Thăm những "bóng chiều" ngày cận Tết

(Dân trí) - Với người già, tết là ngày được sum vầy bên con cháu, được nở nụ cười hạnh phúc khi thấy lớp trẻ trưởng thành. Nhưng cái tết đầm ấm như thế đã lùi vào ký ức xa xăm của các cụ neo đơn ở nhà dưỡng lão.

 
Thăm những bóng chiều ngày cận Tết
Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc (TPHCM) tạm dời đến địa chỉ mới trên đường Điện Biên Phủ, quận 1.
 
Trung tâm có 2 khu bại liệt dành cho nam và nữ, mỗi khu 60 bệnh nhân
Trung tâm có 2 khu bại liệt dành cho nam và nữ, mỗi khu 60 bệnh nhân
 
Nụ cười móm mém của cụ bà ở khu bại liệt khi có khách đến thăm

Nụ cười móm mém của cụ bà ở khu bại liệt khi có khách đến thăm
 
Trước tết Nguyên đán cả tháng trời, các cụ ông, cụ bà tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc (TPHCM) đã nôn nao lắm. Bởi vì những dịp lễ tết chính là lúc họ được xã hội quan tâm, được hỏi han, tặng quà. Và ngày tết cũng thắp lên trong đôi mắt hằn sâu vết chân chim niềm hi vọng được gặp lại người thân. Với các cụ còn minh mẫn, ký ức lại ùa về với những bữa cơm sum họp gia đình của những cái tết xưa.
 
Cụ ông Trần Văn Rô (85 tuổi) vẫn nhớ mãi thời trai trẻ khi còn là tài xế xe tải, từng bôn ba trong Nam, ngoài Bắc. Có lúc cụ là tài xế xe buýt, bấy giờ gọi là xe khách nội thành, chạy tuyến Bình Tây - Chợ Cũ của Sài Gòn. Cụ từng có nhà cửa, nhưng sau khi con rể cụ qua đời, con gái làm ăn thất bát phải bán nhà rồi gửi cụ vào đây. Bẵng đi nhiều năm, trong chuyến di chuyển hiếm hoi từ quận 12 sang quận 1 hồi tháng 6, cụ mới tận mắt thấy được thành phố thay đổi thế nào.
 
May mắn của cụ Rô là đôi mắt vẫn còn đọc báo được

May mắn của cụ Rô là đôi mắt vẫn còn đọc báo được
 
“Thành phố bây giờ nhiều nhà cao tầng quá, xe cộ đông đúc quá. Thời tôi còn lái xe, đường sá vắng hoe à” - cụ Rô hồi tưởng. Những người bạn tài xế cùng thời với cụ, bây giờ chẳng biết ai mất, ai còn. Giá mà được đi thăm thì hay biết mấy! Bây giờ, cụ chỉ có thể tìm họ trong kỷ niệm mà thôi. Cụ Rô ít nhắc đến con cháu, chỉ nói qua loa: “Thỉnh thoảng nó có vào thăm”.
 
Từ khi điện thoại di động và email trở nên phổ biến, mọi người đã lãng quên lá thư tay. Nhưng ở đây, lá thư là báu vật của các cụ neo đơn. Lâu lắm mới nhận được lá thư, các cụ rưng rưng đôi mắt mờ đục, rồi hồ hởi viết thư trả lời. Mắt mờ, tay run nên phải nhờ người viết hộ. Chị Thu, nhân viên tại trung tâm Thạnh Lộc cho biết: “Thư của các cụ ngắn lắm, chỉ gồm hỏi thăm sức khỏe người thân quen rồi rủ họ đến chơi thôi. Đó là điều họ mong mỏi nhất”.
 
Trải qua gió bụi của cuộc đời, bao năm tháng dồn sức lực nuôi nấng bầy con cháu, những tấm thân gầy đét, ốm đau quặt quẹo quy tụ về đây. “Tết này, chẳng biết bầy con cháu đã học hành tử tế, làm nên sự nghiệp có đến tìm mình không?” - một câu nói ẩn chứa trong những ánh nhìn mờ đục hướng về cánh cửa. 
 
May mắn của cụ Rô là đôi mắt vẫn còn đọc báo được

Ông L.V.S (62 tuổi) có đến 10 người con, nhưng sau khi bị tai biến, ông được đưa vào trung tâm. Mỗi lần có người hỏi chuyện, ông vui cười như mếu.

May mắn của cụ Rô là đôi mắt vẫn còn đọc báo được

Chị Mộng Đào (32 tuổi) là người trẻ nhất ở khu bại liệt nữ. Chị là thợ uốn tóc, bị gãy sống lưng do ngã xuống từ sân thượng. Chị chia sẻ: "Ở trung tâm vui hơn vì tôi có người trò chuyện và giúp tập đi. Còn ở nhà, mọi người khóa cửa đi từ sáng tới tối, tôi ở nhà một mình buồn lắm"

Địa chỉ của Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc, tại phường Thạnh Xuân, quận 12 hiện đang xây mới nên Trung tâm dời về 106/14D Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh, TPHCM.

 
Sau chuyến di dời từ quận 12 đến quận 1, trung tâm gặp một số khó khăn mới: địa chỉ này trước đây là một trường học, thiết kế không phù hợp với người già. Cơ sở cũ chỉ có 2 tầng còn tại đây có cả tầng 3, diện tích chỉ bằng 1/3 chỗ cũ…

Các cụ yếu mệt không xuống sân tập thể dục được, thay vào đó là xếp hàng đi bộ quanh hành lang và các phòng. Còn đối với anh chị em nhân viên, họ đành phải “cuốc bộ” thêm tầng nữa. Những ngày cuối năm trời Sài Gòn lạnh bất thường khiến những ca trực đêm càng thêm vất vả, họ đến từng giường đắp lại chăn cho từng cụ: “Tuổi già như chuối chín cây, trời nóng cũng khổ mà trời lạnh lại càng đáng lo”.

Phòng y tế thì căng mình với 2 cụ bà: một cụ tuổi cao sức yếu nay chỉ nằm thoi thóp, một cụ mới được bệnh viện Nhân dân Gia Định chuyển đến vào tháng 1/2014, nằm viện lâu ngày không có người thân. Cứ 2 giờ nhân viên y tế lại xoay trở tư thế cho các cụ một lần, đề phòng lở loét…

Nhân viên phòng y tế đón tết bên giường bệnh của các cụ

Nhân viên phòng y tế đón tết bên giường bệnh của các cụ
 
Bác sĩ Cao Thiên Nhơn, người gắn bó lâu năm với trung tâm cho biết: “Hiện trung tâm có 286 cụ mà đến 180 người bị bại liệt và bại não, khâu chăm sóc hết sức vất vả. Hầu hết các cụ đều bị cao huyết áp, tai biến, lão suy… nên rất cần thuốc men, vật tư y tế để phòng bệnh khi thời tiết thay đổi, và đề phòng tai biến do cao huyết áp.”.
 
Tết là thời gian sum họp, vui vầy bên gia đình nhưng tại trung tâm, niềm vui của các cụ neo đơn chính là hơi ấm tình người. Bà cụ Luốc hấp háy đôi mắt lòa nặng sau đôi kính lão: "Ở ngoài đó ăn tết vui lắm nhỉ? Mắt bà mổ cườm 2 lần rồi nhưng giờ thấy mờ mờ thôi, có muốn đi coi tết ngoài đó cũng không được rồi. Mấy con nhớ ghé thăm bà, kể chuyện ăn tết ngoài đó cho bà nghe với!".
 
Nhân viên phòng y tế đón tết bên giường bệnh của các cụ

Chị Huỳnh Thị Gái mỉm cười hạnh phúc khi được người thân vào thăm. Chị là một trong số ít bệnh nhân có được may mắn này.

Hồng Nhung