1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

“Làm từ thiện ảo, nhận tiền thật” sẽ bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

(Dân trí) - Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, hành vi lấy bài Nhân ái của Dân trí để đăng facebook, kêu gọi ủng hộ vào tài khoản cá nhân của các FB Diệu Tâm, FB Vũ Thị Phương Anh là xâm phạm quyền tác giả và có dấu hiệu trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc công ty luật Đức Chánh
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc công ty luật Đức Chánh

Để thông tin được khách quan, Dân trí xin đăng tải cuộc trao đổi cùng luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc công ty luật Đức Chánh, về hành vi lấy bài Nhân ái của Facebook (FB) Diệu Tâm cũng như FB Vũ Thị Phương Anh:

Thưa luật sư, bà Thanh Trúc và bà Vũ Thị Phương Anh đã lấy bài viết về các hoàn cảnh nhân ái của báo Dân trí đăng tải trên FB cá nhân và để tài khoản cá nhân của bà vào kêu gọi sự hỗ trợ của bạn đọc. Hành vi của các FB như trên có vi phạm pháp luật không và bị xử lý thế nào thưa luật ư?

Luật sư Nguyễn Đức Chánh cho là báo Dân Trí có thể thông báo đến cơ quan công an về dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để các cơ quan này tham gia điều tra dấu hiệu trục lợi trên theo quy định. Dân Trí đang tiến hành hoạt động này theo tư vấn của luật sư và sẽ thông tin đến bạn đọc trong các bài tiếp theo.

Theo thông tin mà Dân Trí đã đăng về hành vi của bà Thanh Trúc và bà Vũ Thị Phương Anh, có 2 vấn đề đáng lưu ý.

Thứ nhất, hành vi lấy bài mà không xin phép cũng như đăng tải trên FB không trích dẫn nguồn tin của bà Thanh Trúc và bà Vũ Thị Phương Anh đã xâm phạm quyền tác giả theo quy định Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ. Như vậy, theo quy định tại Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì hành vi này có thể bị phạt từ 15 triệu đồng tới 35 triệu đồng, đồng thời phải dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm.

Thứ hai, hành vi đưa tài khoản cá nhân vào để kêu gọi cộng đồng ủng hộ tiền mà không có thống kê cụ thể, không đi trao đúng và đủ thì có dấu hiệu trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 BLHS.

Vậy cơ quan nào có trách nhiệm xử lý hành vi của FB Diệu Tâm hay Vũ Thị Phương Anh thưa luật sư?

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tố giác tội phạm với cơ quan điều tra. Sau đó, cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm và chuyển đến cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trong vòng 20 ngày (nếu vụ việc phức tạp thì không quá 2 tháng) kể từ ngày nhận được tin tố giác, Cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

 

“Làm từ thiện ảo, nhận tiền thật” sẽ bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản - 2

Để tham gia chia sẻ và cập nhật sự ủng hộ của bạn đọc Dân trí dành cho các hoàn cảnh nhân ái, mời các bạn tham gia vào Fanpage Nhân ái của báo Dân trí trên mạng xã hội Facebook.

Trong trường hợp này, báo Dân Trí nên làm đơn tố cáo hành vi của bà Thanh Trúc và bà Vũ Thị Phương Anh đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Bình Thạnh (nơi bà Trúc cư trú – PV) hoặc Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Hà Nội (nơi bà Phương Anh cư trú - PV) xem xét các dấu hiệu của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS.

Đồng thời, kiến nghị cơ quan chức năng như Chủ tịch UBND quận, Chánh thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông… lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Hành vi lấy bài Nhân ái của FB Diệu Tâm xâm phạm quyền tác giả và có dấu hiệu trục lợi

Từ trường hợp này, luật sư nghĩ như thế nào về việc hỗ trợ từ thiện trên mạng xã hội?

Theo quy định tại Nghị định 30/2012/NĐ-CP về tổ chức hoạt động quỹ xã hội, từ thiện thì các tổ chức chỉ được thành lập quỹ từ thiện khi có đủ các điều kiện như: mục đích hoạt động phù hợp với quy định, có sáng lập viên thành lập quỹ, ban sáng lập quỹ có đủ số tài sản đóng góp để thành lập quỹ…

Tài sản lập quỹ cũng có quy định rất rõ mức tối thiểu. Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh là 5 tỷ đồng, quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh là 1 tỷ đồng, quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện là 100 triệu đồng…

Quỹ hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh; quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản để hoạt động trong phạm vi tỉnh phải do Bộ trưởng Bộ Nội vụ cấp phép. Quỹ hoạt động trong phạm vi tỉnh; quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản để hoạt động trong phạm vi huyện, xã phải do Chủ tịch UBND cấp tỉnh cấp phép…

Từ các quy định trên cho thấy, không phải bất cứ tổ chức, cá nhân nào muốn thành lập quỹ từ thiện cũng được mà phải do các cơ quan chức năng cấp phép, thanh kiểm tra theo quy định.

Vì vậy, các mạnh thường quân khi đóng góp từ thiện từ các thông tin trên mạng xã hội cần xem xét xem cá nhân, tổ chức kêu gọi từ thiện có phải tổ chức hợp pháp hay không, có uy tín hay không để tránh tình trạng bị trục lợi lòng tốt của mình.

Cẩn trọng khi đóng góp từ thiện từ các thông tin trên mạng xã hội

Vâng, xin cảm ơn luật sư đã tư vấn!

Nhóm phóng viên

“Làm từ thiện ảo, nhận tiền thật” sẽ bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản - 3