Nghệ An

Đón Tết với làng trẻ SOS

(Dân trí) - Với mức kinh phí 1,4 triệu đồng từ nguồn ngân sách, các mẹ phải tính toán thật chi li để các con có một cái Tết tươm tất, đầy đủ hơn. Vì vậy, Tết ở làng trẻ SOS cũng đầm ấm không kém những ngôi nhà bình thường khác.

Không khí Tết đã ngập tràn các ngôi nhà của làng trẻ SOS

Không khí Tết đã ngập tràn các ngôi nhà của làng trẻ SOS


Những ngày cuối năm, tiết trời trở nên ấm áp hơn. Trong những ngôi nhà của làng trẻ SOS (Tp Vinh, Nghệ An) cũng đang tất bật chuẩn bị đón năm mới. Các ngôi nhà nhỏ dưới bàn tay của các mẹ, các dì ngày thường đã sạch tinh tươm thì nay như được khoác thêm một chiếc áo mới bởi sự chăm chút trang hoàng của những đứa con.

Các con đang tổng vệ sinh cho trường học, bởi vậy chỉ có 2-3 em ở căn nhà số 7 ở nhà phụ mẹ Nguyễn Thị Xuân chuẩn bị đón Tết. Hai đứa con trai lau chùi nhà cửa, trang hoàng cây mai mới mua, lắp bộ đèn nháy xung quanh tủ kính. Đứa con gái lớn năm nay học lớp 11 phụ mẹ lau rửa lá dong, thái hành. Mẹ Xuân ngồi khoanh tròn trên chiếc chiếu, xung quanh la liệt nếp, đậu xanh, thịt lợn… để gói bánh.

Các em nhỏ quây quần bên mẹ chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết
Các em nhỏ quây quần bên mẹ chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết

“Năm nào nhà mẹ cũng gói đến 30kg nếp để các con ăn cho thoải mái. Nhà 10 đứa con, với mấy đứa đi học nghề, học đại học nữa, phải chuẩn bị cho chúng nó khi hết Tết ra ngoài trường, chưa kịp mua sắm chi cả còn có cái mà ăn. Hết Tết, cứ mỗi đứa xách ra trường 2 cái bánh chưng để ăn dần. Các con vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, các mẹ chỉ có thể cố gắng hết sức để các con được ăn Tết thật vui vẻ, ấm cúng, đỡ tủi thân”, mẹ tâm sự.

Trang trí xong cây mai, 2 thằng con trai của mẹ Xuân cũng nhập hội gói bánh và chịu trách nhiệm vắt nhân đậu. Mẹ cười: “Tết mô cũng rứa, mấy đứa đều đòi được nấu bánh chưng. Tối, cả 10 đứa con đều quây quần bên bếp lửa, mang ngô, khoai ra nướng. Mấy mẹ con ngồi hàn huyên tâm sự. Đến giữa đêm, chúng lũ lượt kéo nhau đi ngủ, chỉ còn mẹ ngồi trông nồi bánh thôi”. Mẹ Xuân đã gắn bó với làng trẻ SOS này 21 năm trời và cũng chừng ấy thời gian mẹ không ăn Tết với người thân mà dồn hết tâm trí của mình cho cái Tết của những đứa trẻ kém may mắn này được đầm ấm hơn.

Mẹ Đinh Thị Nghiệm (nhà số 1), cũng có 10 con, đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi. Năm nay, những đứa con lớn của mẹ, đứa đang là sinh viên, đứa đã đi làm, đứa lập gia đình đều về đón Tết cùng mẹ và các em. Mẹ vui lắm. Thế là các con đều có mặt đông đủ.

Các mẹ đều tự tay gói bánh chưng để các con ăn Tết
Các mẹ đều tự tay gói bánh chưng để các con ăn Tết

Tay thoăn thoắt chuốt sợi giang chuẩn bị cho việc gói bánh, mẹ Nghiệm cho biết: “Các con là những trẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Tết là dịp để sum họp gia đình, các con kém may mắn, không được đoàn tụ với người thân, đáng thương lắm. Làm sao để chúng có được cảm giác ấm áp, thân thương trong những ngày Tết là điều bất kỳ bà mẹ mẹ nào, bà dì nào trong làng cũng mong. Năm nào cũng vậy, tôi và các con mình đều mua gừng, bí, cà rốt về rồi cùng nhau làm bánh, mứt. Vừa tiết kiệm, an toàn mà các con cũng được đóng góp cho tết của cả nhà”.

Ngôi nhà số 5 dường như trầm lắng hơn những ngôi nhà bên cạnh. Mẹ của các em trong lúc lau dọn bàn thờ bị ngã, phải vào bệnh viện kiểm tra, dì Hà chịu trách nhiệm quản lý các con. Không ai bảo ai, những đứa trẻ ở đây tự động làm phần việc của mình để góp sức vào việc chuẩn bị đón Tết, thứ nữa là để mẹ yên tâm chữa trị vết thương. Bé Võ Thị Như Ngọc (6 tuổi, quê Nghi Lộc) cùng người em trai của mình lúi húi bên rổ hành. Hai đứa bé cặm cụi tỉ mẩn bóc sạch lớp vỏ bên ngoài để dì Hà chuẩn bị muối dưa.

Năm nào mẹ Xuân cũng gói 30kg nếp để các con ăn Tết và làm lương khô khi đi học ở xa
Năm nào mẹ Xuân cũng gói 30kg nếp để các con ăn Tết và làm "lương khô" khi đi học ở xa

Đây là lần thứ 2 Ngọc đón Tết ở làng trẻ SOS. Mẹ em qua đời vì một vụ tai nạn giao thông, một thời gian ngắn sau đó bố em cũng mất. Ngọc và đứa em trai gần 3 tuổi được đưa vào làng trẻ SOS. “Tết chúng con được đón giao thừa, được vui chơi văn nghệ với các bạn, được các mẹ, các dì lì xì cho nữa, vui lắm. Con cũng nhớ nhà nhưng ở đây cũng vui, mong sao một năm có nhiều ngày Tết hơn”, cô bé hồn nhiên nói.

Nguyễn Thị Liên đã là sinh viên năm nhất của Học viên công nghệ bưu chính viễn thông Tp Hồ Chí Minh cũng về ăn Tết với mẹ và các em ở làng. Thực ra thì người thân của Liên vẫn còn, hồi học năm 12, Liên được ban lãnh đạo làng và mẹ cho về quê ăn Tết với người thân. Nhưng 8 năm trời ăn Tết ở làng đã trở thành một phần ký ức không thể quên của cô bé. Bởi vậy, thay vì về quê ăn Tết, Liên quyết định trở về làng để sum vầy bên mẹ và các em, để được đón một cái Tết đầm ấm, tràn đầy tình yêu thương.

Các con trang hoàng cây mai để đón Tết
Các con trang hoàng cây mai để đón Tết

Năm nay mỗi gia đình được cấp 1,4 triệu đồng để chuẩn bị đón Tết. Số tiền ấy vừa để mua nếp gói bánh, mua thịt cá, bánh kẹo… bởi vậy các mẹ cũng phải tính toán chi li và chi tiêu dè xẻn hết mức để các con được đón cái Tết đầy đủ hơn. Theo quy định, những đứa trẻ trên 18 tuổi sẽ ra khỏi làng nhưng Tết đến, các con đều muốn về quây quần bên mẹ và các em. Những đứa đã lập gia đình cũng kéo cả chồng, con về vui Tết. Để các con được hưởng một cái Tết sung túc hơn, các mẹ cũng lo bạc cả đầu. Thế nhưng niềm vui đoàn tụ, sum họp dường như đã làm tan biến những lo toan ấy. Những ngôi nhà với những đứa trẻ kém may mắn vẫn ngập tràn niềm vui và niềm hy vọng trong những ngày đầu năm mới.

Niềm vui của những đứa con làng trẻ SOS trước thềm năm mới
Niềm vui của những đứa con làng trẻ SOS trước thềm năm mới

Đáp lại những lo toan của các mẹ, các dì, 245 đứa con thuộc 20 gia đình trong làng trẻ SOS này có những cách riêng để thể hiện tình yêu và lòng biết ơn đối với ngượ mẹ thứ 2 của mình. Những tấm giấy khen, những chiếc thiệp xinh xắn các con mang về mừng tuổi mẹ là niềm hạnh phúc lớn lao của hơn 50 bà mẹ, bà dì trong làng. Các con chăm ngoan, học giỏi, trưởng thành, đó là ước mong lớn nhất của các mẹ trước thềm năm mới này.

Chia tay làng trẻ SOS khi các những nồi bánh chưng đã được bắc lên bếp, những lọ dưa hành đã bắt đầu thơm, khi những cành đào, cành mai đã bung nụ khoe sắc… Một mùa xuân ấm áp, yêu thương nữa lại về với ngôi làng đặc biệt này.

Hoàng Lam