Xây dựng giấc mơ xe không người lái tại Việt Nam

(Dân trí) - Hơn 500 sinh viên từ 26 trường đại học trên cả nước tham dự cuộc thi Cuộc đua số để trình diễn công nghệ điều khiển xe không người lái đầu tiên tại Việt Nam. Giấc mơ xe không người lái đang trở thành đề tài được giới trẻ quan tâm.

Ngày 10/5 tại nhà thi đấu Cầu Giấy - Hà Nội, 8 nhóm sinh viên đến từ 8 trường đại học trên cả nước sẽ thi đấu trận cuối cùng của cuộc thi công nghệ điều khiển xe không người lái đầu tiên tại Việt Nam. Đây là chủ đề năm 2016 - 2017 của cuộc thi công nghệ thường niên Cuộc đua số do Tập đoàn FPT tổ chức.

Theo đó, các đội thi sẽ phải sử dụng kiến thức công nghệ mới như xử lý ảnh (nhận làn đường, xác định vật cản), trí tuệ nhân tạo, học máy kết hợp với kiến thức về điều khiển tự động để xe có thể di chuyển chính xác nhất trên đường thẳng, trong khúc cua, khi leo dốc; biết tự điều chỉnh đường đi, tốc độ khi gặp vật cản.

Tự vận hành là 1 trong 9 công nghệ trụ cột của cuộc cách mạng 4.0. Nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này đã được áp dụng vào thực tiễn. Robot giao hàng, máy bay không người lái, các ứng dụng hỗ trợ người lái trong xe ô tô, xe ô tô không người lái, trợ lý ảo (Siri, Cortana, Google Now..)… đang được nghiên cứu và đưa vào sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Các ứng dụng này ngày càng thông minh hơn và có khả năng tự động xử lý tình huống thay cho người sử dụng. Theo dự báo của Gartner lĩnh vực này sẽ có nhiều tiến bộ hơn nữa trong thời gian tới.


Sinh viên đại học Bách Khoa TPHCM đang thử nghiệm điều khiển xe không người lái.

Sinh viên đại học Bách Khoa TPHCM đang thử nghiệm điều khiển xe không người lái.

Theo Mc Kinsey, xe ô tô có kết nối và ứng dụng thông minh sẽ tăng trưởng trung bình 30% trong các năm tới, và sẽ chiếm 25% tổng số lượng xe trên toàn thế giới vào năm 2020.

“Sự phát triển trong lĩnh vực ô tô sẽ giống như sự phát triển trong lĩnh vực điện thoại di động. Ô tô không chỉ có chức năng đi lại mà cũng sẽ là một thiết bị thông minh, phục vụ các nhu cầu khác của con người. Kho ứng dụng thông minh cho ô tô sẽ phát triển rất sôi động và đây là cơ hội lớn cho thế hệ trẻ Việt Nam. Chúng tôi mong muốn sẽ có ngày càng nhiều hơn các bạn sinh viên Việt Nam có cơ hội được sớm tiếp cận, học tập, thực hành và nghiên cứu các công nghệ trong lĩnh vực mới như xe tự hành, để có thể tham gia phát triển cùng các hãng công nghệ và hãng xe hàng đầu thế giới; đồng thời có thể tự phát triển các ứng dụng thông minh nói chung khi thị trường này bùng nổ. Cuộc đua số là sân chơi đầu tiên tại Việt Nam giúp cho các bạn sinh viên được học hỏi và thực hành công nghệ xe không người lái. Những thách thức công nghệ trong Cuộc đua số 2016 – 2017 là bước khởi đầu cho việc bắt kịp với xu hướng của thế giới. Trong các năm sau, những thách thức này sẽ tiếp tục được nâng cao để phù hợp với sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực tự hành trên thế giới, và sau 5 năm, từ Cuộc đua số, những thiết bị tự hành được phát triển bởi trí tuệ Việt Nam có thể ứng dụng trong thực tế cuộc sống.” - ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT nhận định.

Các sinh viên lọt vào vòng chung kết đã được FPT trang bị xe ô tô mô hình, tài liệu đào tạo về công nghệ xử lý ảnh, các thư viện mã nguồn mở.

Cuộc đua số diễn ra từ tháng 11/2016 đến tháng 5/2017. Cuộc thi đã thu hút hơn 500 thí sinh từ 26 trường đại học trên cả nước tham dự. Sau 8 trận thi đấu vòng loại tại các trường đại học trên toàn quốc (từ 9-18/1),8 đội thi xuất sắc nhất đã lọt vào vòng chung kết. Các đội có 3 tháng để lập trình, sử dụng các thuật toán điều khiển xe. Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên tới 700 triệu đồng.

Khôi Linh