1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Trao tặng tới nhân vật “11 năm "sống không bằng chết" 10 triệu đồng

(Dân trí) - Đồng cảm với những khó khăn vất vả của nhân vật trong bài viết “11 năm "sống không bằng chết" của cô giáo tiểu học bị kẻ xấu tạt a xít giữa đêm khuya", ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Công ty cổ phần địa ốc Hải Đăng (HD Mon Holdings) thông qua báo Dân trí, chung tay giúp đỡ hỗ trợ ban đầu tới chị Phạm Thị Lương.

Những ngày vừa qua, báo Dân trí có bài phản ánh về trường hợp chị Phạm Thị Lương (trú tại Phù Lưu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Lương là chị cả trong một gia đình có 4 anh em. Bố mẹ Lương làm nông, nên cả gia đình nghèo khó. Học hết lớp 12 Lương phải vào Cà Mau để làm thuê phụ giúp bố mẹ ở quê. Dù phải lam lũ kiếm sống, nhưng Lương vẫn không từ bỏ ước mơ trở thành cô giáo từ thủa bé. Lương vừa làm thuê vừa tự ôn luyện. Nỗ lực không ngừng đã giúp Lương đạt được ước mơ tuyệt đẹp khi cô tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm Cà Mau, rồi trở thành cô giáo tiểu học.

Nhưng niềm vui ấy kéo dài không lâu, giữa đêm tối chị bị kẻ xấu tạt a xít vào mặt, đẩy cô phải đi trong giông tố của cuộc đời.

Đôi mắt của chị Lương bị mù hẳn. Chị phải đeo kính đen để khuôn mặt vừa bớt sợ hơn và cũng là cách cô che những dòng nhựa ghen cứ chực chảy trên khuôn mặt biến dạng của mình.

Bi kịch cuộc đời cướp đi tất cả những gì tốt đẹp nhất của Lương đã tròn 11 năm có lẻ, nhưng cô vẫn nhớ như in, rõ mồn một từng chi tiết.

Tháng 4/2006, khi Lương đang dạy học ở một trường tiểu học của huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau), giữa một đêm tối lúc cô đang nằm ngủ ở phòng trọ, bất ngờ cô bị kẻ xấu tạt cả ca a xít cực mạnh vào mặt. Vết thương, vết bỏng thấu đến xương tủy khiến Lương nhanh chóng gục ngã. Lương được đồng nghiệp, người thân đưa ngay tới bệnh viện nhưng hành vi mất nhân tính của kẻ ác thú đã cướp đi của cô tất cả. Đôi mắt không còn nhìn thấy, khuôn mặt biến dạng kinh hoàng, đến thầy cô, người thân mới gặp cô trước đó ít giờ đã không còn nhận ra.

Vậy là từ cuối năm 2012, Lương chấp nhận trở về quê để bố mẹ tiện chăm sóc, cũng là cách bố mẹ, gia đình Lương đỡ tốn kém chi phí điều trị, chi phí đi lại chăm sóc em. Dù sống trong niềm yêu thương của bố mẹ, nhưng sống cảnh mù lòa, mặc cảm về tinh thần, gia đình lại nợ nần chồng chất khiến Lương nhiều lúc rơi vào bế tắc.

Sinh được đứa con, cuộc đời của Lương như cây đang khô héo, sắp chết bỗng sống lại ra lá, đơm hoa. Nhưng chặng đường mà Lương đang bước đi thật sự tối tăm, mù mịt như đôi mắt của cô sau cái ngày bị kẻ xấu hãm hại. Khoản nợ hơn 300 triệu chạy chữa thương tật, cứu rỗi đôi mắt cô và bố mẹ ốm yếu chưa biết khi nào trả được. Nghĩ đến con gái mới 2 tuổi đầu còn thơ dại đã phải gánh nợ cùng mẹ, cùng ông bà, rồi một khi đau yếu, con gái không biết sống ra sao, Lương lại vỡ òa, ôm riết lấy con trong nỗi đau tuyệt vọng…