1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khủng hoảng ở Thái Lan:

2 người chết, kinh tế bị ảnh hưởng

(Dân trí) - Đã có thiệt hại về người trong các cuộc phản đối leo thang trên các đường phố thủ đô Bangkok, trong khi kinh tế phụ thuộc vào du lịch Thái Lan đã hiển hiện những tác động tiêu cực và dư luận bắt đầu suy đoán khả năng kịch bản nào sẽ tiếp diễn.

2 người chết, kinh tế bị ảnh hưởng - 1
2 người chết, 94 người bị thương

 

Đêm qua, một nhóm biểu tình áo đỏ đã xung đột với hơn 100 người dân ở chợ Mahanak. Phe áo đỏ đã bắn chết 2 dân thường, 10 người khác bị thương.

 

Kênh truyền hình PBS trước đó đưa tin 94 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát, trong đó 24 người trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ và nguồn tin quân đội khẳng định không có nạn nhân nào bị chết. Cho tới giờ này, chưa có bệnh viện nào xác nhận có người bị thương do trúng đạn. 

 

Những vụ đụng độ dữ dội vẫn tiếp diễn. Hiện giờ, lực lượng an ninh đặt mục tiêu “dọn sạch” các khu phố khác và giải tán khoảng 10 ngàn người biểu tình còn đang bao vây trụ sở chính phủ. 

 

Xuất hiện trên truyền hình 11 giờ đêm qua, Thủ tướng Ahbisit khẳng định tình hình tại Bangkok đã được kiểm soát sau một ngày đụng độ với những người biểu tình phản đối chính phủ. Ông tuyên bố rằng người dân được quyền biểu tình một cách hòa bình, nhưng không được phép gây bạo động hay kích động người khác.

 

Vài giờ trước đó, ông đã ra lệnh thành lập Ban Chỉ huy thực thi Luật tình trạng báo động. Chủ tịch Thượng viện Thái Lan Prasobsook Boondech cho biết hôm nay, 14/4, Thượng viện sẽ tổ chức hội nghị khẩn cấp để thảo luận tình hình chính trị hiện nay.

 

Trong khi đó, từ một nơi nào không rõ, cựu Thủ tướng Thaksin tố cáo trên đài truyền hình CNN là chính phủ Abhisit “đã dấu nhẹm tin tức nhiều người thiệt mạng vì bị cảnh sát chống biểu tình đàn áp”. Các viên chức Thái Lan đã phủ nhận lời tố cáo của ông này.

 

Ảnh hưởng hiển hiện

 

Các khu khác trong thành phố Bangkok yên tĩnh, khác với không khí nhộn nhịp hàng năm vào dịp này, khi người Thái ăn Tết cổ truyền Songkran. Khách du lịch tỏ ra lo lắng trước tình hình bất ổn ở thủ đô, nhiều người đổi vé về nước sớm.

 

Nhiều quốc gia đã chính thức kêu gọi kiều dân không nên đến Thái Lan hoặc ít nhất nên tránh có mặt tại những nơi đang có biểu tình, trong đó có Australia, Philippine, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhiều nước châu Âu trong đó có Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha cũng chính thức kêu gọi dân trong nước nên tránh tới Bangkok và vùng lân cận nếu không cần thiết. Những khuyến cáo này chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho ngành du lịch Thái Lan vừa gượng lại sau những biến động chính trị cuối năm ngoái, cũng do biểu tình chống chính phủ lúc đó.

 

Du lịch là một động lực của nền kinh tế, đóng góp tới 6% trong thu nhập quốc gia và sử dụng từ 1,2 đến 1,8 triệu lao động. Bình thường, mỗi năm Thái Lan đón tiếp khoảng 14 triệu lượt du khách ngoại quốc. Giới chuyên gia cảnh báo nếu Thái Lan không tái lập được trật tự, ổn định trước tháng 5 năm nay, số du khách đến nước này sẽ giảm mạnh, thậm chí dưới 10 triệu lượt người. Chủ tịch Hiệp hội các công ty du lịch Thái Lan dự báo, nếu tình hình không được giải quyết nhanh chóng thì trong năm nay, ngành du lịch sẽ phải sa thải ít nhất 200 ngàn người.

 

Ngân Hàng Phát triển Á Châu và những ngân hàng quốc tế khác cho rằng xung đột chính trị tại Thái Lan có thể có nghĩa là nền kinh tế sẽ sụt giảm 5% trong năm nay, thay vì chỉ 2% như dự đoán trước đó.

 

Kịch bản nào tiếp theo?

 

2 người chết, kinh tế bị ảnh hưởng - 2


Tình hình ở Thái Lan vẫn rất căng thẳng.
 
Chính Thủ tướng Ahbisit giải thích, nhìn bề ngoài, các hành động của phe áo đỏ giống các vụ bạo động xảy ra hồi cuối năm ngoái, tức là những hoạt động của phe áo vàng - với nòng cốt là Liên Minh Nhân Dân vì Dân Chủ (PAD) chống Thaksin, như biểu tình, bao vây trụ sở chính phủ, buộc thủ tướng Somchai Wongsawat, em rể của ông Thaksin phải từ chức. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình từ ngày 9/4 vừa qua không nhằm mục đích dân chủ mà có ý định bất chấp luật pháp.

 

Trên thực tế, cho đến nay, quân đội Thái Lan đóng một vai trò quan trọng, thậm chí quyết định trên chính trường nước này. Kể từ năm 1932, khi Thái Lan thiết lập chế độ quân chủ lập hiến, quân đội đã thực hiện 18 cuộc đảo chính. Nhưng quân đội đã không can thiệp vào cuộc biểu tình của PAD hồi năm ngoái và thậm chí có tin không ra tay bảo đảm trật tự và an ninh tại Pattaya cuối tuần qua, buộc chính phủ Thái Lan phải hủy bỏ hội nghị của ASEAN với các đối tác.

 

Nhìn vào các diễn biến trong những ngày qua, theo giới quan sát, nếu quân đội thực sự ủng hộ Thủ tướng Abhisit, thì có nhiều khả năng trật tự sẽ được tái lập tại thủ đô Bangkok và vùng phụ cận, những nơi được đặt trong tình trạng khẩn cấp từ ngày 12/4. Tuy nhiên, không có gì chắc chắn là Thái Lan sẽ có ổn định ngay vì lực lượng ủng hộ Thaksin lại chủ yếu là những thành phần ở nông thôn và các tỉnh. Lãnh đạo phe áo đỏ cho biết là họ tổ chức các vụ biểu tình, phong tỏa giao thông tại nhiều nơi như Chiang Mai, Lampang, Phitsanulok, Udon Thani, Ubon Ratchathani, Nong Khai…

 

Nguyễn Viết

Tổng hợp

 

Dòng sự kiện: Biểu tình ở Thái Lan