Al-Jazeera phải đối mặt trong tham vọng trở thành “bản sao” của BBC tại Trung Đông.
 
Nhưng Al-Jazeera cũng bị Washington chỉ trích mạnh mẽ khi Mỹ cáo buộc kênh truyền hình này trở thành đài phát thanh của các phần tử cực đoan Hồi giáo, chủ yếu tại Iraq, nơi kênh này đã bị cấm hoạt động kể từ năm 2004.

Mạng lưới truyền hình này có vài kênh, trong đó có kênh Al-Jazeera bằng tiếng Anh.

An Bình
Theo AFP, Telegraph