Nườm nượp người đi chợ Viềng cầu may

(Dân trí) - Cứ đến đêm mồng 7, rạng sáng ngày mồng 8 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm, người dân khắp nơi lại nô nức kéo nhau đi chợ Viềng - Nam Định, mua bán cầu may.


Nườm nượp người đi chợ Viềng cầu may - 1

Du khách chọn mua đồ ở phiên chợ Viềng âm dương


Chợ Viềng mỗi năm chỉ họp một phiên duy nhất vào ngày mồng 8 tháng Giêng. Người ta tin rằng phải mua được một món đồ ngay trong những giây phút khai chợ đầu tiên thì mới thực sự là may mắn. Cho nên, ngay từ đêm ngày mồng 7, du khách đã nườm nượp xe pháo đổ dồn về Nam Định.

 

Bất chấp cái lạnh buốt giá đầu xuân Canh Dần, lượng du khách tới với chợ Viềng vẫn rất đông. Những người bản xứ thì lường trước được điều đó nên đã đi chợ ngay từ buổi chiều, song vẫn không tránh khỏi tắc đường.

 

7 giờ tối, con đường từ thành phố Nam Định đến xã Trung Thành, Vụ Bản đã chật cứng người và xe. Nhiều người phải gửi xe cách chợ cả 3, 4 km để chen chân vào chợ.

 

Người ta đến chợ  Viềng Phủ Dầy không chỉ để mua bán mà còn  để đi lễ phủ, cầu may, cầu lộc đầu xuân. Theo dân gian thì đến giờ Tý (khoảng 12 giờ  đêm), Chúa Liễu Hạnh sẽ hiển linh, khi đó cầu xin mới thành. Cho nên, du khách khắp nơi cố chen chân để được vào lễ phủ đúng giờ Tý.
 
Nườm nượp người đi chợ Viềng cầu may - 2

Phiên chợ "bán điều rủi, mua sự may" đã trở thành một nét văn hoá đẹp của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ
 

 

8 giờ tối, không một chiếc xe nào được phép đi vào con đường dẫn đến phủ Dầy. Đến 9 giờ tối thì ngay cả người đi bộ cũng khó mà chen chân vào được.

 

Con đường từ chợ  Phủ sang chợ Chùa cũng chật cứng xe cộ. Người xe ken vào nhau, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi dù trời gió rét. Có người phải lao cả xe xuống ruộng để mong thoát khỏi đám tắc đường.

 

Qua chợ Phủ khoảng 5km, năm nay “bỗng nhiên” xuất hiện một “chợ Viềng” nữa tại thị trấn Gôi. Hàng ngàn du khách từ các tỉnh khác, đặc biệt là từ Ninh Bình sang ngỡ đó là chợ Viềng nên dừng chân mua sắm luôn.
 
Nườm nượp người đi chợ Viềng cầu may - 3
Các món đồ này thu hút khách đi chợ Viềng

 

Từ xưa, người ta đến chợ Viềng để mua bán cầu may và cũng là để săn tìm những hàng độc. Song chợ Viềng xuân năm nay lại thiếu hẳn những món hàng ấy.

 

Chợ Phủ nổi tiếng với những cây cảnh đắt giá thì năm nay hàng hoá "nghèo nàn" hơn năm trước rất nhiều. Cây cối mang đến chợ ít hơn và chất lượng cũng không được vừa lòng du khách.

 

Trái lại, Viềng Chùa bỗng quy tụ rất nhiều cây cảnh của các vườn ươm quanh vùng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cảm thấy chưa thực sự thoả mãn với những món hàng ấy.

 

Khách đến Viềng Chùa xưa có thể mua được những món đồ cổ  thực sự, đầy giá trị. Song hàng hoá tại đây bây giờ chỉ là những mâm, chậu, lư đồng giả cổ hay những bức khảm trai chưa cũ đến mức được gọi là đồ cổ. Giá của chúng thì vẫn được các chủ hàng hét lên tận trời.
 
Nườm nượp người đi chợ Viềng cầu may - 4
Những cây lộc cũng được du khách chọn mua về với mong muốn đem lại điều may mắn trong năm mới

 

Món hàng được hầu hết các du khách chọn mua ở chợ Chùa là những đồng tiền may mắn. Người ta tin rằng phải mua đủ bộ 5 đồng xu tượng trưng cho Sinh - Lão - Bệnh - Tử - Sinh thì mới may mắn, thiếu một đồng là mất may cả năm. Giá của cả bộ cũng chỉ khoảng 20 nghìn đồng.

 

Càng về sáng, lượng du khách đổ về các chợ càng đông, khiến các con đường gần như ken kín. Tới 11h sáng nay, 21/2, trên nhiều con đường dẫn đến tỉnh Nam Định vẫn xảy ra ùn tắc. Thông tin từ độc giả các vùng cho hay, tại trạm thu phí Mỹ Lộc (huyện Mỹ Lộc) và đoạn giao cắt giữa Quốc lộ 1A và QL 10, đường 21, tình trạng ùn tắc ở mức độ khá nghiêm trọng. Ô tô nồi dài hàng mấy cây số hướng lên Hà Nội.

 

Phiên chợ "bán  điều rủi, mua sự may" đã trở thành một nét văn hoá đẹp của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ. Đã thành một thói quen, những người đi chợ Viềng về đều mang theo những cành lộc xanh tươi đầu năm mới, xua đi những điều không may mắn trong năm qua, rước về nhà niềm hạnh phúc, an bình trong năm mới.

 

Tiến Nguyên